Tính toán tổng thời gian triển khai một dự án sẽ mất ít nhất 5-7 năm với thủ tục đầu tư rất phức tạp và kéo dài và làm nản lòng các nhà đầu tư, đại biểu Quốc hội đề nghị ban hành nghị quyết của Quốc hội tạo bước đột phá phát triển nhà ở xã hội.
Sáu điểm nghẽn lớn
Sáng 5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (Dự thảo).
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam), Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chỉ ra 6 điểm nghẽn lớn trong cơ chế chính sách liên quan đến nhiều luật trong việc phát triển Nhà ở xã hội.
Một là, về hình thức giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính.
Hai là, về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội. Theo quy định, dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, dẫn đến hầu hết các địa phương không bố trí quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập. Quy định này dẫn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị... dẫn đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương.
Ba là, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng còn vướng mắc. Cụ thể, quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục và làm chậm tiến độ triển khai dự án.
Bốn là, về quy định tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng, trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này, dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này để không, lãng phí.
Các ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở (hoặc diện tích sàn xây dựng) để kinh doanh nhà ở thương mại (hoặc sàn kinh doanh thương mại), được vay vốn với lãi suất ưu đãi... không thực chất vì chủ đầu tư không được hưởng, mà là người dân được hưởng do theo quy định không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội.
Năm là, giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp... trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên khó thu hút được doanh nghiệp. Việc không quy định thời điểm xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và việc xác định giá phải được UBND cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí.
Sáu là về đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. Luật Nhà ở năm 2014 có quy định ưu đãi cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ trong trường hợp tự lo chỗ ở cho người lao động, là đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. Các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện (chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh có nhà ở xã hội, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân) và phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện...
Những quy định này khiến người dân và chính quyền phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, khó khăn trong việc xác nhận các điều kiện, ông Khải nói.
Nhà ở xã hội không đơn thuần là an sinh – xã hội
Sửa đổi Luật Nhà ở lần này, theo đại biểu Trần Văn Khải, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị và quyết tâm phải làm. Coi đây là mục tiêu quan trọng chứ không đơn thuần cho rằng, nhà ở xã hội đơn thuần là an sinh – xã hội, có cũng được, không có cũng không sao. Từ đó, nghiêm túc hoạch định chính sách về đất đai, quy hoạch, xây dựng, tín dụng, tài chính, thuế…nhằm ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.
Ông Khải cũng đề nghị cấp bách cởi nút thắt về cơ chế, chính sách đối với phát triển nhà ở xã hội bằng một Nghị quyết của Quốc hội, để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể là gỡ các vướng mắc về hình thức giao đất để đầu tư xây dựng, quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư, quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ, xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội, đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, công tác thanh tra, kiểm tra.
“Vướng mắc về cơ chế, chính sách, nút thắt đối với việc phát triển Nhà ở xã hội không chỉ nằm ở Luật Nhà ở mà còn nằm ở các luật như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Xây dựng; Luật Kiến trúc, Luật Các tổ chức tín dụng… Đề nghị Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội ban hành một số chính sách nhằm đột phá phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc nhằm có bước đột phá trong việc phát triển nhà ở xã hội, có như vậy mới có thể thực hiện thành công Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030”, đại biểu Khải phát biểu.
Theo đại biểu Trần Văn Khải, từ lúc có ý tưởng đầu tư cho đến lúc hoàn thành có nhà ở bàn giao cho đối tượng mua nhà sẽ phải trải qua 18 thủ tục, chia làm 2 giai đoạn. Gồm, giai đoạn chuẩn bị đầu tư 10 thủ tục sẽ mất ít nhất 3 - 5 năm và giai đoạn thực hiện đầu tư trải qua ít nhất 8 thủ tục và sẽ mất thời gian ít nhất 2 – 3 năm. Tổng thời gian triển khai sẽ mất ít nhất 5 - 7 năm trong trường hợp các thủ tục thực hiện đúng thời gian từng thủ tục theo quy định.