“Món ăn” thiết yếu
Việc “điểm báo” đã trở thành thói quen không thể thiếu đối với nhiều người. Thậm chí, từ một thông tin trên mặt báo, nhiều chính sách, quyết định đã được hình thành. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng bày tỏ: “Tôi tuy bận nhưng lúc nào cũng đọc báo trước khi đi làm. Nhiều vấn đề chúng ta phát hiện qua báo chí. Chính sách hình thành nên từ đây, từ kênh báo chí quan trọng”.
Tại các hội thảo về thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính gần đây, với sự tham gia đông đảo của nhiều cây bút tại các tờ báo, những câu chuyện bức xúc, vô lý đã được chuyển tải đến cơ quan quản lý hoặc trở thành những ví dụ sống động cho việc phải thượng tôn pháp luật, nhưng luật cần được ban hành và thi hành “hợp tình, hợp lý”.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) đã đưa ví dụ dẫn chứng cho việc thông tin được công bố dựa trên những quyết định không hợp lý đã góp phần khiến doanh nghiệp “chết tức tưởi” như thế nào.
Đó là trường hợp sản phẩm xúc xích của Công ty Vietfood, khi chưa có kết quả xét nghiệm, cơ quan quản lý thị trường Hà Nội đã cho niêm phong lô hàng của doanh nghiệp, đồng thời thông tin rầm rộ trên báo chí về việc này. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra sau đó của các cơ quan chức năng cho thấy, Vietfood không sai phạm.
Tương tự, với trường hợp sữa dê Danlait, ngay sau khi có thông tin trên mạng xã hội rằng, theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur, tỷ lệ đạm trong sữa này chỉ 3% trong khi công bố trên nhãn 13% thì cơ quan quản lý thị trường đã đến và niêm phong hàng hóa. Nhưng kết quả kiểm nghiệm sau đó cho thấy, đúng là lượng đạm trong sữa dê Danlait hơn 13% như nhãn công bố và Viện Pasteur cũng có văn bản thừa nhận đã dùng sai phương pháp kiểm nghiệm.
"Cả hai trường hợp trên đều để lại hậu quả quá nặng nề cho doanh nghiệp. Kiểm mà không cho doanh nghiệp kiểm lại và tiến hành niêm phong hàng hóa, thu hồi, thông tin rộng rãi ra thị trường ngay khi có kết quả xét nghiệm lần một là đẩy doanh nghiệp vào con đường phá sản, chết mà không biết kêu ai và tất nhiên không ai đền bù cho thiệt hại của doanh nghiệp”, ông Tuấn bức xúc.
Với riêng thị trường chứng khoán, thông tin lại là món ăn không thể thiếu khi ra quyết định đầu tư. Cổ phiếu A giảm sàn, B tăng trần, chắc chắn có liên quan đến những thông tin đã hoặc sắp bung ra thị trường.
Những tin tức tác động trực tiếp tới hoạt động doanh nghiệp như thuế khoáng sản tăng cao, thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia tăng mạnh, giảm thuế VAT với phân bón… đều tác động nhanh chóng tới biến động giá cổ phiếu trên sàn.
Nhưng những thông tin có tác động gián tiếp như Quốc hội tạm hoãn chưa thông qua Luật Đặc khu tại kỳ họp tháng 6/2018 hay Mỹ áp thuế bảo hộ với thép cao gấp đôi… cũng có tác động không kém. Nói vậy để thấy, thông tin kinh tế đang ngày càng có vai trò quan trọng như thế nào.
Thậm chí, hiện tại, ngay cả các tin lễ tân, ngoại giao của Chính phủ cũng được cộng đồng nhà đầu tư quan tâm đặc biệt. Đơn cử, thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBev, tập đoàn đang đầu tư vào Việt Nam.
ThaiBev đã mua lại 53,59% cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá trị gần 5 tỷ USD vào tháng 12/2017, được xem là thương vụ lớn nhất châu Á vào thời điểm đó. Việc mua bán cổ phần được tiến hành công khai, minh bạch qua sàn chứng khoán.
Chia sẻ của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi về việc đang có kế hoạch cải thiện tình hình hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng của Sabeco, trong đó có việc đưa sản phẩm của Sabeco ra thị trường thế giới thông qua hệ thống của ThaiBev khiến không chỉ các nhà đầu tư đang nắm cổ phần Sabeco quan tâm, mà cả những người đang xem xét, “ngắm nghía” cổ phiếu này cũng có thêm dữ liệu để cân nhắc.
Trong bối cảnh này, đề cập đến mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: “Báo chí - doanh nghiệp sẽ mãi là những người bạn đồng hành trên bước đường hội nhập vì sự nghiệp phát triển của chính mình và phồn vinh của đất nước”.
Thủ tướng cho rằng, báo chí là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin kịp thời, đa dạng, phong phú, chính xác mà còn phải giúp nhanh chóng phát hiện, phản biện, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp doanh nghiệp nhận ra các yếu kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Bên cạnh yêu cầu báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, báo chí phải đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của xã hội về thông tin, hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần thực hiện công khai, minh bạch quá trình và kết quả xử lý công việc của cơ quan hành chính nhà nước.
“Bộ lọc” hiệu quả
Cùng với sự đua nở của hàng trăm kênh báo chí và mạng xã hội, xuất hiện hiện tượng thông tin không được tiếp nhận chọn lọc, không được “sản xuất” đúng với tôn chỉ, mục đích, có thể trở thành món ăn “độc hại” với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Hiện có không ít doanh nghiệp ngại hợp tác, cung cấp thông tin cho báo chí vì lo bị “làm phiền” hội đồng. Ngân sách truyền thông của doanh nghiệp đáng lẽ được đầu tư lớn cho xây dựng, quảng bá thương hiệu lại phải “chia năm, xẻ bảy” để ứng phó với những thông tin cố tình “đổi trắng, thay đen”, cắt cúp có chủ đích.
Việc lạm dụng ngòi bút ở nhiều kênh truyền thông đang gây bức xúc cho doanh nghiệp. Sự cố ý hay vô tình của những ngòi bút “tâm không sáng” đã làm ảnh hưởng tới uy tín, thậm chí gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng từng căn dặn: “Kinh doanh trên thương trường có nhiều nỗi khổ, nhiều rủi ro. Người làm báo phải thông hiểu để tạo điều kiện, tạo niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, bảo vệ cái đúng”. Cụ thể, báo chí có vai trò quan trọng trong việc khích lệ doanh nghiệp và phản ánh mang tinh thần xây dựng để doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
Với tôn chỉ hoạt động như vậy, những tờ báo chính thống, có đạo đức, có uy tín đang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để tiếp tục khẳng định phong cách làm báo chững chạc, chuyên nghiệp của mình.
Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, cầm tờ báo trên tay, họ mong tìm được các thông tin, chính sách kinh tế, phát hiện và đề cao những câu chuyện kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp. Những tờ báo kinh tế cổ vũ những tấm gương doanh nghiệp vượt khó; sát cánh cùng các chuyên gia kinh tế để theo dõi, phân tích tình hình kinh tế - xã hội, kịp thời đưa ra những dự báo, giúp doanh nghiệp lựa chọn được đường hướng kinh doanh đúng đắn, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu Việt Nam… luôn được hoan nghênh và có nhiều người bạn đồng hành trên hành trình cùng phát triển.
Trong dòng xoáy cạnh tranh quyết liệt về thông tin kinh tế, thông tin tài chính, độc giả vẫn dành những ưu ái và quan tâm đặc biệt cho những tờ báo chuyên sâu về kinh tế, tài chính. Những tờ báo có nhiều bài viết cung cấp bức tranh toàn cảnh và rõ nét về các vấn đề kinh tế, đem đến những kiến giải mới mẻ và cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người đọc... vẫn có đất sống và sống tốt.
“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, chỉ có hợp lực mới có thể cùng phát triển. Muốn vậy, báo chí và doanh nghiệp cũng như các cơ quan xây dựng chính sách cần tiếp tục giao lưu, tìm hiểu, trao đổi thông tin một cách thẳng thắn, chân thành, cởi mở. Thông tin chính xác, kịp thời, khách quan vẫn luôn được coi trọng và đem lại giá trị cao cho cộng đồng và xã hội.