Nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất có khi lại nằm trong nhóm giảm mạnh nhất nửa đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nửa cuối năm thị trường chưa chắc đảo ngược xu hướng hoàn toàn. Ông Phạm Lưu Hưng, kinh tế trưởng SSI Research đồng ý rằng, có khả năng lớn các nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt nhất nửa cuối năm nhiều khi lại nằm trong nhóm giảm mạnh nhất trong nửa đầu năm, nếu chọn lọc tốt.
Nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất có khi lại nằm trong nhóm giảm mạnh nhất nửa đầu năm

“Đau khổ vì thua lỗ” hay xem là chi phí để có “hạnh phúc hơn”

Cổ phiếu giảm sâu, thua lỗ nặng trong nửa đầu năm khiến nhiều nhà đầu tư chán nản, đau khổ, muốn rời bỏ thị trường. Một trạng thái đối lập hoàn toàn với năm 2021, ào ạt tham gia và đánh đâu thắng đó.

Tuy nhiên, chia sẻ trong chương trình Bí mật đồng tiền số 28, ông Hưng cho rằng, nỗi khổ đau hãy nhìn theo góc độ đó là chi phí bỏ ra để có hạnh phúc hơn, tuy nhiên đừng để chi phí này quá lớn.

Ông Nguyễn Huy Hà, Giám đốc Kinh doanh CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, không nên nắm giữ quá lâu một cổ phiếu, nếu lỗ quá cũng buộc phải cắt lỗ. Hãy nhìn bao quát thị trường và quan trọng nhất là định giá cổ phiếu.

Ông Hà có gu thích các “cổ phiếu bị ruồng bỏ nhưng có tương lai”. Ruồng bỏ ở đây là nhìn thấy ở nhà đầu tư cảm thấy chán nản với cổ phiếu, quyết bán bằng mọi giá, ở thời điểm nào đó giá giảm hơn giá trị doanh nghiệp, và tới thời điểm khác nhắc đến cổ phiếu vẫn không thu hút được sự quan tâm từ họ. Khi đó giá cổ phiếu đã giảm sâu, thanh khoản thấp.

Ông Hà phân loại “ruồng bỏ” thành 2 nhóm. Nói về thị trường chung, ruồng bỏ mang tính chất vĩ mô, như rủi ro về suy thoái kinh tế, chiến tranh, dịch bệnh…, nhà đầu tư sẽ bán tháo, quá khứ đã có kịch bản này 2008 - 2009 suy thoái kinh tế thế giới; năm 2020 dịch bệnh.

Còn liên quan ngành, đặc biệt riêng từng cổ phiếu, tức câu chuyện cổ phiếu là gì. Hiện tại, đang là nhóm nào, ông Hà cho rằng có thể đó là nhóm chứng khoán và thép. Còn câu chuyện riêng nữa chính là “hệ sinh thái FLC” thì phải có tiêu chí để phân tích, nhìn nhận cổ phiếu, diễn biến trong tương lai ra sao, phải hình dung kịch bản nó xử lý sự cố như thế nào.

HPG từng là chú thiên nga, giờ giá cổ phiếu giảm, nhà đầu tư cá nhân không còn yêu thích gì với cổ phiếu này. Ông Hưng cho rằng, sau đợt giảm sâu, nhiều cổ phiếu triển vọng ngắn hạn khá rủi ro, nhưng triển vọng dài hạn thì vẫn ổn. Nếu đầu tư thì tùy quan điểm, nhiều người thích mua đúng điểm hồi lại được thì hơi khó, nhưng nếu tư duy dài hạn thì khá ổn, mua chấp nhận lỗ một thời gian và sau đó nó ổn định lại, còn nói về triển vọng ngắn hạn với cổ phiếu này hiện rất khó.

Theo ông Hưng, cổ phiếu chu kỳ thì dài ở thị trường Việt Nam là 1 năm trở lên. Nhà đầu tư dài hạn thì thường có sự khác biệt, hơn nhau và sống qua giai đoạn này thì giá vốn buộc phải thấp. Nếu có giá vốn cao mà cả margin thì phải xử lý tài khoản thì phải có điểm dừng lỗ, còn để giữ thì rất khó.

Ông Hưng cho rằng, hiện nay là thị trường con gấu, vì đã giảm trên 20%, có hy vọng thì “con gấu ngủ đông” - tức đừng giảm thêm nữa, hay “như con cua đi ngang" thì tốt.

Trong khi đó, xét về trung hạn, ông Hà hy vọng trạng thái thị trường sẽ như con Kangaroo - tức swing trong một vùng nào đó.

Chọn lọc mã ngành nào là điểm sáng?

Ông Hà cho biết, nếu nhìn kỹ thuật thì xu hướng ngắn hạn của VN-Index đang swing trong biên độ đang tắt dần nhưng đang tiếp cận ngưỡng nhạy cảm. Nếu như có thông tin tiêu cực nào đó thì điều đó có thể xảy ra. Chẳng hạn, suy thoái kinh tế Mỹ là một chất xúc tác tiêu cực.

Thị trường chứng khoán là thị trường tâm lý, khi nhìn thị trường thế giới giảm mạnh, có thể phá vỡ đáy cũ, nhà đầu tư trong nước nhìn thấy rủi ro trên thế giới lớn, thì có thể tác động tâm lý, và ngưỡng 1.160 điểm có thể cũng bị phá vỡ.

Trong nửa cuối năm, ông Hà ưa thích việc tìm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu đã giảm nhiều, xem sự thay đổi nội tại từng doanh nghiệp và tác động tới tương lai ra sao.

Chẳng hạn, với nhóm chứng khoán, về thị trường thì hiện đang ảm đạm - yếu tố này chưa tác động cải thiện được ngay. Tuy nhiên, cần phải xem xét xem về mức chiết khấu đã hấp dẫn chưa, về chân cây thông trước đó chưa, nếu lọc kỹ sẽ tìm ra cổ phiếu để đầu tư.

Tương tự với nhóm cổ phiếu thép, để nhìn nhận có tính cơ hội thì luôn phải định giá được cổ phiếu ở mức độ nào và mức độ tăng trưởng có duy trì và có sự nổi bật trở lại sau giai đoạn giá thép giảm như hiện nay không. Nếu có, thì ta có thể xem xét mua.

Nửa cuối năm, thị trường chưa chắc đảo ngược xu hướng hoàn toàn. Ông Hưng cho rằng, có khả năng lớn các nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt nhất nửa cuối năm nhiều khi lại nằm trong nhóm giảm mạnh nhất trong nửa đầu năm, nếu chọn lọc tốt.

Bộ lọc tốt, theo cá nhân ông Hà, đầu tiên phải là doanh nghiệp như đội ngũ lãnh đạo, kế hoạch kinh doanh, khả năng thực thi. Yếu tố thứ 2 là chiết khấu về giá ở mức độ nào, chẳng hạn chiết khấu lớn có thể là cơ hội. Yếu tố thứ 3 là thông tin xung quanh về kế hoạch mở rộng, tức định hình được tương lai doanh nghiệp sẽ ở mức độ nào.

Ông Hưng chia sẻ, nếu nửa cuối năm chọn lựa cổ phiếu, mọi người hay nói phải tìm định giá thấp, đó chỉ là một khía cạnh thôi, triển vọng doanh nghiệp mới là quan trọng. Nếu mua một công ty sắp phá sản với giá rất thấp, thì đối diện rủi ro là chẳng được gì, vì cuối cùng công ty cũng phá sản.

Yếu tố thứ 2 nhà đầu tư cần lưu ý, theo ông Hưng là lãi suất tăng, nên câu chuyện chất lượng lợi nhuận phải đặt lên hàng đầu. Thời tiền rẻ có thể mua cổ phiếu thuộc doanh nghiệp lỗ với kỳ vọng 2-3 năm sau doanh nghiệp có thể làm ăn tốt lên, thời đó mọi người dễ dàng chọn cổ phiếu hơn. Còn nay, giá đã lên, lãi suất tăng, nên chất lượng lợi nhuận phải là hàng đầu. Cổ phiếu đó sẽ không mất thời gian để dự báo phải thế này thế kia, không cần phải chờ vài năm tới xem họ có lãi không, mà kết quả tốt có thể phản ánh luôn trong nửa cuối năm.

Với nhóm cổ phiếu bất động sản, các chuyên gia SSI Reasearch giữ quan điểm thận trọng đối với nhóm này trong năm 2022, vì nhận thấy còn nhiều khó khăn, đối diện nhiều yếu tố bất ổn. Thị trường bất động sản đang có nhiều biến động như sửa đổi Luật Đất đai, sửa đổi 6 Nghị định cũ…, chưa kể Nghị quyết 18 liên quan đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản. Do đó, theo quan điểm của ông Hưng, cần chờ đợi Luật Đất đai trình Quốc hội vào cuối năm nay như thế nào mới có thể có góc nhìn mạnh mẽ hơn với nhóm cổ phiếu này.

Đồng quan điểm, ông Hà cho rằng, nói về triển vọng nhóm bất động sản rất khó, bởi mỗi cổ phiếu bất động sản đều có đặc điểm riêng chứ không mang tính chất chung kiểu một ngành. Mức chiết khấu phải thực sự thấp so với giá trị doanh nghiệp mới là cơ hội.

Các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng tới thị trường nửa cuối năm

Yếu tố thứ nhất là hồi phục kinh tế, tăng trưởng GDP. Tâm lý các nhà đầu tư đang rất kém nên các yếu tố vĩ mô tốt bị bỏ qua, họ quên rằng, mỗi quốc gia trên thế giới có thời gian khác nhau cho quá trình phục hồi, chẳng hạn Mỹ hồi phục trước, giờ thì mọi người lại đang lo họ rơi vào suy thoái. Có quốc gia mở cửa trở lại chậm hơn như Việt Nam, thì hiện đang có mức tăng trưởng cao so với các quốc gia trong khu vực.

Nhiều nhà đầu tư không chú ý, không đánh giá cao tăng trưởng GDP quý II, nhưng phải biết rằng, tăng trưởng GDP cao, đồng nghĩa sẽ có nhiều doanh nghiệp có kết quả lợi nhuận quý II khá ổn.

“Chúng ta đang đánh giá những điểm này rất thấp, có phần hơi không công bằng lắm cho các doanh nghiệp. Mỗi người hồi phục khác nhau, khi họ hồi phục mạnh thì ta đánh giá thấp”, ông Hưng chia sẻ.

Còn theo ông Hà, cơ hội từ hồi phục theo nền kinh tế là ngành dịch vụ.

Liên quan đến lạm phát, nhóm cổ phiếu phòng thủ được các chuyên gia đưa ra.

Tổng kết 3 yếu tố được cho là tác động lớn tới nền kinh tế, theo ông Hưng là đầu tư công - nửa đầu năm đang giải ngân hơi chậm, hiện các vướng mắc về pháp lý hầu như đã giải quyết được, nên khả năng tăng tốc nửa cuối năm. Xung đột Nga – Ukraine cũng là yếu tố quan trọng, nếu có chuyển biến tích cực thì tốt hơn cho nền kinh tế và xu hướng lãi suất nửa đầu năm không rõ ràng, nửa cuối năm thì các áp lực nhiều hơn - là yếu tố quan trọng hơn so với nửa đầu năm.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục