Khách hàng vẫn chưa nhận được hồi đáp từ MIC
Mới đây, Đầu tư Chứng khoán có bài viết: “Khách nước ngoài “tố” MIC trì hoãn giải quyết quyền lợi bảo hiểm”, phản ánh về việc Công ty TNHH Julie Sandlau Việt Nam (JSV), khách hàng của MIC phát sinh sự kiện bảo hiểm và ngày 26/3/2017, ước thiệt hại gần 3,7 tỷ đồng.
Khi JSV làm hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm, phía MIC yêu cầu phải cung cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy.
Chưa được giải quyết quyền lợi bảo hiểm, JVC đã có nhiều công văn gửi các cơ quan liên quan kêu cứu. Ngày 2/10, JVC có thư gửi Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà. Ngày 3/10, JVC tiếp tục có đơn gửi Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) - cơ quan quản lý trực tiếp các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có MIC.
Đến ngày 17/10, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã có Công văn số 799/QLBH-PNT (do Phó Cục trưởng Phạm Thu Phương ký) gửi MIC, đề nghị công ty này căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, hợp đồng bảo hiểm đã giao kết và hồ sơ sự việc thực tế để kiểm tra, rà soát và giải quyết dứt điểm vụ việc và có văn bản trả lời JSV. Đồng thời, Cục cũng yêu cầu MIC báo cáo kết quả giải quyết vụ việc trước ngày 24/10/2017.
Tuy nhiên, phản ánh với Báo Đầu tư Chứng khoán sáng 30/10/2017, đại diện bảo vệ quyền lợi cho JSV, ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm cho biết, khách hàng vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản trả lời nào từ MIC.
Theo ông Nguyên, hôm 20/10, đại diện ủy quyền của khách hàng cũng đã gửi thư đề nghị MIC nhanh chóng xử lý dứt điểm vụ việc liên quan đến tổn thất của JSV, nhưng cũng không được hồi đáp.
“Chúng tôi mong được biết kết quả giải quyết dứt điểm vụ việc, chi trả hay từ chối vì khách hàng cũng không còn hồ sơ nào để cung cấp thêm”, ông Nguyên cho hay.
MIC nói gì?
Trước phản ánh của JSC, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có liên hệ với MIC. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó tổng giám đốc MIC cho biết, doanh nghiệp đã có công văn trả lời Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm với nội dung là đang trong quá trình xem xét giải quyết quyền lợi của khách hàng được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Không đưa ra mốc thời gian cụ thể, nhưng ông Tuấn cho hay, MIC sẽ sớm giải quyết dứt điểm vụ việc này.
Lý giải về nguyên nhân giải quyết quyền lợi bồi thường cho JSC kéo dài, ông Tuấn cho rằng, cũng một phần do thiếu tính hợp tác giữa khách hàng với nhà bảo hiểm.
Cụ thể là JSC cung cấp tài liệu giấy tờ liên quan một cách nhỏ giọt dù tổn thất là có thật.
“MIC đã 4 lần yêu cầu khách hàng cung cấp các giấy tờ liên quan đến tổn thất, tuy nhiên đến ngày 30/10/2017, chúng tôi vẫn chưa nhận được đủ giấy tờ theo yêu cầu để từ đó làm cơ sở giải quyết các thủ tục bồi thường”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho hay, theo Thông tư 220/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, khách hàng phải có đầy đủ giấy tờ thì mới được xem xét bồi thường. Do đây là nhà đầu tư nước ngoài, nên MIC càng thận trọng trong phối hợp làm việc để đảm bảo cân bằng lợi ích các bên: lợi ích khách hàng - lợi ích nhà bảo hiểm - lợi ích quốc gia.
Được biết, hồ sơ gần nhất mà phía JSV cung cấp theo yêu cầu của MIC là các tài liệu về đăng ký kinh doanh, được ISV gửi ngày 12/10/2017.
Phía JSC cũng cho hay: “Hiện, không còn bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào theo quy định pháp luật thuộc trách nhiệm phải cung cấp của JSV bị che giấu. Báo cáo giám định của đơn vị giám định độc lập cũng đã được gửi cho MIC. Chúng tôi cũng xác nhận rằng tất cả những yêu cầu cung cấp tài liệu hợp lý của MIC đã được chúng tôi thực hiện đầy đủ và không còn chứng từ nào để cung cấp thêm. Đề nghị MIC sớm cho biết tổn thất trên thuộc hay không thuộc trách nhiệm bồi thường bảo hiểm của MIC”.
Phóng viên đã đặt câu hỏi với MIC: Vì sao khi khách hàng không có giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy mà Công ty vẫn bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc? Và vì sao MIC không từ chối bán bảo hiểm ngay từ đầu, để đến khi rủi ro xảy ra mới yêu cầu cung cấp?
Ông Tuấn cho biết, trước khi cấp bảo hiểm, bên bảo hiểm không có trách nhiệm phải yêu cầu khách hàng trình giấy chứng nhận trên mà chính khách hàng phải bắt buộc đáp ứng các yêu cầu liên quan, trong đó có phòng cháy chữa cháy (được quy định rõ tại Thông tư 220/2010 và các quy định liên quan).
Theo đó, bên mua bảo hiểm phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong suốt quá trình hoạt động. Ngoài ra, trước khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải được Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Công an cấp tỉnh chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.
Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới.