Chặn đường trốn thuế các hoạt động kinh doanh công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
Các cá nhân, doanh nghiệp có nguồn thu từ hoạt động kinh doanh công nghệ, kinh doanh online không tiến hành kê khai, trốn thuế, né thuế… sẽ đối mặt với chế tài xử phạt nghiêm khắc.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Hơn 10.000 YouTuber chưa đóng thuế

Liên quan đến vụ việc Thơ Nguyễn (tức Nguyễn Thị Hồng Thơ, thường trú tại phường An Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) đăng tải clip có nội dung mê tín dị đoan và đã bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng, Chi cục Thuế TP. Thuận An cho biết, từ năm 2019 đến tháng 2/2021, Thơ Nguyễn đã nộp hơn 2 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân.

Tại Việt Nam, số YouTuber (người sáng tạo nội dung và chia sẻ chúng trên YouTube) kiếm tiền tỷ mỗi năm như Thơ Nguyễn không hiếm. Theo thống kê từ Google, kênh Độ Mixi đang dẫn đầu top 10 nhà sáng tạo trên YouTube tại Việt Nam năm 2020 với 4,45 triệu người đăng ký, có thu nhập 3,35 - 53 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, còn nhiều kênh nổi tiếng có thu nhập “khủng”, như: kênh Trấn Thành Town thu nhập khoảng 1,6 - 25,3 tỷ đồng/năm; kênh Hậu Hoàng chuyên video nhạc chế, thu nhập 1,44 - 23 tỷ đồng/năm; kênh Anh Thám Tử thu nhập 7,7 - 124 tỷ đồng/năm; kênh Cris Devil Gamer thu nhập 2,33 - 36,8 tỷ đồng/năm; kênh Di Di thu nhập 2,23 - 36,8 tỷ đồng/năm; kênh FAP TV thu nhập 5 - 80,5 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, là hàng loạt kênh YouTube đình đám, nổi tiếng như kênh Sơn Tùng M-TP thu nhập ước tính 16,1 - 99 tỷ đồng/năm; kênh Bà Tân Vlog thu nhập 780 triệu - 12,5 tỷ đồng/năm..., theo thống kê từ Social Blade.

Doanh thu trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số tại Việt Nam khá lớn, nhưng số tiền thuế thu về từ các cá nhân kiếm tiền trên nền tảng Google, Facebook... trong năm 2019 - 2020 mới đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Đồ họa: Đan Nguyễn
Doanh thu trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số tại Việt Nam khá lớn, nhưng số tiền thuế thu về từ các cá nhân kiếm tiền trên nền tảng Google, Facebook... trong năm 2019 - 2020 mới đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Đồ họa: Đan Nguyễn

Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5.000 kênh đăng ký, kê khai, chịu sự quản lý và nộp thuế tại Việt Nam (trong đó có khoảng 350 kênh có doanh thu lớn, từ 1 triệu người đăng ký theo dõi trở lên); vẫn còn hơn 10.000 kênh chưa kê khai, nộp thuế.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thuế, số tiền thuế thu về từ các cá nhân kiếm tiền trên nền tảng Google, Facebook trong năm 2019 - 2020 đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, số thuế nêu trên đến từ 2 nguồn: các cá nhân kiếm tiền trên nền tảng Google, Facebook tự kê khai thuế và nộp vào ngân sách; cơ quan thuế xác định số thuế mà các cá nhân phải nộp khi thực hiện nhiệm vụ về quản lý thuế.

“Đây là số thu đối với riêng cá nhân có phát sinh doanh thu từ Google, Facebook… và được xác định thông qua phần doanh thu mà doanh nghiệp trả cho cá nhân qua hoạt động quảng cáo. Có trường hợp cá nhân tự kê khai, có trường hợp là cơ quan thuế yêu cầu cung cấp”, ông Minh thông tin.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các cá nhân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân (mức thuế được xác định dựa trên ngành nghề kinh doanh). Với doanh thu “khủng” của 10.000 kênh bật chức năng kiếm tiền mà ngành thuế chưa thống kê, quản lý được, Nhà nước đang thất thu một nguồn thuế rất lớn.

