Tuy nhiên, ngoài thuỷ điện, các nguồn phát năng lượng tái tạo khác hiện nay là không đáng kể, đòi hỏi phải có thêm nhiều đầu tư mới trong lĩnh vực này. Đầu tư vào năng lượng xanh chưa bao giờ dễ dàng, bởi lĩnh vực này yêu cầu vốn lớn, chiến lược đầu tư dài hạn và kỹ thuật cao. Vậy nhưng, ông Lê An Khang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC), đơn vị chủ lực ngành năng lượng Tập đoàn TTC, lại kiên định đặt trọng tâm phát triển của Công ty vào ngành này.
Không có sự náo nhiệt như đầu tư bất động sản, sôi động như đầu tư tài chính nhưng xu hướng đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế bắt đầu có sự chuyển mình với những diễn biến tích cực, báo hiệu một làn sóng đầu tư mới mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Để nắm bắt xu hướng này, GEC cần có sự chuẩn bị và hợp tác đầu tư với các đối tác chiến lược để nâng cao được năng lực, vị thế, thực hiện chiến lược phát triển nguồn năng lượng xanh sạch mà Công ty đã đề ra.
Những nỗ lực của ông Lê An Khang nói riêng và tập thể lãnh đạo, nhân viên GEC nói chung bước đầu đã được đền đáp. Công ty đã thu hút được một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư ngoại, thông qua hợp tác với các định chế nước ngoài là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (Singapore).
Ông Lê An Khang
Bên cạnh đó, nhận biết được nhu cầu về năng lượng của các cá nhân, doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh, ông Khang đẩy mạnh việc đưa nguồn năng lượng sạch về tận các cánh đồng. Hiện tại, Tập đoàn TTC đang liên kết với người nông dân trồng mía với diện tích lên gần 49.000 héc ta. Để thực hiện tốt việc đồng bộ hóa toàn bộ quá trình sản xuất như cơ giới hóa, chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch thì đòi hỏi nguồn điện năng rất lớn. Chính vì vậy, GEC đã tiếp cận, khảo sát và tiến hành xây lắp hệ thống điện mặt trời tại các cánh đồng nhằm phục vụ tốt hơn cho việc tưới tiêu.
Tính đến nay, GEC đã lắp đặt được 25 điểm, mỗi điểm sẽ phục vụ tưới cho hơn 3 héc ta mía. Theo đó, chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc người dân dùng dầu để bơm, tưới như trước đây. Đặc biệt, Công ty cũng đang chủ động nghiên cứu, thiết kế và chế tạo phương pháp tưới di động thông qua hệ thống điện mặt trời. Phương pháp này ngoài việc giúp người dân tăng hiệu quả sử dụng, tiết kiệm điện mà còn có thể tạo ra giá trị kinh tế khác khi cho thuê hoặc sử dụng tại nhà. Dự tính, cuối năm 2016, phương pháp này sẽ được chạy thử tại các cánh đồng và vùng nguyên liệu mía nói trên.
Đưa năng lượng về tận các cánh đồng, giúp người dân sử dụng dễ dàng và nhận ra những lợi ích của nguồn năng lượng này là một phần trong “giấc mơ” năng lượng xanh của ông Khang. Hơn ai hết, ông Khang hiểu rằng, nếu sử dụng năng lượng sạch trở thành một thói quen thường nhật của người dân, điều này sẽ tạo nên những thay đổi lớn về cách sống, môi trường, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững của nền kinh tế và an sinh xã hội.
“Phủ sóng” năng lượng xanh đến ngành du lịch và bất động sản
Ngoài việc đẩy mạnh triển khai hệ thống điện mặt trời phục vụ cho các hoạt động sản xuất cơ giới hóa và tưới tiêu của ngành đường, GEC còn tiến hành lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho ngành du lịch và bất động sản của Tập đoàn.
Đối với ngành du lịch, nhiều địa điểm có lợi thế để lắp hệ thống điện mặt trời. Tận dụng ưu thế này, GEC đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại các đơn vị như Nhà hàng Nổi Bến Tre, TTC Hotel Cần Thơ… và dự tính tiếp tục mở rộng lắp đặt ra khắp các công ty du lịch như TTC Hotel Premium - Nha Trang, TTC Palace Bình Thuận, Khách sạn Thanh Bình 2… Qua đó, tiết giảm giá điện hàng tháng, tăng hiệu quả lợi nhuận và giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu du lịch TTC.
Với ngành bất động sản, xu hướng sống trong một không gian xanh - sạch, với các thiết kế có không gian nhiều cây xanh, đang được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Do đó, GEC đang phối hợp để triển khai các giải pháp sống xanh như lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà. Theo đó, việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho Dự án biệt thự Jamona Golden Silk của Sacomreal sẽ được thực hiện trong quý III/2016. Cư dân tại đây ngoài việc được trải nghiệm một cuộc sống tiện nghi còn được sử dụng nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, thiên nhiên. Trong thời gian tới, GEC sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Sacomreal triển khai lắp đặt cho nhiều dự án bất động sản khác, đặc biệt là các dự án thấp tầng, nhà phố, biệt thự… mang đến những giá trị sống bền vững cho cư dân.
Ông Khang cho biết: “Với tư cách là cổ đông chiến lược, sự hỗ trợ của IFC và Armstrong không những tạo điều kiện cho GEC mở rộng lĩnh vực kinh doanh chủ lực là thuỷ điện mà còn đưa Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển năng lượng sạch, cung cấp nguồn năng lượng bền vững thay thế nguồn điện năng từ nhiên liệu hoá thạch tại Việt Nam”.
Ông Khang nhận định, việc nhiều thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực năng lượng được ký kết đã mang đến luồng gió mới cho kinh tế Việt Nam. Các hợp tác thỏa thuận này sẽ thúc đẩy ngành năng lượng nói chung và năng lượng sạch nói riêng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Bởi Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn về điện mặt trời, điện gió, nhưng việc khai thác sử dụng còn rất khiêm tốn.
Với năng lực của GEC cũng như Tập đoàn TTC, Công ty có điều kiện để mở rộng lĩnh vực kinh doanh năng lượng tái tạo, không chỉ thuỷ điện mà còn đón đầu xu hướng điện mặt trời, điện gió… Năm 2015, GEC đã chủ động triển khai thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho 21 công ty thành viên trực thuộc TTC và sau đó sẽ mở rộng ra các tỉnh thành khác như Bến Tre, Tây Ninh, Bình Thuận và một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên với tổng công suất đến năm 2020 đạt trên 30MW.
“Thêm vào đó, chúng tôi đang đàm phán để đầu tư dự án năng lượng gió tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, dự kiến tháng 9/2016 sẽ khởi công. GEC đang hướng tới mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển năng lượng sạch, cung cấp nguồn năng lượng bền vững bổ sung nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam thời gian tới”, ông Khang chia sẻ niềm vui của GEC, đồng thời cũng là niềm vui của bản thân mình khi những vất vả không chỉ của riêng ông, mà còn của các nhân viên tại Công ty đang dần mang lại trái ngọt.