Chặn gian lận trong nhập khẩu phôi thép

(ĐTCK) Công ty TNHH IPC (Hải Phòng), Công TNHH Thương mại Dương Tiến (Bắc Giang), Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Long (Hà Nội), Công ty Thép Vinakyoei (Bà Rịa - Vũng Tàu), Công ty Sản xuất thép Úc SSE (Hải Phòng) là những doanh nghiệp sẽ bị kiểm tra về việc nhập khẩu phôi thép để ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại trong nhập khẩu phổi thép, theo Quyết định số 12583/QĐ-BCT ngày 17/11/2015 của Bộ Công thương.
Tháng 9/2015, lượng phôi thép khai chứa hợp kim nhập về Việt Nam là 62.000 tấn, tăng vọt so với mức hơn 3.000 tấn trong tháng 8
Tháng 9/2015, lượng phôi thép khai chứa hợp kim nhập về Việt Nam là 62.000 tấn, tăng vọt so với mức hơn 3.000 tấn trong tháng 8

Gian lận trong nhập khẩu phôi thép là tình trạng đáng báo động trong mấy tháng qua, không chỉ gây thất thu thuế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh bình đẳng của nhà sản xuất thép trong nước, khiến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải Hải đã chỉ đạo thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, một số công ty thương mại nhập khẩu phôi thép Trung Quốc khai là phôi thép hợp kim chứa nguyên tố Crom tỷ lệ >= 3% để hưởng thuế suất 0%, thay vì chịu thuế suất 9% như phôi vuông (sản xuất thép xây dựng thông thường). Trong tháng 8/2015, lượng phôi thép khai chứa hợp kim nhập về Việt Nam ở mức trên 3.000 tấn (giá trị gần 1 triệu USD), thì trong tháng 9, khối lượng tăng vọt lên trên 62.000 tấn (trị giá hơn 20 triệu USD). Con số này trong tháng 10 tiếp tục tăng lên.

Sản phẩm thép có chứa nguyên tố hợp kim của Trung Quốc khi vào Việt Nam hưởng lợi kép do được Trung Quốc hoàn thuế và được hưởng thuế suất 0% nên có giá bán rất thấp. Chính sự gian lận thương mại này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà sản xuất thép trong nước, đặc biệt trong bối cảnh sản xuất thép của Trung Quốc đang dư thừa và doanh nghiệp nước này tìm mọi cách đẩy hàng qua biên giới.

Theo phân tích của Hiệp hội Thép, phôi thép chứa hàm lượng rất nhỏ Crom không khác biệt gì với phôi thông thường và vẫn dùng để cán thép xây dựng. Tình trạng tương tự như năm 2014, nhiều doanh nghiệp Việt nhập khẩu thép hợp kim chứa hàm lượng nhỏ Boron để “lách” thuế, nhưng vẫn dùng cán thép xây dựng, chứ không phải để sản xuất các sản phẩm chuyên biệt khác.

Trước phản ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam và các nhà sản xuất thép thuộc Hiệp hội Thép Đông Nam Á, đặc biệt là một số nước Đông Nam Á áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất ngành thép trong nước, Trung Quốc đã hủy bỏ chính sách hoàn thuế đối với một số sản phẩm thép hợp kim chứa Boron từ đầu năm 2015. Nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc lại thay thế bằng Crom để được hưởng hoàn thuế khi xuất khẩu.

Như vậy, sản phẩm thép có chứa nguyên tố hợp kim của Trung Quốc khi vào Việt Nam hưởng lợi kép do được Trung Quốc hoàn thuế và được hưởng thuế suất 0% nên có giá bán rất thấp. Chính sự gian lận thương mại này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà sản xuất thép trong nước, đặc biệt trong bối cảnh sản xuất thép của Trung Quốc đang dư thừa và doanh nghiệp nước này tìm mọi cách đẩy hàng qua biên giới.

Trước mắt, để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu phôi thép hợp kim ồ ạt, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Đoàn kiểm tra liên ngành sau khi thanh tra các doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng phôi thép hợp kim Crom thời gian qua, nếu phát hiện sử dụng để cán thép xây dựng thông thường thì cần truy thu thuế và xử phạt nặng các đơn vị nhập khẩu có hành vi gian lận.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải Quan dừng thông quan các lô hàng nhập khẩu phôi thép hợp kim chứa Crom để đợi kiểm tra, giám sát. Các doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép chứa Crom về chỉ dùng để cán thép xây dựng phải áp dụng thuế suất 9% như phôi thông thường.

Về dài hạn, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan như xây dựng các quy định, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn hiệu quả việc nhập khẩu thép hợp kim nhưng chỉ sử dụng vào các mục đích thông thường, trong đó có phôi thép hợp kim.               

Minh Phúc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục