Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 5 tuần hồi phục tích cực, thanh khoản tính từ 28/7 đến nay cải thiện đáng kể.
Nguồn dữ liệu: Vietstock Finance |
Trong cả tháng 7, sau khi VN-index thiết lập mức đáy quanh 1.140 điểm, tới nay đã hồi phục liên tiếp và vượt ngưỡng 1.250 điểm. Nhiều nhóm ngành giảm mạnh thời gian trước đó cũng đã phục hồi ấn tượng, thậm chí có nhiều mã tăng 100% từ đáy, nhiều mã tăng 50 - 70%... có thể kể đến các dòng nổi bật như thủy sản, bán lẻ, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, và thậm chí là cổ phiếu ngành thép cũng đang tích cực.
Hiện chỉ số đang nỗ lực hướng đến và chinh phục thành công vùng 1.260 - 1.285 điểm. Nhiều kỳ vọng, VN-Index sẽ tiến đến vùng 1.300 điểm trong tháng 8, nhưng đi kèm đó, có sự đồng thuận cao từ ý kiến các chuyên gia chứng khoán, cũng như từ nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường, rằng đây là “sóng hồi mạnh”, chưa hội đủ điều kiện để xác định là uptrend trở lại.
Điểm tiên quyết nhất, đó là xu hướng thắt chặt tiền tệ vẫn đang diễn ra, dù rằng kỳ vọng động thái của Fed sẽ “nhẹ tay” trong việc tăng lãi suất. Hay nói cách khác, chưa thể chuyển trạng thái sang nới lỏng để kỳ vọng chứng khoán (cũng như các kênh đầu tư tài sản khác) thăng hoa. Tại Việt Nam, điều này cũng tương tự.
Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment ví von trong Chương trình Bí mật đồng tiền số 33, thị trường giá lên thì là bản nhạc vui, thị trường giá xuống là bản nhạc buồn. Còn hiện nay là trong thị trường giá xuống mà có các nhịp hồi thì đó là “nốt nhạc vui trong một bản nhạc buồn”.
Tháng 8, thường là vùng trũng thông tin và sẽ điều chỉnh. Đặt trong bối cảnh khó khăn của năm nay, ông Trung cho rằng, vùng trũng thông tin lại giúp thị trường tốt hơn, giúp nhà đầu tư đỡ căng thẳng hơn.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI cũng đồng tình, tháng 8 các năm trước cũng là vùng trũng thông tin, tháng 9 thì có nhiều thông tin hơn (như nâng hạng của FTSE Russell, thông tin vĩ mô…).
“Còn nhìn thế giới, thông tin khó mà có tiêu cực hơn, như Fed tăng lãi suất nếu các số liệu phải xấu cơ, còn nay nhìn giá dầu, giá hàng hoá cũng đang giảm, nên nhà đầu tư cũng đang nghĩ rằng chắc là đỉnh lạm phát ở tháng 6 rồi”, ông Hưng nói.
Trong báo cáo chiến lược tháng 8 của SSI Research, dựa trên 86 công ty trong phạm vi phân tích, ước tính tăng trưởng lợi nhuận bình quân sẽ đạt 19,6% cho năm 2022 và 14,8% cho năm 2023. P/E của thị trường đang được định giá là 11 lần cho năm 2022 và 9,7 lần cho năm 2023.
Đây có xem là mức rẻ được chương trình đặt ra? Ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ thêm, SSI Research nhìn nhận tăng trưởng 2023 với các giả định, kỳ vọng không tốt như 2022.
"Kinh tế thế giới cũng đang dự báo rủi ro suy thoái lớn hơn so với 2022, nên ảnh hưởng các ngành xuất khẩu Việt Nam để tăng trưởng 2 con số là khó. Còn với kinh tế Việt Nam, dự báo của World bank đưa ra 7,5% là khá cao, trong khi triển vọng 2023 đang khó hơn.
Bên cạnh đó, xét PE 2023 dưới 10, mọi người thấy khá rẻ, nhưng trong đó bao gồm cả định giá ngân hàng (vốn không dùng P/E), nên phải loại phần ngân hàng ra thì P/E 2023 tầm 13, cũng không hẳn là quá rẻ", ông Hưng bóc tách.
Thậm chí, theo quan điểm của ông Lã Giang Trung, tăng trưởng 2023 có thể thấp hơn chút nữa, hiện một số CTCK điều chỉnh dự báo khi nhận thấy kinh tế thế giới đang khó khăn hơn.
“Còn P/E 13 thì vẫn thấy đắt, với 1 doanh nghiệp không có tăng trưởng, tôi ít khi trả P/E trên 10. Để nói rẻ thì không phải ngưỡng này, nhiều cổ phiếu vẫn đang đắt, có thể 1-2 tháng trước đây nhìn theo P/B thì một số cổ phiếu rẻ, nhưng thị trường hồi thì đã bớt rẻ hơn rồi”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, đây là giai đoạn thị trường giá xuống, và có nhịp phục hồi, cũng như thị trường giá lên, thì có nhịp điều chỉnh. Thị trường giá xuống bắt sóng hồi là đi ngược với xu hướng lớn và điều này khó hơn rất nhiều.
Passion Investment có tham gia thị trường theo quan điểm là sóng hồi của thị trường giá xuống và phải quản trị một cách chặt chẽ do xác suất thành công thấp hơn. Trong sóng hồi, nhóm cổ phiếu giảm nhiều thì có cơ hội hồi dễ hơn các nhóm chưa giảm mấy.
Theo đó, ông Trung tiết lộ, Passion Investment đã giải ngân vào các nhóm giảm mạnh. Có những nhóm cổ phiếu đã giảm 50 - 70% từ đỉnh, tiêu biểu như chứng khoán, bất động sản, thép - cũng là những nhóm có thể giải ngân được.
Ở giai đoạn thị trường “con gấu”, nhà đầu tư sẽ đi tìm về những dấu hiệu tạo đáy. Theo thống kê của Flame University, một số tín hiệu thị trường tạo đáy như không có nhiều thương vụ thâu tóm; không có nhiều thương vụ IPO; không có nhiều khoản đầu tư, quỹ mạo hiểm; P/E thấp; tín dụng thắt chặt; tâm lý nhà đầu tư bi quan...
Về những dấu hiệu nhận diện “đáy”, ông Lã Giang Trung đánh giá một trong những yếu tố quan trọng đó là định giá và tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Về định giá hiện chưa phải "rất rẻ" nên thường chưa phải là đáy thực sự của thị trường.
Thứ nữa là tâm lý của nhà đầu tư chưa quá bi quan bởi khi có sóng hồi thì nhà đầu tư rất nhiệt tình tham gia. Nếu thị trường tạo đáy thì tâm lý nhà đầu tư sẽ rất bi quan, thị trường có lên thì cũng không có nhiệt tình tham gia, nhưng giờ thì đang thấy nhiều cổ phiếu đầu cơ vào sóng hồi cái là vút lên ngay, còn nếu trong đáy thị trường những cổ phiếu đầu cơ là “tan nát” rồi.
Chia sẻ thêm vấn đề đáy hay chưa, ông Hưng cho rằng, để nhận diện “đáy” là rất khó bởi giống kinh tế học, “đáy” chỉ nhận ra được khi chúng ta đã đi qua. Ngay cả, những nhà kinh tế học thường chỉ nhìn ra được suy thoái sau vài quý khi kinh tế suy thoái.
“Tuy rất khó đoán định, nhưng tâm lý bi quan chán nản là một trong các tín hiệu dễ nhận ra nhất”, ông Hưng chia sẻ.