Hạn chế đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước phát hiện tại Dự án ADB5 – công trình do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là tiến độ hầu hết các dự án thành phần đều bị “vỡ” so với kế hoạch đề ra.
Mặc dù đến thời điểm này, đại diện Ban Quản lý dự án I (Bộ GTVT) cho biết, tất cả các gói thầu xây lắp thuộc Dự án đều đã hoàn thành, nhưng theo Thông báo kết quả kiểm toán số 51/TB-KTNN ngày 21/1/2014 của Kiểm toán Nhà nước, tiến độ triển khai nâng cấp các tuyến đường đều chậm ít nhất 36 tháng và nhiều nhất là 42 tháng so với Quyết định phê duyệt Dự án số 3675/QĐ-BGTVT ngày 3/10/2005 của Bộ GTVT. Theo Quyết định này, thời hạn hoàn thành của các dự án thành phần được “chốt” là tháng 12/2008.
Theo Kiểm toán Nhà nước, chỉ tính riêng việc kéo dài thời gian thực hiện gói thầu tư vấn tăng cường thể chế tại Dự án ADB5 đã làm tăng chi phí đầu tư của Dự án thêm hơn 4 tỷ đồng.
Với quy mô đầu tư lên tới 138 triệu USD, Dự án ADB5 là một trong những dự án hạ tầng giao thông lớn nhất ở khu vực nông thôn, được kỳ vọng nhất ở miền Trung trong nhiều năm trở lại đây. Ngoài việc dành khoảng 1,7 triệu USD để nâng cao năng lực của các sở GTVT địa phương, đảm bảo mục đích nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng mạng đường, thì phần lớn kinh phí của Dự án (98,44 triệu USD) được đầu tư cho các gói thầu xây lắp.
Trong quá trình thực hiện, Dự án được phân chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn I (giai đoạn thí điểm) gồm 11 tuyến đường thuộc 4 tỉnh: Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận và Lâm Đồng. Giai đoạn II gồm 19 tuyến đường thuộc 6 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Đắc Lắc, Đắc Nông và Quảng Bình. Giai đoạn III gồm các tuyến đường tại 9 tỉnh: Thanh Hoá, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum và Gia Lai. Tổng chiều dài các tuyến đường được nâng cấp (đường cấp IV đối với địa hình miền núi và cấp V đối với khu vực đồng bằng) sẽ lên tới 1.200 km, cùng khoảng 300 cây cầu cỡ nhỏ.
Liên quan tới việc quản lý chất lượng công trình, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận, Dự án đã cơ bản đảm bảo đúng quy định về quản lý chất lượng hiện hành và các yêu cầu về kỹ thuật, nhưng đơn vị đại diện chủ đầu tư và tư vấn giám sát vẫn để lọt không ít “sạn”.
“Sạn” chất lượng đầu tiên là một số số liệu khảo sát không phù hợp với thực tế, nên trong quá trình thực hiện, nhiều gói thầu tại Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Gia Lai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam đã phải điều chỉnh và bổ sung hạng mục, làm tăng giá trị hợp đồng, ảnh hưởng tới tiến độ.
Bên cạnh đó, phương án thiết kế của một số công trình chưa phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất và điều kiện sử dụng, dẫn tới việc phải điều chỉnh, xử lý thiết kế trong quá trình thi công.
Điều đáng lưu ý là, kết quả kiểm tra hiện trường Gói thầu NA07/TL598 cho thấy, tại một số đoạn (Km1 - Km4), mặt đường đã hư hỏng nặng, nhưng các đơn vị có liên quan chưa xác định rõ nguyên nhân.
“Ban Quản lý dự án 1 và các đơn vị liên quan cần làm rõ nguyên nhân hư hỏng tại Gói thầu NA07/TL598 để có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng kiểm toán Nhà nước yêu cầu.
Được biết, tại Thông báo kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ GTVT kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể tại Ban Quản lý dự án 1; Ban Quản lý dự án 3 thuộc Sở GTVT Đắc Lắc; Ban Quản lý dự án giao thông Quảng Nam thuộc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam; Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn Đà Nẵng; Liên danh tư vấn Norconsult, Consia, Scott Wilson, TCD Asscociation. Các đơn vị này có trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới tới chất lượng khảo sát, thiết kế; kéo dài thời gian thực hiện gói thầu tư vấn tăng cường thể chế; thanh toán trượt giá chưa thực hiện theo quy định hợp đồng… “Kết quả việc xử lý tài chính, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân nói trên phải hoàn thành trước ngày 30/6/2014”, ông Thành yêu cầu.