"Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đối diện nguy cơ vỡ nợ vì thiếu khách hàng đủ điều kiện mua"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là băn khoăn của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) về tiến độ và các vướng mắc khi triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội. Chiều 31/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có báo cáo giải trình trước Quốc hội về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo trước Quốc hội chiều 31/5 về tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo trước Quốc hội chiều 31/5 về tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Phát biểu tại phiên thảo luận Hội trường về kinh tế xã hội sáng 31/5, đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nhận định, ba giải pháp mang tính định lượng trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân rất kỳ vọng bao gồm: chính sách giảm thuế VAT 2%, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và chỉ tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công.

Về chủ trương phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp, bà Vân cho biết, chỉ trong vòng hơn một năm (2021-2022) đã có 3 gói hỗ trợ mà đích đến là công nhân lao động; điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước.

Đó là gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, gói 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách; và mới đây nhất là gói 120.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 1,5-2%/năm dành cho doanh nghiệp xây và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...

ĐBQH Trần Thị Vân phát biểu sáng 31/5

ĐBQH Trần Thị Vân phát biểu sáng 31/5

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn vì 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 đang giải ngân rất thấp (gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được 330/40.000 tỷ chưa được 1%, gói 15.000 tỷ được trên 34%); bây giờ Chính phủ tiếp tục ban hành gói 120.000 tỷ, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này đang trùng lắp, đều hết năm 2023.

"Hai gói tín dụng trước còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ có khả thi hay không, nhất là khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở đang sửa đổi các quy hoạch chưa phê duyệt xong?", bà Vân đặt vấn đề.

Đồng thời, bà đề nghị Chính phủ cân nhắc việc gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025 thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.

Cũng quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội, tại phiên thảo luận chiều 31/5, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nêu một số khó khăn vướng mắc trong triển khai tại Bắc Giang.

Theo vị đại biểu, đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp được Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt là một nhiệm vụ đa mục tiêu, vừa tạo công ăn việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an cư cho người lao động.

Tuy nhiên, từ thực tiễn của tỉnh Bắc Giang cho thấy đề án hiện đang gặp một thách thức rất trớ trêu, đó là căn hộ làm ra công nhân muốn mua nhưng lại không đủ điều kiện do không đáp ứng điều kiện "không có nhà ở, đất ở nào khác".

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nêu một số khó khăn vướng mắc trong triển khai nhà ở xã hội tại Bắc Giang

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nêu một số khó khăn vướng mắc trong triển khai nhà ở xã hội tại Bắc Giang

Nêu ví dụ tại dự án nhà ở xã hội thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, Bắc Giang) giai đoạn 1 có 4.000 căn hộ giá bán 12,3 triệu đồng/m2 đang hoàn thiện để đi vào sử dụng nhưng đã hơn một năm, từ khi công bố nhận hồ sơ đến nay mới có trên 200 công nhân đủ điều kiện mua nhà.

Với tình hình như vậy, các chủ đầu tư dự án nhà xã hội lại đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vì không có khách hàng đủ điều kiện.

"Vì vậy, tôi đề xuất cần mở rộng ngay điều kiện đối tượng mua, thuê với ưu tiên xếp sau 10 đối tượng hiện đã quy định tại Luật Nhà ở năm 2014. Cụ thể là các công nhân có thu nhập thấp và chủ doanh nghiệp có nhu cầu thuê cho công nhân của mình để ở thì đều có thể là khách hàng của dự án", ông Thịnh đề xuất.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói gì?

Là khách mời của Quốc hội được mời đến để tham gia trao đổi, giải đáp các thắc mắc của đại biểu Quốc hội chiều 31/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết:

Về việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, thời gian triển khai, thời gian ưu đãi lãi suất;

Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này, đã ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.

Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đã giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 và đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án này.

Quốc hội thảo luận ở Hội trường ngày 31/5

Quốc hội thảo luận ở Hội trường ngày 31/5

"Qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng và các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn", Bộ trưởng thông tin.

Ví dụ, tỉnh Bình Định đã công bố nhu cầu vay vốn là 1.832 tỷ đồng, tỉnh Phú Thọ công bố nhu cầu vay vốn là 441 tỷ đồng, Đà Nẵng là 545 tỷ đồng, Trà Vinh là 420 tỷ đồng, Bắc Giang là 4.527 tỷ đồng và Hải Phòng là 3.892 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng, thực tế cho thấy, chương trình mới triển khai được hơn 1 tháng và gói 120.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn đến năm 2030 và các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố nên chỉ mới có kết quả bước đầu. Trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án tham gia gói 120.000 tỷ như nhu cầu công bố của các địa phương.

Tư lệnh ngành Xây dựng khẳng định, thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật.

Cụ thể là: tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan để triển khai hiệu quả thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, khu công nghiệp; tiếp tục làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội, nhà ở, công nhân, cải tạo chung cư cũ, thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.

"Trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan sẽ cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc như ý kiến của các đại biểu đề cập", ông Nghị khẳng định.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục