CASA ngân hàng nào đang tăng trưởng cao nhất?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong quý IV/2023 nhờ mặt bằng lãi suất xuống thấp, kể cả kỳ hạn dài. Trong đó, MB, Techcombank… là những nhà băng có CASA cao nhất.
CASA ngân hàng nào đang tăng trưởng cao nhất?

MB cho biết, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tới 40,1% trong năm 2023, MB giữ vững ngôi vị quán quân về CASA năm thứ 2 liên tiếp... Năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp MB thu hút được hơn 6 triệu khách hàng mới (năm 2021 là 6,2 triệu; năm 2022 là 6,9 triệu khách hàng mới và năm 2023 là 6,3 triệu khách hàng mới).

Tỷ lệ giao dịch trên kênh số của MB duy trì ở mức cao, đạt đến 97%; quy mô giao dịch chuyển tiền của MB qua NAPAS đứng đầu hệ thống trong 3 năm liên tiếp (2021 – 2023).

Theo MB, để đạt được những con số ấn tượng này phần lớn nhờ vào chiến lược đầu tư công nghệ dài hạn, giúp MB liên tục mở rộng không gian tăng trưởng và phục vụ quy mô Khách hàng lớn.

Các nền tảng số của MB tiếp tục chứng tỏ sức hút trên thị trường: App MBBank là nền tảng ngân hàng dành cho khách hàng cá nhân được tải xuống nhiều nhất App Store Việt Nam trong 3 năm qua, hiện sở hữu 22,4 triệu người dùng.

Trong năm qua, số lượng thanh toán không tiền mặt của MB đạt 3,6 tỷ giao dịch, tăng 1,5 lần so với năm 2022. Doanh thu trên các nền tảng số của MB chạm mốc 24,4%.

“Trong 4 năm tới, MB xác định doanh thu trên nền tảng số sẽ chiếm 50% doanh thu cho ngân hàng”, ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT MB cho hay.

Trong khi đó, đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Techcombank tăng 21,5% lên mức 849,5 nghìn tỷ đồng. Tính riêng Ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 19,2% so với đầu năm lên ngưỡng 530,1 nghìn tỷ, phù hợp với hạn mức tín dụng được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tiền gửi của khách hàng đạt 454,7 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với đầu năm và 11,2% so với quý IV/2023.

Số dư CASA của Techombank tăng trong 3 quý liên tiếp, đạt 181,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,0% so với cùng kỳ và 31,9% so với quý III/2023, giúp tỷ lệ CASA cải thiện lên mức 39,9%.

Mức tăng trưởng cho thấy, năng lực ngân hàng giao dịch hàng đầu của Techcombank, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng khối lượng giao dịch trên các kênh số (tăng 41% so với cùng kỳ lên 2,2 tỷ giao dịch, tương đương 13% thị phần giao dịch NAPAS) và lượng truy cập ứng dụng mỗi tháng dẫn đầu toàn cầu - hơn 50 lượt/ khách hàng active.

Mặt khác, tiền gửi có kỳ hạn đạt 273,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,9% so với đầu năm và tương đối ổn định theo quý, do lợi suất bắt đầu ít hấp dẫn hơn, khi so sánh với với tỷ suất đầu tư và tiềm năng của thị trường bất động sản, trái phiếu và thị trường chứng khoán.

Vị thế vốn của Tecchombank vẫn được duy trì mạnh mẽ, với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) theo quy định là 77,4% vào ngày 31/12/2023. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 26,4%, thấp hơn nhiều so với mức trần quy định mới 30%, có hiệu lực từ ngày 1/10/2023.

Một ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA cao là Vietcombank (VCB). Tính tới cuối năm 2023, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,84 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với hồi đầu năm qua. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng là trên 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,9%. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 12,2% lên gần 1,4 triệu tỷ đồng, với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở mức 35,2%.

Đứng trong top 4 về tỷ lệ CASA là MSB. Tổng tài sản của MBS đến cuối năm 2023 tăng trưởng 25%, đạt hơn 267.000 tỷ đồng. Huy động tiền gửi tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022, đạt trên 132.000 tỷ đồng; trong đó, số dư CASA chiếm 26,54% tổng huy động vốn.

Với ACB, đến cuối năm 2023, quy mô huy động của ngân hàng đạt gần 483.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh, đạt mức 22%, lọt top 5 về tỷ lệ CASA toàn ngành.

Còn theo báo cáo tài chính vừa công bố của VPBank, CASA cũng trở thành một trong những điểm sáng trong hoạt động huy động của ngân hàng với đà tăng trưởng 33% so với cuối năm 2022, giúp nâng tỷ lệ CASA trong cơ cấu huy động lên 17,6%.

Đại diện VPBank cho biết, điểm sáng CASA phản ánh hiệu quả của các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi của Ngân hàng thông qua các giải pháp thanh toán và dịch vụ tài khoản, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của khách hàng.

Bên cạnh huy động trong nước, trong năm 2023, VPBank đa dạng hóa cơ cấu nguồn vốn dài hạn quốc tế, nhằm tối ưu chi phí vốn và củng cố bảng cân đối. Ngân hàng đã ký cam kết khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD, tương đương 7.200 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm, với Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), để thúc đẩy tín dụng xanh tại Việt Nam.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục