
Khi rộ lên tin đồn rằng, Ngân hàng Citigroup mẹ ở Mỹ đang lâm nguy, gần như chắc chắn dẫn đến việc công ty con của tập đoàn này ở Mexico là Banamex sẽ bị rao bán thì mọi con mắt đều trông vào động thái của Carlos Slim, đối tác tiềm năng nhất cho thương vụ này. Song, thông tin mới nhất được tiết lộ là: người giàu thứ 2 trên thế giới không quan tâm đến Banamex.
Theo một số nguồn tin, dưới áp lực phải tăng vốn để tồn tại trong bối cảnh thị trường tài chính - tiền tệ tiếp tục gặp nhiều khó khăn và các khoản lỗ đang… chờ ở phía trước, Banamex sẽ bị mang đi bán, cho dù “ngôi sao” sáng trong làng tài chính Mexico tỏ ra miễn cuỡng trước khả năng này.
Năm 2001, Citigroup trả 12,5 tỷ USD để mua Banamex và giá trị hiện nay của ngân hàng này được các nhà tài chính của nước sở tại định giá vào khoảng 9 - 10 tỷ USD. Có nghĩa là, nếu bán được ở mức giá hiện nay thì Citigroup bị lỗ khoảng 2,5 - 3,5 tỷ USD, không tính đến các khoản lợi nhuận Banamex mang lại trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, một điều rất thú vị mà chỉ có trong thời buổi hiện nay, đó là nếu các con số kể trên chính xác thì chứng tỏ Banamex đã trụ khá vững, nhất là khi so sánh với các bậc tiền bối ở Mỹ như Citigroup, Bank of America, Morgan Stanley, Goldman Sachs và JP Morgan Chase, những người đã ngậm ngùi nhìn giá trị tài sản của mình bị mất đi ở con số lớn hơn rất nhiều.
Người mua tỏ ý hững hờ
Slim, ông trùm ngành viễn thông và là người giàu thứ 2 trên thế giới tính đến thời điểm 1 năm trước đây được coi là người mua tự nhiên (natural buyer), trước hết là bởi ông ta có tiền. Theo Sentido Comun, một trang web chuyên theo dõi tài sản của ông này dựa theo giá trị cổ phiếu nắm giữ, tài sản hiện thời của Slim ước tính trị giá khoảng 30 tỷ USD. Ngoài ra, ông tỏ ra hờ hững với thương vụ này do hiện còn đang nắm quyền kiểm soát một công ty lớn trong ngành tài chính là Imbursa, có thể có những trợ lực cần thiết về mặt chiến lược đối với các hoạt động của Slim.
Bên cạnh đó, một số nhà quan sát cho rằng, Slim có thể chần chừ đối với thương vụ này, bởi ông ta đã là một “cột thu lôi” đối với những lời chỉ trích ở Mexico, chủ yếu do việc trở nên quá giàu tại một đất nước mà tỷ lệ nghèo đói đang ở mức cao. Lâu nay, Slim vẫn bị cáo buộc là một nhà độc quyền khi kiểm soát tới 90% số mạng cố định ở đất nước Bắc Mỹ này. Tuy nhiên, việc thống trị thị trường viễn thông của Slim đã bị lung lay bởi sự ra đời của điện thoại không dây.
Đầu năm 2008, Tạp chí Forbes xếp Slim ở vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất thế giới với tổng tài sản khoảng 60 tỷ USD, nhưng đến nay, ông này cũng bị “va đập” khá nhiều bởi cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Người bán dường như chưa sẵn sàng
Trong khi đó, Banamex mới ra một thông báo rằng, họ sẽ sử dụng tất cả số lợi nhuận của năm nay để tái đầu tư nhằm giữ vững cán cân thanh toán và tiếp tục tăng trưởng.
Tổng giám đốc của Banamex là Enrique Zorrilla khẳng định, Citigroup chưa có kế hoạch bán ngân hàng số 2 tại Mexico.
Theo Zorrilla, lợi nhuận ròng trong năm 2008 của Banamex giảm tới 28%, xuống còn 12 tỷ pesos (tương đương 941 triệu USD), chủ yếu do nợ xấu tăng lên. “Trong 3 năm qua, Citigroup đã tái đầu tư toàn bộ số lợi nhuận thu được từ Banamex vào Tập đoàn và chính sách này sẽ được tiếp tục trong năm nay”, Zorrilla cho biết.
Nhiều ngân hàng ở Mexico đã khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới một cách khá tốt, do không sa chân vào các hoạt động kinh doanh rủi ro như cho vay dưới chuẩn. Song làn sóng vỡ nợ tín dụng tiêu dùng ở nước này đã lên cao do kinh tế suy giảm.
Ở Mỹ, Citigroup đang ở tình cảnh hết sức khốn đốn khi tài sản mất giá và thua lỗ tín dụng tới 80 tỷ USD. Chính phủ nước này buộc phải bơm 45 tỷ USD vào quỹ vốn của Citigroup kể từ tháng 10/2008 thông qua Chương trình cứu trợ tài sản mất giá (TARP).
Khi Citigroup bỏ 12,5 tỷ USD để mua Banamex vào năm 2001, đó là mức giá cao nhất cho một ngân hàng tại Mexico trong trào lưu các tập đoàn nước ngoài đổ xô vào quốc gia này sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế tàn phá hệ thống ngân hàng ở đây hồi giữa thập niên 90 của thế kỷ trước.
Kể từ khi “tậu” Banamex, Citigroup đã rút về 11% tổng lợi nhuận của ngân hàng này dưới dạng cổ tức, Zorrilla nói và cho biết thêm, năm ngoái, Banamex đã có thêm 1,5 triệu khách hàng, nâng tổng số khách hàng lên 18 triệu.
Song, ai có thể đoán được hành động của các “ông lớn”, khi mà quyết định của họ sẽ có những tác động ngoài mong muốn nếu bị tiết lộ quá sớm…