CEO HSBC: "Việt Nam là một đất nước vẫn giữ được nhịp năng động"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phát biểu khai mạc Hội thảo Triển vọng Thị trường - Việt Nam “Hiện tại, Tương lai và Triển vọng mai sau” sáng ngày 25/10 tại Hà Nội, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đã chia sẻ lại những cảm nhận về Việt Nam trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam

"Nhớ khoảng thời gian một năm trước, tôi đứng trên đường ở TP. Hồ Chí Minh và rất nhớ những âm thanh sống động cũng như sự đông đúc trên các con đường của Việt Nam. Ngày hôm qua, trên đường từ sân bay Nội Bài về các trục phố chính của Hà Nội, tôi cảm nhận những âm thanh rộn rã của phố phường, có xe cộ đi lại và quan trọng nhất là hy vọng của chúng ta đã quay trở lại rằng ngày mai sẽ tươi sáng hơn ngày hôm nay”, ông Tim Evans nói.

Ông Tim Evans đặt câu hỏi: “Việt Nam ngày hôm nay là như thế nào?” và đã trả lời: “Việt Nam là một đất nước vẫn giữ được nhịp năng động”.

Minh hoạ cho nhận định này, CEO HSBC cho biết, trong quý III/2022, GDP của Việt Nam tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, thời điểm kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt bùng phát mạnh của Covid. GDP 9 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tăng 8,83%, cao nhất trong 11 năm qua. HSBC cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 7,6%.

"Những con số này không có nghĩa là không còn những vấn đề khác nữa. Thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề là lạm phát cơ bản, năng lượng…, tương lai vẫn tương đối tươi sáng đối với Việt Nam như triển vọng về năm tới GDP là 6%", ông Tim Evans nói.

Cũng theo ông Tim Evans, Việt Nam đang vững bước tiến lên và điều này cũng phần nào thể hiện qua việc Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên Ba2, Việt Nam hiện chỉ kém mức đầu tư một bậc. Chúng ta cũng chứng kiến Việt Nam quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, đang tham vọng muốn trở thành một nước phát triển, đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Tầng lớp trung lưu cao (upper middle class) dự kiến sẽ tăng trung bình 17% cho đến năm 2030.

CEO HSBC nhấn mạnh thêm: "Và cũng đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 10 thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới, lớn hơn cả Thái Lan, Vương quốc Anh và Đức".

Đồng quan điểm về triển vọng của Việt Nam khá tích cực, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kiêm Chủ tịch Jardine Matheson Việt Nam nói: “Chúng tôi rất hứng khởi về triển vọng trung hạn và dài hạn của Việt Nam mặc dù Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ suy yếu chỉ ở mức 2,8% cho năm 2022, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 7,2%”.

Theo ông Alain Cany, động lực tạo nên mức tăng trưởng này chính là lực lượng 56 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ, giúp Việt Nam trở thành một trong những lực lượng lao động lớn nhất thế giới xét cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ tương quan với dân số.

Với nguồn cung lao động chất lượng cao và giá cả phải chăng của Việt Nam, theo ông Alain Cany, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển hoạt động sản xuất sang quốc gia này. Sản xuất phục vụ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là hai yếu tố đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Để kích thích đầu tư tư nhân và đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế vững mạnh hơn, ông Alain Cany cho rằng, các nhà đầu tư cả hai khối công tư cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những mục tiêu đầy tham vọng với nền kinh tế số. Mục tiêu đặt ra là năm 2030, kinh tế số đóng góp 30% vào GDP.

“Các vị lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân thân mến, tôi kêu gọi quý vị hãy tận dụng các điều kiện thuận lợi hiện tại và duy trì tiến trình số hóa của Việt Nam bằng cách tăng cường đầu tư cho phát triển số và lồng ghép số hóa trong mô hình kinh doanh của quý vị. Về phía Nhà nước, Chính phủ phải khuyến khích đổi mới, số hóa các thủ tục, và điều chỉnh các quy định cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Alain Cany nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Alain Cany khuyến nghị: “Khối tư nhân nên tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì 96% doanh nghiệp mới trong nước là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ”.

Trao đổi tại Hội thảo về đây có phải là thời điểm tốt để đầu tư tại Việt Nam, ông Darryl Dong, Chuyên gia Tài chính Cấp cao của IFC cho rằng, khó khăn thách thức rất lớn nhưng điểm thú vị là có vô vàn cơ hội và cơ hội đầu tư là rất lớn.

“Thời điểm tốt nhất trồng cây là 10 năm trước và thời điểm tốt thứ 2 để trồng cây là bây giờ”, ông Darryl Dong ví von.

Còn ông Brook Taylor, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital nói: “Chúng ta hãy tham lam khi mọi người sợ hãi”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục