Giá cao su giảm sâu
Kể từ đầu năm tới giữa tháng 4/2020, giá cao su thiên nhiên có diễn biến lao dốc, sau đó duy trì vùng giá thấp cho tới nay. Trong quý II/2020, giá cao su thiên nhiên dao động trong khoảng 130 - 145 JPY/kg, trong khi cùng kỳ năm 2019, sản phẩm này được giao dịch với giá 175 - 240 JPY/kg. Có thể thấy, giá cao su thiên nhiên năm nay giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cao su thiên nhiên gắn liền với giá cao su nhân tạo. Cao su nhân tạo được sản xuất từ lọc hóa dầu, vì vậy giá cao su nhân tạo có diễn biến khá tương đồng với giá dầu. Khi giá dầu giảm, cao su nhân tạo được sản xuất ra với giá thấp hơn và ngược lại.
Diễn biến giá cao su thế giới từ tháng 10/2018 đến nay (Đơn vị: JPY/kg).
Mặc dù giá dầu đã có dấu hiệu hồi phục từ giữa tháng 4/2020, nhưng do nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu, cũng như dầu Brent và WTI chỉ được giao dịch trong vùng giá 40 - 43 USD/thùng, nên giá cao su nhân tạo chưa có diễn biến hồi phục thật sự, điều này tác động tới diễn biến giá cao su thiên nhiên.
Nếu như nền kinh tế toàn cầu tiếp tục hoạt động dưới công suất bình thường do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì rất khó để cải thiện nhu cầu dầu mỏ. Hiện tại, triển vọng giá dầu giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020 không được đánh giá cao, sẽ tác động tới đà hồi phục của giá cao su thiên nhiên.
Tình trạng cao su thiên nhiên được giao dịch ở vùng giá thấp so với năm 2019 đang gây áp lực đầu ra đối với các doanh nghiệp khai thác mủ cao su.
Đa số doanh nghiệp lên kế hoạch lợi nhuận giảm
Tính tới giữa tháng 7/2020, trên sàn có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành cao su thiên nhiên như Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR), Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC), Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR), Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (GVR).
Trong đó, ngoài GVR và PHR có thêm mảng khu công nghiệp, các doanh nghiệp còn lại chủ yếu có hoạt động kinh doanh thông thường liên quan tới chuỗi giá trị ngành cao su từ trồng, chăm sóc, khai thác mủ và thanh lý gỗ để chuẩn bị trồng mới.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2020 của 5 doanh nghiệp trên, chỉ có GVR và PHR dự kiến ghi nhận lợi nhuận đột biến. Cụ thể, PHR cho biết, năm 2020 dự kiến sẽ thanh lý 400 ha đất cao su phục vụ trồng tái canh năm 2021 và nhận tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại từ Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) - đền bù khi doanh nghiệp bàn giao đất mở rộng Khu công nghiệp Nam Tân Uyên giai đoạn 2.
GVR và PHR có thêm mảng khu công nghiệp, còn TRC, DPR và DRI chủ yếu có hoạt động kinh doanh thông thường liên quan tới chuỗi giá trị ngành cao su.
Đối với GVR, doanh nghiệp đang sở hữu 100% Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, đơn vị sở hữu trực tiếp quỹ đất cao su nằm trong dự án Sân bay Long Thành, năm nay dự kiến sẽ nhận tiền đền bù đất tại dự án này.
Còn lại 3 doanh nghiệp là TRC, DPR và DRI chủ yếu có hoạt động kinh doanh cốt lõi liên quan đến chuỗi giá trị ngành từ trồng, chăm sóc, khai thác mủ và thanh lý gỗ.
Kết quả kinh doanh quý II/2020 phân hóa
PHR công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý II/2020 với tổng doanh thu 144,27 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 256,88 tỷ đồng, lần lượt giảm 32,96% và tăng 332,97% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận tổng doanh thu 256,88 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 394,85 tỷ đồng, lần lượt giảm 26,56% và tăng 250,63% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch cả năm 2020, doanh nghiệp mới hoàn thành được 43% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế công ty mẹ.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tích cực của PHR chủ yếu do doanh nghiệp ghi nhận thu nhập khác 486,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 115,6 tỷ đồng.
Trong quý II/2020, doanh nghiệp ghi nhận tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại 456 tỷ đồng từ NTC, dự kiến phần còn lại sẽ nhận chậm nhất là trong tháng 10/2020.
Với TRC, Công ty báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2020 với doanh thu 61,45 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16,68 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,3% và giảm 43,36% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu 113,66 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 37 tỷ đồng, lần lượt giảm 13,53% và tăng 10,81% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Đáng chú ý, tính tới 30/6/2020, lượng tiền mặt của TRC giảm từ 144,1 tỷ đồng về 61,97 tỷ đồng, do dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 47,5 tỷ đồng và doanh nghiệp thực hiện chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
So với kế hoạch cả năm 2020, TRC hoàn thành được 46,3% kế hoạch lợi nhuận trước thuế công ty mẹ sau 6 tháng.
Trong quý đầu năm, TRC ghi nhận doanh thu đột biến từ thanh lý gỗ cao su, quý II không có doanh thu từ hoạt động này. Nếu như giai đoạn cuối năm, doanh nghiệp không tiếp tục thanh lý gỗ cao su thì kết quả kinh doanh cả năm sẽ khó có thể hoàn thành kế hoạch.
Đối với DPR, doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2020, nhưng diễn biến giá cao su dao động ở mức thấp là thách thức đối với kế quả kinh doanh. Trong quý đầu năm, DPR không có lợi nhuận đột biến từ thanh lý gỗ nên doanh thu thuần chỉ đạt 102 tỷ đồng, giảm 42%, lợi nhuận sau thuế đạt 27 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm 2019.
Bức tranh ngành cao su thiên nhiên về cơ bản gặp khó khăn trước bối cảnh giá cao su ở mức thấp và triển vọng thời gian tới phụ thuộc vào triển vọng tăng trưởng kinh tế nói chung và giá dầu nói riêng.
Nếu như các doanh nghiệp trong ngành không có lợi nhuận đột biến từ các hoạt động khác thì kết quả kinh doanh được dự báo tiếp tục kém khả quan kéo dài. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có lợi nhuận đột biến từ thanh lý gỗ, cũng như đền bù đất khu công nghiệp như GVR, PHR thì kết quả kinh doanh có thể tiếp tục đi ngược xu hướng ngành.
Tuy nhiên, đây là lợi nhuận mang tính đột biến ngắn hạn, sang năm 2021 sẽ gây áp lực lên báo cáo tài chính khi không còn khoản lợi nhuận đột biến.