Đỗ Hữu Hậu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Huy
Sinh năm 1984, doanh nhân trẻ Đỗ Hữu Hậu hiện là Tổng giám đốc Công ty Hưng Việt, công ty liên kết với Tập đoàn Hoàng Huy, Chủ đầu tư dự án Golden Land (Hà Nội).
Hậu là người có vai trò rất lớn trong mảng kinh doanh xe tải Dongfeng, hoạt động chính của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (đang niêm yết trên sàn HOSE với mã HHS). HHS được thành lập vào năm 2008 tại Hải Phòng, với ngành nghề chính là bán buôn bán lẻ ô tô con, bán mô tô xe máy,…
Chủ tịch HHS là ông Đỗ Hữu Hạ, cha của Hậu, hiện tại Công ty này, Hậu đảm nhận vị trí thành viên HĐQT.
Ban điều hành của HHS hầu hết là những người thuộc thế hệ cha chú của Hậu như ông Vũ Văn Cảnh, Giám đốc sinh năm 1948, Phó giám đốc Hoàng Thanh Tùng sinh năm 1950, ông Phạm Văn Mạn, Phó giám đốc sinh năm 1945, trong đó có người xuất thân từ công chức nhà nước về hưu…
Những người có thâm niên lâu năm cũng sẽ giúp doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm quý, tuy nhiên họ và những người có liên quan hầu như không nắm giữ cổ phiếu HHS nên giới phân tích cho rằng, việc chỉ đạo kinh doanh chính tại HHS hầu như được gia đình ông Đỗ Hữu Hạ quản lý.
Điều này càng có cơ sở khi tại buổi gặp gỡ, giao lưu với nhà đầu tư do Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM tổ chức mới đây, Hậu đại diện cho lãnh đạo HHS tham gia trao đổi với nhà đầu tư.
HHS đã có bước phát triển mạnh mẽ trong suốt những năm qua, thể hiện qua con số lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt 82 tỷ đồng, năm 2014 đạt 123 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm nay đạt 416 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Công ty này thuộc nhóm cao nhất sàn chứng khoán khi năm 2014 tăng 66% so với năm 2013; 9 tháng đầu năm đạt 521% so với cùng kỳ 2014.
Đây là điểm sáng của HHS song sẽ là áp lực rất lớn đối với những người chèo lái doanh nghiệp như ông Đỗ Hữu Hạ và thế hệ kế cận như Đỗ Hữu Hậu để duy trì tốc độ tăng trưởng cao như trên. Đặc biệt, khi hiện nay quy mô doanh nghiệp cũng như thị trường đã có nhiều thay đổi so với trước.
Từ quy mô vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng khi mới bắt đầu niêm yết, HHS hiện đã đạt quy mô vốn điều lệ 2.330 tỷ đồng. Voi khó có thể phi nước đại, do đó tìm kiếm các cơ hội mới để tiếp tục có lợi nhuận cao, duy trì đồ thị EPS tăng trưởng trong tương lai với Ban điều hành thời gian tới, như Hậu và các cộng sự sẽ là thách thức không nhỏ.
Có cha chú là những doanh nhân thành công, kế nghiệp tài sản là những công ty lớn, kinh doanh hiệu quả, đối với nhiều doanh nhân trẻ là một tiền đề thuận lợi. Tuy nhiên, liệu họ có tiếp tục duy trì và phát triển được sự nghiệp mà cha mẹ họ chuyển giao hay không lại không phụ thuộc nhiều vào điều đó, mà phần lớn phụ thuộc vào chính năng lực của bản thân họ.
Nguyễn Đức Mạnh, Giám đốc CTCP Thời trang TNG
Nguyễn Đức Mạnh, Giám đốc CTCP Thời trang TNG là con trai ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại TNG, doanh nghiệp đang phát triển tốt trong lĩnh vực dệt may. Từng là nhà giáo nên ông Thời có cách sống được mọi người đánh giá rất chuẩn mực, trong đó ông cũng tự nhận là có cách giáo dục con rất khiêm khắc, thậm chí có nhiều lúc bị kêu là hà khắc. Niềm hạnh phúc của một doanh nhân như ông là con cái ngoan ngoãn, có chí và đều say mê kinh doanh.
Nhiều cửa hàng thời trang TNG trong nước đã được khai trương
Nguyễn Đức Mạnh có nhiều năm tu nghiệp tại NewYork, nhưng theo học ngành công nghệ thông tin. Sau khi về nước, tham gia giúp cha một số công việc tại TNG, Mạnh lại “bén duyên” với công nghiệp thời trang. Là doanh nghiệp dệt may quy mô lớn của tỉnh Thái Nguyên, song TNG cũng như nhiều doanh nghiệp dệt may khác chủ yếu sống bằng gia công cho các tập đoàn nước ngoài. Doanh thu có thể rất lớn nhưng biên lợi nhuận chỉ dao động vài phần trăm. Mơ ước của ông Thời là một ngày kia TNG xuất khẩu được các sản phẩm do chính TNG may và thiết kế ra thị trường nước ngoài, nơi hiện nay TNG vẫn đang làm gia công cho các tên tuổi lớn trên thế giới như Mango, Zara… Muốn vậy, trước hết phải đi từ sân nhà.
CTCP Thời trang TNG được thành lập và đi vào hoạt động từ 4 năm trước và được giao cho Mạnh phụ trách. “Thiếu kinh nghiệm, mấy năm đầu mình toàn làm sai’, Mạnh chia sẻ. Với sự hỗ trợ của cha và các đồng nghiệp, Mạnh đã trưởng thành hơn nhiều và xây dựng được chiến lược rõ ràng, hợp lý cho Thời trang TNG để thương hiệu dần đứng vững trên sân nhà. Tạo ra những sản phẩm thời trang đẹp, mẫu mã phong phú, chất liệu tốt, giá cả phù hợp với khách hàng có thu nhập từ trung bình khá trở lên là mục tiêu mà TNG đặt ra và đang theo đuổi. Trước hết, các sản phẩm này được bán ở thị trường nội địa.
Để phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng, khá nhiều cửa hàng TNG trong nước đã được khai trương, không chỉ ở thành phố như Hà Nội hay Thái Nguyên, nơi TNG dựng nghiệp mà còn vươn ra các tỉnh, thành khác trên cả nước dưới mô hình đại lý. Bên cạnh đó, vị CEO trẻ chủ trương hợp tác với các hãng khác để đưa sản phẩm của mình bán tại nhiều trung tâm thương mại lớn. Đơn cử, mới đây TNG hợp tác với chuỗi cửa hàng Robins, đưa sản phẩm TNG bày bán cùng với nhiều sản phẩm thời trang khác tại Trung tâm thương mại Royal City, Times City…
“Tăng trưởng của mảng thời trang tại TNG đạt trung bình 150%/năm. Chúng tôi không chủ trương làm lớn ngay một lúc mà sẽ phát triển từng bước một. Những sản phẩm nào đưa ra thị trường bán được, công ty sẽ tập trung sản xuất. Tiềm năng của thị trường là vô cùng lớn. Hãy cứ nhìn doanh thu từ thị trường sữa trong nước tới cả trăm nghìn tỷ mỗi năm trong khi người dân vẫn tiêu dùng nhiều hơn cho thời trang”, Mạnh chia sẻ.
Khác với hàng gia công có biên lợi nhuận thấp, hàng thời trang có thể đem lại lợi nhuận rất lớn khi giá bán sản phẩm thường gấp 3-7 lần giá thành sản xuất. Quan trọng là thiết lập kênh phân phối, cách quản lý để tránh hàng tồn, doanh nghiệp sẽ “sống khỏe”.
Sau giai đoạn tự gọi là khởi nghiệp thời trang, đến năm sau, TNG sẽ tập trung đầu tư mạnh cho lĩnh vực này. Hiện Trung tâm Thiết kế Thời trang TNG tại Thành phố Thái Nguyên có tổng diện tích trên 7.000 m2 đã hoàn thiện tầng hầm và đổ bêtông xong mặt sàn tầng 1. Dự án gồm 2 hạng mục chính là Trung tâm thiết kế Thời trang và Trung tâm thương mại TNG, được khởi công từ đầu tháng 10/2015, dự kiến sau 120 ngày sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Không chỉ là nơi hợp tác với các nhà thiết kế Việt Nam, Trung tâm còn mời nhiều nhà thiết kế giỏi nước ngoài về làm việc. Vào cuối năm nay, TNG sẽ tách các dây chuyền làm hàng thời trang TNG hiện nay tại các nhà máy đang hoạt động thành một nhà máy mới với khoảng 10 dây chuyền may. Cũng từ năm ngoái, công ty đã hợp tác với các nhà thiết kế Pháp, châu Âu và tuyển dụng một đội ngũ các nhà thiết kế trẻ có năng lực trong nước để bước đầu tạo ra những bộ sưu tập thời trang mới mang nhãn hiệu TNG.
TNG đã thành lập chi nhánh tại Mỹ để từng bước thiết lập cơ sở, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hàng “made in Vietnam”, thương hiệu TNG vào những thị trường tiềm năng. “Các thương hiệu thời trang nước ngoài đã trải qua mấy chục năm phát triển, so với họ thời trang Việt Nam còn phải học hỏi nhiều. Tuy nhiên, gần đây, thời trang Việt Nam đã có bước phát triển rất mạnh mẽ. Chúng tôi tin sẽ đứng vững và phát triển tốt trên sân nhà, dần tiến ra thế giới”, Mạnh tự tin nói.
Là một doanh nghiệp niêm yết đã có sự lột xác trong vài năm gần đây và là doanh nghiệp được điểm cao nhất về quản trị và tính minh bạch trên HNX, thời điểm này với TNG vốn không phải là chuyện quá khó khăn. Các nhà đầu tư trong ngoài nước sẵn sàng bỏ vốn vào TNG miễn sao Công ty có phương án sử dụng vốn hiệu quả. Đó là một thuận lợi với những doanh nhân trẻ như Mạnh song cũng là áp lực lớn với anh bởi công nghiệp thời trang không phải là cuộc chơi của những tay mơ, khi thị trường có sự cạnh tranh hết sức khốc liệt và vốn đầu tư bỏ ra không hề nhỏ.