Rủi ro thông tin thật - giả

(ĐTCK) Trong khi hệ thống pháp lý đang được thúc đẩy cải cách theo hướng ngày càng trao quyền tự chủ nhiều hơn cho doanh nghiệp, thì việc ý thức tuân thủ của doanh nghiệp còn hạn chế đang khiến hoạt động truyền thông về doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro.
Những trường hợp gian dối như DVD, MTM... đều gây cú sốc lớn cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán Những trường hợp gian dối như DVD, MTM... đều gây cú sốc lớn cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán

“Ở vụ này, có thể thấy, hồ sơ được làm giả hết sức tinh vi…”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến thốt lên như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 8/2017, khi trả lời câu hỏi của báo giới về trách nhiệm của Bộ Y tế liên quan vụ án “buôn lậu”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại CTCP VN Pharma.

Ông Tiến cho biết thêm, Hội đồng tư vấn cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu thuốc H-Capita, gồm có 10 thành viên là các chuyên gia thẩm định từ Đại học Dược Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Cục Quản lý dược có xem xét các giấy tờ liên quan về phần pháp lý, nhưng hồ sơ vẫn bị làm giả.

“Có lẽ sắp tới cần phải có thêm khâu giám định con dấu, chữ viết từ cơ quan công an, chứ các bác sĩ, dược sĩ mảng này rất yếu...”, ông Tiến nhìn nhận.

Ví dụ trên cho thấy, ngay cả đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành - nguồn tin đáng tin cậy với cơ quan báo chí mà còn bị doanh nghiệp “qua mặt” như vậy, huống gì cơ quan báo chí. Sự giả ở đây là giả trong tâm, trong toan tính của những người điều hành doanh nghiệp, chứ hồ sơ, giấy tờ, con dấu chỉ là đối tượng chuyển tải những thông tin giả ấy.

Nói chính xác là trong nhiều trường hợp, giấy tờ, con dấu, chữ ký của người điều hành doanh nghiệp là thật, nhưng nội dung mà nó chuyển tải lại là giả, không đúng bản chất sự việc, vì những toan tính mà chỉ có những người vi phạm mới biết.

Nếu như hành vi công bố thông tin “giả” ở các doanh nghiệp chưa phải là công ty đại chúng khi bị phát giác thường ít có tác động tiêu cực đến các đối tượng trên diện rộng, thì ngược lại, những hành vi công bố thông tin gian dối xảy ra ở các công ty niêm yết, các công ty đại chúng khi bị phát hiện và xử lý, thì tác động tiêu cực đã lan rộng, ảnh hưởng xấu đến niềm tin trong công chúng đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Thông tin từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho thấy, tình trạng doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin không… thật gần đây bị phát hiện và xử lý có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Điều này làm tăng nỗi lo về tình trạng doanh nghiệp “xào nấu” số liệu để làm đẹp thông tin công bố, nhất là các thông tin về tài chính.

Chẳng hạn, trong tháng 7/2017, CTCP Đá Spilít (mã SPI - HNX) bị phạt 70 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch, đồng thời buộc phải cải chính thông tin. Theo đó, ngày 6/2/2017, UBCK nhận được Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý IV/2016 của SPI. Tuy nhiên, đến ngày 7/2/2017, UBCK nhận được công văn đính chính số liệu trên Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2016. Theo số liệu đính chính, doanh thu bán hàng giảm 56%, lợi nhuận gộp giảm 59%, lợi nhuận khác tăng 892% so với số liệu SPI đã công bố trước đó.

Nghiêm trọng hơn, có doanh nghiệp niêm yết còn bị phát hiện và xử phạt do công bố thông tin có nội dung không chính xác, mà trường hợp bị xử lý mới nhất là CTCP Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư (mã BII - HNX).

Cụ thể, theo Báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng ngày 25/5/2016, BII đã sử dụng 22 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2015 để tiến hành thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng mỏ cát Tân Phước, chuẩn bị nguồn lực khai thác mỏ thông qua việc góp vốn vào Công ty TNHH MTV Chế biến cát BIDICO triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo Báo cáo tiến độ sử dụng vốn ngày 14/3/2017 và các tài liệu liên quan gửi UBCK, BII chỉ sử dụng hơn 4 tỷ đồng… Vì vi phạm này, ngoài bị phạt tiền 85 triệu đồng, BII còn bị UBCK buộc cải chính thông tin...

Những trường hợp điển hình như CTCP Dược Viễn Đông (DVD), hay gần đây là CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM)… gian dối trong công bố thông tin, đều gây cú sốc lớn trên thị trường chứng khoán.

Là cầu nối thông tin từ nhà quản lý, doanh nghiệp đến cộng đồng nhà đầu tư, người tiêu dùng, vai trò của báo chí ngày càng lớn trong đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, khó tính của bạn đọc, người xem. Vai trò và niềm tin từ công chúng càng lớn, thì áp lực với cơ quan báo chí, truyền thông, người làm báo càng cao.

Lý do là bởi trong bối cảnh bức tranh thông tin thật - giả lẫn lộn về hoạt động của doanh nghiệp do nhiều nguyên nhân, trong đó có chịu tác động bởi thay đổi về công nghệ và xu hướng làm báo, cộng với áp lực cạnh tranh về tốc độ xuất bản đang gia tăng, làm thế nào để có nhiều thông tin nóng, mới, chuẩn xác, là áp lực rất lớn đối với người làm báo, cơ quan báo chí.

Áp lực trên chỉ có thể được chia sẻ khi bản thân doanh nghiệp ý thức được minh bạch thông tin, đồng thời cải thiện tính liêm chính và nghiêm khắc của các cơ quan quản lý trong giám sát và xử lý các doanh nghiệp có hành vi công bố thông tin gian dối. Về phần mình, nếu mỗi tờ báo, người làm báo đều góp phần lan tỏa và tôn vinh rộng rãi những doanh nghiệp “làm thật, nói thật”, đang lẩn khuất ở rất nhiều nơi đẩy lùi những thông tin giả, tiêu cực.    

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục