Sự quan tâm không chỉ đơn thuần là ở con số lỗ, lãi mà là những vấn đề đằng sau những con số này, nhất là khi điện là một trong những lĩnh vực có tác động rất lớn tới đời sống kinh tế, xã hội nói chung.
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN từng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN (chưa tính lỗ chênh lệch tỷ giá) là 5.814 tỷ đồng, tuy nhiên, do lỗ chênh lệch tỷ giá là 6.371 tỷ đồng, nên dẫn tới lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh trước thuế là 557 tỷ đồng, lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh sau thuế là 716 tỷ đồng.
Như vậy, nguyên nhân lỗ sau thuế trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của Tập đoàn chủ yếu là do lỗ chênh lệch tỷ giá (cụ thể là do tỷ giá đồng Yên Nhật tăng mạnh, theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá chênh lệch tỷ giá của các khoản mục công nợ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính).
"Thời gian qua, EVN thường xuyên kêu lỗ, giá điện thấp không đủ bù chi phí sản xuất, song thực tế ngành điện cần phải nghiêm túc thay đổi, cải cách lại thì mới mong hết lỗ"
- TS. Lê Đăng Doanh.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, cũng chính ông Tri lại cho biết, lỗ 6 tháng đầu năm là lỗ hạch toán của nửa năm. Còn 9 tháng đầu năm 2016, riêng Công ty mẹ EVN đã lãi hơn 1.000 tỷ đồng, nếu tính lãi hợp nhất toàn Tập đoàn, con số lãi còn cao hơn.
"Khi báo cáo quyết toán tài chính năm 2016, doanh nghiệp ước tính công ty mẹ EVN sẽ lãi từ 650-700 tỷ đồng và toàn bộ Tập đoàn sẽ lãi khoảng từ 2.000 đến 3.000 tỷ đồng", ông Tri nói.
Lý giải nguyên nhân khiến lợi nhuận nửa đầu năm của EVN rơi vào tình trạng âm, trong khi doanh thu toàn tập đoàn 6 tháng đầu năm 2016 tăng tới 19.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, ông Tri khẳng định, vì 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, chi phí giá thành sản xuất điện 6 tháng đầu năm tăng lên do phải tăng mua các nguồn điện chạy dầu, than, khí, trong khi phát điện thủy điện thấp trong mùa khô. Thứ hai, lỗ do chênh lệch tỷ giá.
Chính 2 yếu tố này cũng là nguyên nhân giúp EVN được chuyển từ lỗ trở thành lãi trong 9 tháng khi EVN tự vận hành được một số nhà máy thủy điện và giảm mua điện chạy than, dầu có giá bán điện cao và trong quý III, đồng Yên giảm giá, khiến các doanh nghiệp vay nợ không chịu sức ép trích lập dự phòng, thậm chí có thể được hoàn nhập một khoản vào lợi nhuận.
Thực tế, nhìn vào báo cáo tài chính 6 tháng của EVN có thể thấy, số nợ vay và chi phí lãi vay của Tập đoàn này là rất lớn.
Bảng cân đối kế toán hợp nhất của EVN tính đến ngày 30/6/2016 cho thấy, số nợ vay của toàn Tập đoàn lên tới 475.357 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 100.136 tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 375.220 tỷ đồng.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng của EVN cho thấy, chi phí lãi vay và lãi trái phiếu lên tới hơn 6.895 tỷ đồng, tăng đáng kể so với 5.093 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Điều này thể hiện, chênh lệch tỷ giá mới là nguyên nhân chính khiến EVN lỗ nặng nửa đầu năm 2016, do các khoản vay đầu tư của các công ty thành viên, mà phần lớn là các tổng công ty phát điện vay bằng đồng Yên khi đồng tiền này tăng giá mạnh trong nửa đầu năm nay.
Nhiều chuyên gia lo ngại, tỷ giá sẽ diễn biến khó lường trong thời gian tới do tác động lớn từ những biến chuyển quốc tế như sự kiện Brexit và việc nước Mỹ có Tổng thống mới. Khả năng các đồng ngoại tệ mạnh, trong đó có đồng Yên tăng giá bất thường là khó tránh khỏi. Nếu như EVN vẫn cứ “ôm” đống nợ quá lớn, trong đó có nợ bằng đồng Yên để đầu tư xây dựng các nhà máy điện, thì câu chuyện chịu lỗ do tỷ giá sẽ còn tiếp diễn dài dài.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ngành điện nói chung và EVN nói riêng từ trước tới nay là một ví dụ điển hình về việc vay nợ nước ngoài để đầu tư với hiệu quả còn hạn chế, dẫn đến thua lỗ và hệ quả là yêu cầu được tăng giá điện.
“Thời gian qua, EVN thường xuyên kêu lỗ, giá điện thấp không đủ bù chi phí sản xuất, song thực tế ngành điện cần phải nghiêm túc thay đổi, cải cách lại thì mới mong hết lỗ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn chứ không nên chỉ dựa vào đi vay mãi để đầu tư như hiện nay”, ông Doanh bình luận.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, EVN cần phải tăng tính trách nhiệm của mình trong việc đề ra phương án cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện cái gốc tài sản.