Thông tin được giới đầu tư đặc biệt quan tâm lúc này là con số lạm phát tháng 6 của Mỹ tăng 9,1% so với cùng kỳ 2021, tăng 1,3% so với tháng 5/2022, làm gia tăng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết liệt hơn trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát.
Dài hạn tích cực, nhưng nhà đầu tư thích câu chuyện ngắn hạn
Trong chương trình Bí mật đồng tiền kỳ 29, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI cho rằng, số liệu tháng 7 đã chỉ ra rằng các giá hàng hoá như giá dầu thô giảm khá mạnh, xu hướng chung là lạm phát đã tạo đỉnh và có chiều hướng xuống. Cái khó là đỉnh ngắn hạn hay dài hạn thì chưa biết được.
Điều quan trọng liên quan đến thị trường bây giờ vẫn là liên quan đến tăng trưởng và suy thoái - ảnh hưởng trực tiếp vào lợi nhuận doanh nghiệp. Mùa kết quả kinh doanh quý II đang đến cả ở thị trường Mỹ và Việt Nam, sẽ cho thấy khả năng suy thoái cao hay thấp thì đấy mới là vấn đề quan trọng để thị trường có thể tạo đáy hay không, chứ không phải là con số CPI.
Theo ông Hưng, thông tin về CPI rất khó để gây ra bất ngờ vì hiện nay số bất ngờ duy nhất có thể là lạm phát lõi, chỉ khi chỉ số này tăng thì tích cực cho thị trường.
Đối với kết quả kinh doanh trên thị trường Mỹ, ông Hưng đánh giá, khả năng kết quả lợi nhuận quý II đi theo hướng xấu là rất cao, ví dụ chỉ số GDP của Mỹ trong quý II, có một số dự báo cho rằng GDP vẫn đang âm hơn 1% trong quý và không kỳ vọng nhiều vào kết quả kinh doanh tích cực.
Câu chuyện của thị trường Việt Nam, theo ông Hưng, trong dài hạn vẫn tích cực, cụ thể là số liệu vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới khá tích cực, tăng trưởng quý III và quý IV đều tích cực. Tuy nhiên, quan trọng vẫn liên quan đến dòng tiền thì mọi người vẫn kỳ vọng hơn vào những thông tin mang tính chất ngắn hạn.
Chẳng hạn, trong tuần này sẽ diễn ra những cuộc họp liên quan đến sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, nếu có chuyển hướng tích cực ra được cái sửa đổi Nghị định này cũng là tốt.
Hay vào cuối tuần này, Ngân hàng Nhà nước có cuộc họp liên quan đến tăng trưởng tín dụng. Nếu các cuộc họp này đưa ra được các hướng tích cực liên quan đến tăng trưởng tín dụng, phát hành trái phiếu các tổ chức tín dụng thì cũng tạo tâm lý tích cực.
Vậy cảm xúc đầu tư đang là sợ hãi hay tham lam, ông Hưng cho biết, mình đang trong giai đoạn hy vọng.
"Những cảm xúc như tuyệt vọng, đầu hàng hay chán nản là không có, đã vòng lên được mức hy vọng. Nhưng người ta vẫn thường nói “hy vọng không phải một chiến lược” (Hope is not a strategy). Cần theo dõi thêm, không thể đầu tư mà chỉ dựa vào hy vọng được", ông Hưng chia sẻ.
Một vấn đề cũng đang rất được quan tâm thời gian qua, là trong bối cảnh thị trường giảm sâu, nhiều room chat do các môi giới lập ra đã vơi đi không ít, những môi giới thiếu kiến thức nền tảng đã bộc lộ nhược điểm, tương tự các nhà đầu tư cho rằng “thị trường chứng khoán chỉ có màu hồng” cũng chấp nhận thực tại “khó nhằn”.
Chia sẻ về câu chuyện có nhờ môi giới nào phục vụ hay không? Ông Hưng cho biết, trước đây nghĩ rằng, giao dịch online rất là thuận tiện, chẳng cần giao tiếp người với người, nhưng trong chứng khoán điều này rất quan trọng. Nhiều khi mình vẫn cần có môi giới, bởi khi mình đặt lệnh vẫn có ai đó hỏi mình vì sao đặt lệnh này, lúc đó trong thời gian rất ngắn sẽ phải giải thích cho bạn môi giới là vì sao mua/bán cổ phiếu.
“Nếu giải thích thành công thì mình biết chắc chắn mình đang làm cái gì, còn nếu trong quá trình giải thích mà tự nhận ra mình hơi ngáo ngáo, sai sai thì chắc chắn dừng lệnh đó lại để suy nghĩ thêm. Chứ nếu cố nhiều khi chỉ mất vài giây để đặt lệnh nhưng lại mất cả năm để gồng lỗ”, ông Hưng nói.
Con gấu đã yếu
Nhận định về xu hướng thị trường, ông Nguyễn Anh Cường cho rằng, thị trường đoạn này đang chưa xác nhận mọi thứ, nhưng sẽ có giai đoạn chắt chiu cơ hội, phải nhìn cổ phiếu là số 1, thị trường là số 2, phải tìm kiếm cổ phiếu tạo đáy trước thị trường, hay tạo sóng trước thị trường.
Ông Cường đặt kỳ vọng vào sóng ngành, sẽ chờ đợi, sẽ giải ngân thăm dò ở cổ phiếu mạnh và chờ đợi thị trường xác nhận tín hiệu để tấn công. Điều tiên quyết khi trên thị trường là “tính thời điểm”, vào quá sớm thì có thể gây thiệt hại, vào muộn thì quá trễ cho một con sóng.
“Trong khi thị trường hiện nay gần như các cơ hội không đủ kéo dài, sóng không hình thành quá lâu, mình luôn phải ở tâm thế chủ động, như một chú báo rình mồi vậy. Tỷ trọng cổ phiếu cũng phải ở mức vừa phải để không bị “cuốn vào tham lam”, có thể làm chủ để sẵn sàng khi thị trường có nhịp thì với vị thế sẵn có thì có thể nâng tỷ trọng lên”, ông Cường chia sẻ phương pháp đầu tư.
Trong lúc thị trường giai đoạn qua giảm mạnh, nhà đầu tư bị ảnh hưởng, ông Cường luôn chia sẻ với họ về việc phải xác định kênh đầu tư chứng khoán là dài hạn, và dài hạn thì kênh này là kênh sinh lời tốt.
"Giờ khó khăn thì phải quản trị vốn, quản trị danh mục, chắt chiu từng cơ hội xuất hiện. Ngay bây giờ, hãy khắc ghi những sai lầm của mình, thị trường đang cho chúng ta thấy không phải lúc nào cũng màu hồng như ta từng nghĩ, để khi xuất hiện các con sóng sau, có cơ hội tiếp theo thì bù đắp được thua lỗ bây giờ", ông Cường nói.
Ngay trong thời điểm thị trường hiện nay, theo ông Cường, nhà đầu tư đang đối diện nhiều thông tin không tích cực từ thế giới, nhà đầu tư có thể nên phải chấp nhận “những bữa ăn đạm bạc trên thị trường chứng khoán”, nhưng rồi sẽ có lúc được hưởng thành quả, là những “bữa ăn thịnh soạn”.
Thị trường đã giảm hơn 3 tháng, rất khốc liệt, nhiều nhà đầu tư chán nản thể hiện rõ nét qua thanh khoản giảm dần, các vấn đề về thị trường Mỹ có tạo đỉnh lạm phát chưa vẫn còn phải chờ. Ông Cường cho rằng, thị trường đang là thị trường con gấu, nhưng con gấu đã yếu, đã “vả” rất ở các đợt giảm đầu tiên, đã bán rất nhiều, và tới nay đã suy yếu. Do đó, những nhịp tăng ngắn hạn 1-2 tháng trong quý III có thể xảy ra, còn quý IV có thể sideway.
Cũng theo ông Cường, thị trường đã có cú gãy vùng đáy cũ trong tháng 5, nhưng là cú gãy giả và đang có những phiên nỗ lực hồi phục. Với các nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật hay tăng trưởng, họ đếm từng ngày nỗ lực hồi phục để tìm ngày xác nhận cuối cùng là ngày bùng nổ theo đà.
Đến nay, nhiều nhà đầu tư đều hiểu, khi thị trường xác nhận ngày này thì xem như thị trường tạo đáy thành công. Dĩ nhiên, vẫn phải luôn bám sát theo diễn biến thị trường.
Trong thực tế, ông Cường cho rằng, thị trường chỉ mới ngừng giảm, chưa có dấu hiệu bứt phá tăng. Muốn tăng được bắt buộc phải có dòng tiền, còn nay thì vẫn đang rụt rè về tâm lý, nên cần kích hoạt tham gia đồng loạt các nhóm ngành, có sự lan toả và đẩy mạnh cao trào hơn.