Kiểm toán Nhà nước vừa thông báo Kết quả kiểm toán Dự án Xây dựng công trình cầu Bến Thủy II (tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) và Dự án Xây dựng đường nối cảng Vũng Áng đến biên giới Việt - Lào do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông - Vận tải) làm chủ đầu tư.
Đây là hai dự án lớn sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, triển khai trong giai đoạn 2009 - 2013, trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trong đó, công trình cầu Bến Thủy II xây dựng trên Quốc lộ 1, có tổng mức đầu tư 1.173 tỷ đồng, hoàn thành vào tháng 9/2013; công trình đường nối cảng Vũng Áng đến biên giới Việt - Lào có tổng mức đầu tư 1.014 tỷ đồng, hoàn thành trong năm 2013.
“Vết gợn” lớn đầu tiên tại 2 dự án được ngành giao thông đánh giá khá cao này là công tác quản lý chi phí đầu tư. Theo Kiểm toán Nhà nước, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã chủ động cắt bỏ một số hạng mục, nên đã tiết kiệm được khoảng 64 tỷ đồng. Nếu cộng với khoản tiết kiệm qua đấu thầu, tổng giá trị tiết kiệm cho ngân sách nhà nước tại 2 dự án lên tới 75 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với các khoản phát sinh do kéo dài tiến độ dẫn tới trượt giá tại 2 dự án lên tới 174 tỷ đồng, thì khoản tiết kiệm đó rõ ràng là chưa đủ bù đắp. Đặc biệt, trong quá trình thi công đoạn đường phía Nam cầu Bến Thủy II, chủ đầu tư đã phải chỉnh tuyến để phù hợp quy hoạch chi tiết thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và phải xử lý kỹ thuật để phù hợp với chủ trương mở rộng Quốc lộ 1, làm tăng thêm 33 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh nắn tuyến gây lãng phí chi phí do đã “trót” đầu tư vào tuyến cũ hơn 7 tỷ đồng.
Nếu như phát sinh trên là có thể châm chước, thì việc cho phép địa phương xây dựng khu tái định cư tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), với quy mô lập và phê duyệt cho 141 hộ, trong khi nhu cầu thực tế chỉ có 37 hộ, làm phát sinh chi phí đầu tư của Dự án thêm 12,2 tỷ đồng, là khiếm khuyết không nhỏ.
Tại Dự án Xây dựng đường nối cảng Vũng Áng đến biên giới Việt - Lào, Kiểm toán Nhà nước cho biết, quá trình đấu thầu hạn chế 2 gói thầu xây lắp, chỉ định thầu 2 gói thầu khác là chưa đúng quy định. Công tác quản lý hợp đồng kinh tế tại dự án này còn một số sơ hở, như không có điều khoản thưởng phạt hợp đồng, nên không có cơ sở để xử lý vi phạm về chậm tiến độ; ký kết một số hợp đồng trước khi có quyết định chỉ định thầu.
Liên quan tới công tác quản lý chất lượng, Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua kiểm tra, quan sát trên hiện trường công trình cầu Bến Thủy II, đã phát hiện hiện tượng bê tông nhựa mặt cầu tại làn xe cơ giới xuất hiện vệt hằn bánh xe; bê tông nhựa mặt cầu tại một số vị trí chưa đạt yêu cầu; lan can cầu tại một số chỗ có hiện tượng hoen gỉ. Tại công trình đường nối cảng Vũng Áng đi biên giới Việt - Lào, một số hạng mục hồ sơ hoàn công chưa đúng với thực tế thi công.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những khiếm khuyết được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là không lớn so với quy mô đầu tư, tính phức tạp của công trình và hoàn toàn có thể tránh được nếu chủ đầu tư chỉn chu hơn trong quá trình triển khai đầu tư 2 dự án.
Được biết, cùng với việc yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công các gói thầu xây lắp cầu Bến Thủy II xử lý các hiện tượng hư hỏng trên mặt cầu và lan can, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Ban Quản lý dự án 85 khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư.
“Bộ Giao thông - Vận tải cũng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tổ chức rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm về tồn tại trong công tác nghiệm thu thanh toán, chỉ đạo giảm chi phí tại các dự án”, ông Hoàng Hồng Lạc, Phó tổng kiểm toán Nhà nước đề nghị.