Quý I hưởng lợi từ giá cao su giảm
Hai doanh nghiệp đầu ngành cao su công nghiệp là CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) và CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM) vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu năm 2020 với kết quả rất tích cực.
Cụ thể, DRC báo lãi sau thuế 37,441 tỷ đồng, tăng trưởng 121,82% so với cùng kỳ. Còn CSM ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tới 525%, với 12,7 tỷ đồng.
Đà tăng trưởng này là nhờ giá cao su thiên nhiên - nguyên liệu đầu vào cho sản xuất (chiếm từ 80 - 84% giá vốn) của hai doanh nghiệp này đã giảm tới 21% so với hồi đầu năm nay, từ mức 176 JPY/kg xuống còn 139 JPY/kg và thấp hơn nhiều so với mức 180 - 240 JPY/kg của cùng kỳ năm ngoái.
Đối với DRC, biên lợi nhuận gộp quý I được cải thiện 14,72%, tăng mạnh so với mức 9,73% cùng kỳ năm 2019. Biên lợi nhuận ròng theo đó tăng từ 2,05% lên mức 4,66%.
Tương tự, tại CSM, biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 9,73% trong quý I/2019 lên 15,48% trong quý I năm nay; biên lợi nhuận ròng tăng từ 0,24% lên mức 1,34%.
Thách thức lớn trước mắt
Thị giá cổ phiếu CSM từ mức 13.500 đồng/cổ phiếu ở phiên 31/3 hiện đã tăng lên 16.200 đồng/cổ phiếu trong phiên đầu tuần này (27/4).
Cùng thời gian, thị giá DRC đã phục hồi từ 14.550 đồng/cổ phiếu lên 18.550 đồng/cổ phiếu. Đà tăng này ngoài yếu tố hứng khởi của thị trường chung thì còn xuất phát từ những thông tin tích cực về hiệu quả kinh doanh quý I.
Nhưng nhìn về triển vọng kinh doanh 2020, nhiều thách thức lớn đang hiện hữu với cả hai doanh nghiệp này.
Sản phẩm chủ lực của CSM là lốp ô tô và máy kéo (chiếm 56% doanh thu 2019); lốp xe máy (chiếm 12%), săm xe máy (chiếm 12%).
Trong khi đó, sản phẩm chính của DRC là săm lốp, yếm ô tô (chiếm 85,44% doanh thu), săm lốp xe máy (chiếm 9,36% doanh thu), săm lốp xe đạp (chiếm 4,87%).
Trong cơ cấu doanh thu của CSM năm ngoái, có tới 54% đóng góp từ thị trường nội địa, 39% từ thị trường xuất khẩu; còn tại DRC, 57,09% doanh thu đến từ thị trường nội địa, gần 43% đến từ xuất khẩu (chủ yếu xuất khẩu sang châu Mỹ, châu Á).
Như vậy, có thể thấy, thị trường tiêu thụ chính của nhóm cao su công nghiệp vẫn là trong nước và liên quan tới lĩnh vực ô tô, xe máy, trong khi ngành công nghiệp này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong quý I/2020, cả nước bán ra 52.557 ô tô các loại, giảm 32,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, xe lắp ráp trong nước đạt 33.174 xe, giảm 28% so với cùng kỳ và xe nhập khẩu đạt 19.383 xe, giảm 39% so với cùng kỳ. Mới đây, các hãng xe như Ford, Toyota, Honda, TC Motor (lắp ráp xe Hyundai), VinFast, Nissan, Yamaha đã công bố tạm ngưng hoạt động sản xuất ô tô, xe máy tại Việt Nam.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới sức mua trong nước, cũng như doanh số bán ra buộc các nhà sản xuất phải giảm công suất để chờ dịch qua đi, cũng như khôi phục lại sức mua.
Đối với khu vực châu Âu, Mỹ, sau khi phong toả chống dịch, nền kinh tế các khu vực này cũng dần mở cửa một phần, tuy nhiên, sức mua với các sản phẩm ô tô cũng có dấu hiệu suy giảm và chưa rõ thời điểm hồi phục.
Bài toán tiêu thụ sẽ là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp phụ trợ như cao su công nghiệp trong thời gian tới.
Tại DRC, lượng tiền mặt tại quỹ tính tới 31/3/2020 chỉ là 17,6 tỷ đồng, chiếm 0,66% tổng tài sản, trong khi tồn kho lên tới 1.116 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn là 222,9 tỷ đồng. Tổng vay nợ của Công ty là 693,3 tỷ đồng, chiếm 26% tổng nguồn vốn.
Trong khi đó, CSM có lượng tiền mặt tính tới 31/3/2020 là 148,1 tỷ đồng. Song tồn kho cũng rất lớn, lên tới 1.173,4 tỷ đồng, chiếm 30,7% tổng tài sản; khoản phải thu ngắn hạn là 808,8 tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng tài sản. Tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn lên tới 2.160 tỷ đồng, chiếm tới 56,5% tổng nguồn vốn.
Sức khỏe tài chính của hai doanh nghiệp đầu ngành cao su công nghiệp không được đánh giá cao trong giai đoạn “tiền mặt là vua”. Về trung và dài hạn, nếu gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, DRC sẽ gặp áp lực lớn về dòng tiền.