Hợp tác quốc tế để khai thác tối đa tiềm năng phát triển năng lượng

(ĐTCK) Những chuyển biến mạnh mẽ trong ngành năng lượng trong thời gian qua đã mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài. Việc chuẩn bị và đón đầu xu hướng hợp tác cùng phát triển là điều tất yếu. Báo Đầu tư Chứng khoán vừa có cuộc trao đổi với ông Lê An Khang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC), đơn vị thành viên của Tập đoàn TTC về kế hoạch phát triển ngành năng lượng trước các cơ hội hợp tác đầu tư đang mở rộng với nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Ông Lê An Khang, Tổng giám đốc GEC (ngoài cùng bên trái) cùng Lãnh đạo Tập đoàn TTC đi thăm công trình thủy điện Ông Lê An Khang, Tổng giám đốc GEC (ngoài cùng bên trái) cùng Lãnh đạo Tập đoàn TTC đi thăm công trình thủy điện

Cuối tháng 5/2016, GEC đã tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, ông có thể cho biết, nội dung Đại hội lần này có gì nổi bật?

Chúng tôi vừa tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ để thông qua một số nội dung quan trọng, đáp ứng các mục tiêu phát triển của GEC trong thời gian tới. Trong đó, GEC đã thông qua việc sửa đổi các ngành nghề kinh doanh và sửa đổi điều lệ theo hướng tiệm cận các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế.

Đến nay, GEC đã có bề dày hoạt động hơn 26 năm qua, với quá trình nỗ lực hoạt động, hiện nay GEC đang là một trong các đơn vị đứng đầu tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên về thủy điện vừa và nhỏ. GEC hiện cũng sở hữu trực tiếp và gián tiếp 14 công ty con có tổng công suất đạt gần khoảng 80MW.

Trong năm 2016, GEC tiếp tục quan tâm các dự án thủy điện tiềm năng và đáp ứng các tiêu chí đầu tư của Công ty để tiếp tục phát triển mạnh lĩnh vực thủy điện.

Ông có thể nói rõ hơn việc tái đầu tư cho thủy điện của GEC là như thế nào? 

Như đã nói ở trên, GEC sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động cho lĩnh vực thủy điện. GEC sẽ tiếp tục mở rộng, đầu tư nâng cấp các tổ máy và hệ thống điều khiển tiên tiến cho các nhà máy phát điện. Qua đó, giúp tăng công suất sản xuất điện, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện của người dân và truyền tải lên lưới điện quốc gia. Ngoài ra, chiến lược của GEC là quan tâm đầu tư các dự án thủy điện thuộc dạng thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty.

Vậy kế hoạch về nguồn vốn ra sao để GEC đáp ứng được mục tiêu này?

Hợp tác để phát triển đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, Tập đoàn TTC cũng đang tích cực trao đổi đàm phán với các định chế tài chính quốc tế và các tổ chức có uy tín để GEC có thêm cơ hội hợp tác và mở rộng phạm vi hoạt động, tái đầu tư vào lĩnh vực thủy điện. Việc hợp tác này giúp chúng tôi nâng cao tiềm lực tài chính, tăng năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa nguồn vốn, giữ vững vị trí đứng đầu khu vực miền Trung Tây Nguyên, xa hơn nữa là “phủ sóng” khắp các tỉnh thành có tiềm năng phát triển thủy điện và các lĩnh vực năng lượng sạch.

Hiện tại, GEC đã được các đối tác tiềm năng am hiểu thị trường và có năng lực tài chính vững vàng tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Và điều mà chúng tôi vui mừng hơn cả là GEC đáp ứng được các tiêu chí khắt khe nhất về tiêu chuẩn và điều kiện để đón nhận sự hợp tác từ các tổ chức uy tín như trên. Chúng tôi sẽ công bố thông tin hợp tác này trong thời gian sớm nhất. 

Nếu việc hợp tác này diễn ra lợi ích của các bên sẽ là gì?

Nếu sự hợp tác này thành công, GEC sẽ có cơ hội hợp tác với một đối tác uy tín theo tinh thần đồng hành cùng phát triển. GEC sẽ tiến hành tái cấu trúc bộ máy vận hành, nguồn vốn, kiện toàn tất cả các lĩnh vực đầu tư mà chủ lực vẫn là thủy điện, sau đó là dành nguồn vốn phù hợp để phát triển các dạng năng lượng sạch. Với kế hoạch này, chúng tôi hy vọng sẽ đưa GEC trở thành đơn vị không chỉ có ưu thế về thủy điện vừa và nhỏ, mà còn đón đầu xu thế phát triển năng lượng sạch, như điện gió và điện mặt trời.

Ông vừa đề cập đến lĩnh vực năng lượng sạch, lĩnh vực đang trở thành xu hướng đầu tư mới hiện nay. GEC đón đầu xu hướng này thế nào?

Chúng tôi xác định, năng lượng là ngành rất thiết thực cho ngành kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập. Do đó, GEC ngoài việc đầu tư cho thủy điện, thì Công ty cũng có kế hoạch đầu tư vào nguồn năng lượng sạch này, nhất là điện mặt trời, điện gió. Với tầm nhìn chiến lược giai đoạn 2016 - 2020, chúng tôi sẽ đẩy mạnh đầu tư nguồn năng lượng sạch và thực hiện thí điểm mô hình điện gió, điện mặt trời tại một số địa điểm có tiềm năng.

Năm 2015, GEC đã chủ động triển khai thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho 21 công ty thành viên trực thuộc TTC và sau đó sẽ mở rộng ra các tỉnh thành khác như Bến Tre, Tây Ninh, Bình Thuận và một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên với tổng công suất đến năm 2020 đạt trên 30MWp. Trong đó, chúng tôi đang đàm phán để đầu tư dự án năng lượng gió tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, dự kiến tháng 9/2016 sẽ khởi công.

Về điện mặt trời, chúng tôi cũng đang thí nghiệm đầu tư tại Tây Ninh thông qua các công ty mía đường. Có thể nói, đây là các dự án chủ lực của GEC nói riêng và Tập đoàn TTC nói chung nhằm hướng tới phát triển về cả chiều rộng lẫn chiều sâu nguồn năng lượng này.

Đến nay nhiều thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực năng lượng đã được ký kết. Ông đánh giá gì về sự kiện này?

Đến nay, hàng loạt các hợp đồng thỏa thuận hợp tác được ký kết đã mang đến luồng gió mới cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng. Tôi cho rằng, các thỏa thuận hợp tác này sẽ thúc đẩy ngành năng lượng nói chung và năng lượng sạch nói riêng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Bởi Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về điện mặt trời, điện gió nhưng việc khai thác sử dụng còn rất khiêm tốn.

Với khả năng đón đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch suốt thời gian qua, GEC hiện đang rất tự tin trong lĩnh vực thủy điện và cả điện gió, điện mặt trời nhằm chinh phục thị trường trong nước và ở cả thị trường nước ngoài.

An Tâm thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục