Làm rõ 2 phương án đầu tư
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 3321/BGTVT-KHĐT gửi Ban Quản lý dự án 7 về việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận. Theo đó, Bộ GTVT thống nhất với đề nghị của Ban Quản lý dự án 7 về việc lựa chọn Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - Công ty cổ phần Tasco (Liên danh ĐCG-CII-TASCO) là nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Liên danh ĐCG-CII-TASCO có trách nhiệm tổ chức lập, hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và quy định của pháp luật khác có liên quan. Liên danh sẽ chịu mọi chi phí, rủi ro trong trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận; thống nhất với Ban Quản lý dự án 7 về nội dung công việc, dự toán chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở tính toán trong tổng mức đầu tư của Dự án.
“Liên danh được lựa chọn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chủ động làm việc với địa phương về các điều kiện cần thiết để triển khai dự án như phương án giải phóng mặt bằng, phương án cung cấp vật liệu, hoàn thiện các công trình phục vụ dân sinh (nếu có); khảo sát, làm việc với các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư về khả năng thu xếp nguồn vốn để làm rõ tính khả thi về phương án tài chính của dự án”, Công văn số 3321/BGTVT-KHĐT do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm ký nêu rõ.
Với tư cách là đơn vị tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án, Ban Quản lý dự án 7 thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 50/2022/TT-BGTVT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ GTVT về quy định về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức PPP do Bộ GTVT quản lý; tổ chức rà soát, kiểm tra bảo đảm tư cách pháp nhân, năng lực đơn vị tư vấn, cá nhân chủ trì... và thành phần, nội dung hồ sơ tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định pháp luật; trình Bộ GTVT trong quý II/2024.
Bộ GTVT lưu ý, Ban Quản lý dự án 7 phối hợp với nhà đầu tư đề xuất dự án tập trung nghiên cứu phương án hoàn trả phần vốn đã ứng trước để triển khai giai đoạn I đoạn TP.HCM - Trung Lương; hạng mục đầu tư mở rộng đường vành đai 3 TP.HCM thực hiện theo ý kiến của Bộ GTVT gửi UBND tỉnh Long An; làm việc cụ thể với Cục Đường bộ Việt Nam về tình trạng khai thác hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên đoạn TP.HCM - Trung Lương và đề xuất giải pháp đầu tư phù hợp.
“Ban Quản lý dự án 7 và nhà đầu tư đề xuất dự án cần nghiên cứu so sánh, đánh giá kỹ lưỡng 2 phương án đầu tư: triển khai thành 2 dự án độc lập là TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận hoặc hình thành 1 dự án đầu tư toàn tuyến TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận để lựa chọn phương án tối ưu, thuận lợi, khả thi và hiệu quả cao nhất trong triển khai”, lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo.
Sẽ sớm thông nút cổ chai
Trước đó, cuối tháng 2/2024, Ban Quản lý dự án 7 đã gửi Bộ GTVT báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất dự án và kiến nghị việc nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo đơn vị được Bộ GTVT giao tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tại thời hạn nộp hồ sơ đề xuất dự án (ngày 19/1/2024), Ban Quản lý dự án 7 nhận được hồ sơ đề xuất dự án của 2 liên danh nhà đầu tư quan tâm, gồm Liên danh ĐCG-CII-TASCO và Liên danh Tổng công ty Xây dựng cảng Trung Quốc - Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CHEC-CTC).
Hồ sơ đề xuất của Liên danh ĐCG-CII-TASCO được tổ chuyên gia đánh giá kỹ lưỡng, nội dung hồ sơ đã bao gồm đầy đủ các nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; phạm vi đầu tư nghiên cứu đã bao quát việc kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực dự án, đã tính toán đầy đủ giá trị dự kiến đầu tư các đoạn tuyến nối, các đoạn tuyến thuộc phạm vi của địa phương lân cận dự án với mục tiêu khai thác hiệu quả dự án đầu tư. Thời gian thu phí hoàn vốn dự án dự kiến là 16 năm (từ ngày 1/1/2028 đến 31/12/2043). Tổng điểm mà ĐCG-CII-TASCO đạt được là 98,5/100 điểm.
Hồ sơ đề xuất của Liên danh CHEC-CTC cũng được đánh giá đã bao gồm đầy đủ các nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; phạm vi đầu tư nghiên cứu đã bao quát việc kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực dự án. Tuy nhiên, tại khu vực nút giao Chợ Đệm, hai tuyến nối Chợ Đệm - Bình Thuận và Chợ Đệm - Tân Tạo là cửa ngõ của TP.HCM với các tỉnh miền Tây, lưu lượng các phương tiện giao thông rất cao, thường xuyên diễn ra tình trạng kẹt xe, mà nhà đầu tư chưa nghiên cứu có phương án thiết kế và tính toán giá trị dự kiến đầu tư các đoạn tuyến nối, các đoạn tuyến thuộc phạm vi của địa phương lân cận dự án. Phương án đầu tư có thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là 19 năm 1 tháng (từ ngày 1/1/2029 đến 31/1/2049). Tổng điểm mà CHEC-CTC đạt được là 97,3/100 điểm.
Kết quả lựa chọn nhà đầu tư tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án không đồng nghĩa với việc Liên danh ĐCG-CII-TASCO đã được chọn đầu tư Dự án Đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, liên danh này sẽ có nhiều lợi thế khi Bộ GTVT tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận trong thời gian tới.
Hiện sức ép sớm nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận rất lớn, bởi đây là “nút cổ chai” của hành lang vận tải đường bộ từ TP.HCM tới Cần Thơ. “Do lưu lượng xe lớn, mặt đường chỉ 4 làn xe cao tốc và ở đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận bố trí làn dừng xe khẩn cấp cách quãng, nên tốc độ khai thác thấp, hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày đối với đoạn tiếp giáp TP.HCM, đặc biệt vào cuối tuần và dịp lễ, tết”, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết.