Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, Hoa Kỳ đứng thứ 12 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 11 tháng qua với 97 dự án mới với tổng vốn đăng ký 157,2 triệu USD. Là tổ chức “sát nách” với nhà đầu tư, doanh nghiệp, AmCham sẽ thúc đẩy đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam ra sao?
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ không còn xa lạ với thị trường Việt Nam. Thậm chí, một số tỉnh, thành phố trở nên rất quen thuộc với nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đặc biệt, Hội thảo xúc tiến đầu tư vừa qua tại Vĩnh Phúc rất hữu ích khi mở ra cánh cửa để doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.
Một số tiêu chí quan trọng khi doanh nghiệp xem xét quyết định đầu tư, gồm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, công nghệ 4.0, lao động có tay nghề, nghiên cứu và phát triển (R&D)... Không quá khó để tập trung thu hút đầu tư vào những ngành sản xuất chế tạo với công nghệ thấp, tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp tìm đến Việt Nam để đầu tư các dự án có giá trị gia tăng cao và đòi hỏi Việt Nam đáp ứng nguồn lao động có tay nghề cho các dự án đó.
Việt Nam đang thảo luận, lấy ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước về sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, đặc biệt đầu tư từ Hoa Kỳ và tăng tính minh bạch trong môi trường kinh doanh, theo bà, Việt Nam cần lưu ý những vấn đề gì?
Luôn có khó khăn khi đầu tư vào một nơi nào đó trên thế giới. Câu hỏi đặt ra là những khó khăn đó là thông thường hay là khó khăn gấp bội. Đó là điều mà Việt Nam cần quan tâm tháo gỡ. Sẽ không tốt nếu thời gian thực hiện các thủ tục thuế và hải quan kéo dài và gây phiền hà.
Bà Virginia Foote, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi).
Tôi cho rằng, Việt Nam cần hướng đến áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về môi trường kinh doanh.
Như đã phát biểu tại Hội nghị Vĩnh Phúc - Điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu và Hoa Kỳ tổ chức ngày 27/11 tại TP. Vĩnh Yên, tôi cho rằng, hệ thống thuế là điều rất quan trọng trong môi trường kinh doanh. Vấn đề chính không nằm ở chỗ cắt bỏ dòng thuế, mà là cơ cấu đánh thuế sao cho cạnh tranh. Còn nhớ, chúng ta đã từng thảo luận về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì lấy đâu nguồn để tăng thu thuế.
Việc thu thuế là vấn đề rất rõ ràng, nhưng đôi khi chưa minh bạch. Điều chúng tôi mong muốn là thu thuế ở Việt Nam phải rõ ràng, công bằng, nhất quán và doanh nghiệp có thể dự đoán. Đây là điều chẳng mấy thú vị, chẳng ai muốn nói về thuế, nhưng lại rất quan trọng trong kinh doanh, bên cạnh vấn đề chi phí kinh doanh và hải quan.
Theo tôi, hệ thống thuế của Việt Nam cần tiếp tục được cải thiện, chú trọng giải quyết các mâu thuẫn trong thời gian tới.
Tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp FDI được xem là diễn biến khá phức tạp trong những năm gần đây. Trong 6 tháng đầu năm nay, qua thanh tra 150 doanh nghiệp FDI có hoạt động giao dịch liên kết, cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt trên 693 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế trên 2.660 tỷ đồng. Phải chăng, Việt Nam còn thiếu các biện pháp mạnh để chặn chuyển giá, thưa bà?
Việt Nam là một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp luôn cần vận chuyển hàng hóa của họ từ nơi này sang nơi khác, giữa các quốc gia với nhau. Đây là cách thức làm ăn toàn cầu và Việt Nam không thể tạo luật chơi riêng. Việt Nam chỉ có thể cáo buộc một công ty có hành vi chuyển giá, chuyển lợi nhuận ra khỏi Việt Nam nếu điều đó xảy ra.
Được biết, hệ thống thuế và các biện pháp chống chuyển giá của Việt Nam hiện chưa phát triển, chưa đủ mạnh, trong khi một số thủ tục, biện pháp chống chuyển giá như Cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp đầu tư lại chưa được áp dụng tại Việt Nam. Về vấn đề này, chúng tôi rất mong muốn Việt Nam áp dụng một số tiêu chuẩn toàn cầu để tăng cường minh bạch cho môi trường kinh doanh.
Việt Nam được cho là hưởng lợi từ việc đón nhận luồng FDI mới do làn sóng dịch chuyển nhà máy, cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác để “né” thuế trong thương chiến Mỹ - Trung. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?
Tôi cho rằng, đối với đầu tư từ Hoa Kỳ, điều này không hẳn đúng, bởi nhiều doanh nghiệp dệt may, điện tử Hoa Kỳ hay những doanh nghiệp cung cấp hàng tiêu dùng khác của Hoa Kỳ có đối tác tại Việt Nam và chính các công ty Việt Nam sản xuất các sản phẩm này. Nghĩa là, chuỗi cung ứng hàng hóa cho Hoa Kỳ khá hoàn thiện, do vậy, có chăng đầu tư ở Việt Nam tăng lên là từ phía các công ty trong nước.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cung cấp hàng hóa cho nước mình có thể bắt tay với rất nhiều đối tác từ nhiều quốc gia trên thế giới trong cùng chuỗi cung ứng. Với Việt Nam, các tỉnh, thành phố cần tìm kiếm các nguồn đầu tư có chất lượng và bền vững. Doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ hay bán hàng trực tiếp cho các công ty Hoa Kỳ. Tôi rất hy vọng, khối lượng giao dịch hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cao thời gian tới.
Với câu chuyện Apple có ý định đầu tư vào Việt Nam, theo tôi, không riêng gì trường hợp Apple hay Nike, mà đây là vấn đề chuỗi cung ứng, bởi họ có những đối tác tiếng tăm ở Việt Nam.