Chế tài, giải pháp mạnh

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, hiện tại, việc thu thuế đối với các cá nhân có thu nhập lớn từ YouTube, Facebook… chủ yếu do các cá nhân tự nguyện kê khai và nộp thuế. Số còn lại do ngành thuế phối hợp với các đơn vị liên quan (như ngân hàng thương mại) để kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chi trả cho các tổ chức, cá nhân trong nước, trên cơ sở đó thông báo cho cá nhân kê khai nộp thuế.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một YouTuber cho biết, hiện phần lớn các YouTuber được trả tiền qua tài khoản tín dụng quốc tế, ví PayPal, ví Payoneer, Western Union, hoặc nhận tiền qua các công ty trung gian có ăn chia phần trăm trên doanh thu. Chính vì vậy, việc kiểm soát của cơ quan thuế là rất khó khăn.

Đề cập chế tài đối với các YouTuber không chịu kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh: “Theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế (năm 2019), các cá nhân trong nước nhận tiền trực tiếp từ Google, Facebook... thì phải có nghĩa vụ tự khai thuế. Vì vậy, nếu các YouTuber không chịu kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân, thì sẽ bị phạt gấp 1 - 3 lần số thuế phải đóng. Nếu không tự giác kê khai nộp thuế hay cố tình chây ì nộp thuế, ngành thuế sẽ phối hợp với các ngân hàng để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp qua các mạng xã hội trên. Ngoài ra, các cá nhân trốn thuế sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí khi trốn nộp số thuế lớn có thể chuyển sang truy tố hình sự”.

Cũng liên quan vấn đề thu thuế, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết, điểm mới của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP là các công ty công nghệ như YouTube phải có trách nhiệm thu và nộp thuế thay cho những cá nhân có doanh thu trên nền tảng của mình (trước đây, ngành thuế chỉ thu thuế trực tiếp đối với những cá nhân này). Ông Bình đánh giá, đây là một biện pháp hữu hiệu, đạt hiệu quả cao khi tiến hành truy thu thuế từ “đầu nguồn” - những đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ làm phát sinh doanh thu cho cá nhân.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM) cho rằng, tới đây, các cơ quan quản lý của Việt Nam phải tiến đến việc ký thỏa thuận thu thuế với các nền tảng xuyên biên giới như một số nước đã thực hiện. Việc quản lý thuế đối với cá nhân có doanh thu từ những hoạt động trên mạng Internet sẽ hiệu quả hơn khi các tổ chức thực hiện khấu trừ trước khi trả tiền cho cá nhân.

Được biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trong năm 2021 là sẽ chặn đường trốn thuế, né thuế của các hoạt động kinh doanh công nghệ, kinh doanh online từ các cá nhân, doanh nghiệp có nguồn thu từ Facebook, Google… Các cá nhân, tổ chức không tiến hành kê khai, nộp thuế theo đúng quy định sẽ bị chế tài nghiêm khắc.

Các YouTuber Việt Nam sẽ bị đánh thuế 30% theo chính sách mới của YouTube

Mới đây, Google có thông báo về việc tất cả những người sáng tạo nội dung và kiếm tiền trên YouTube, bất kể đang sống ở đâu trên thế giới, đều cần phải cung cấp thông tin thuế.

Mức đánh thuế từ thu nhập của các YouTuber sẽ dựa vào nhiều yếu tố. Đối với những YouTuber sống bên ngoài nước Mỹ, nếu khai báo thông tin thuế trước ngày 31/5/2021, sẽ phải chịu mức thuế 30% cho các doanh thu đến từ người xem tại Mỹ. Nếu không nộp khai báo thuế, YouTuber sẽ bị đánh thuế 24% đối với doanh thu đến từ người xem ở mọi quốc gia.

YouTube giải thích rằng, YouTube phải điều chỉnh chính sách để phù hợp với quy định của Luật Thuế tại Mỹ. Luật Thuế của Mỹ quy định Google bắt buộc phải khấu trừ thuế khi người sáng tạo nội dung không ở Mỹ, nhưng kiếm được thu nhập từ người xem tại Mỹ.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục