Cao su Đà Nẵng (DRC): Bất ngờ chuyện bầu thành viên HĐQT

(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã chốt bầu 7 thành viên vào HĐQT, lớn hơn con số dự kiến 5 thành viên theo tài liệu Đại hội. Hai thành viên mới do 2 nhóm cổ đông khác nhau đề cử.
Ảnh Internet Ảnh Internet

HĐQT có thêm 2 thành viên mới

Đại hội DRC 2019 có một nội dung quan trọng là bầu cử HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019-2024. Điểm gây bất ngờ tại Đại hội là khi Chủ tịch HĐQT DRC hỏi ý kiến cổ đông có đề cử ứng viên nào khác thì một cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu 22 triệu cổ phiếu đã đề cử ông Trần Đình Quyền làm Thành viên HĐQT độc lập cho nhiệm kỳ mới.

Theo giới thiệu về ứng viên tại Đại hội, ông Quyền hiện đang là Chủ tịch của Tín Thành Group và không sở hữu cổ phần DRC nào. Lợi ích liên quan đến Công ty được ghi nhận là đối tác trong lĩnh vực cung cấp hơi bão hoà.

Được biết, Tín Thành Group gây sự tò mò với giới đầu tư khi cuối năm 2017, tập đoàn này ngỏ ý thâu tóm 55% vốn của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Theo thông tin công ty này đăng tải, Tín Thành Group đang cung cấp năng lượng từ nhiên liệu tái tạo (mà cụ thể là lò hơi công nghiệp) cho hơn 30 nhà máy lớn và cơ sở công nghiệp tại Việt Nam.

Trước quan tâm của cổ đông về việc thoái vốn tại DRC, Ban Chủ tọa Đại hội cho biết, đây là nhiệm vụ của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem). Tuy nhiên, DRC được biết rằng, Vinachem dự kiến hoàn thành thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2019. Hiện Vinachem đang sở hữu 50,5% vốn tại DRC, với dự kiến sẽ thoái vốn tại DRC về mức 36%. 

Trước đó, theo tài liệu Đại hội bổ sung của DRC, Vinachem sở hữu gần 60 triệu cổ phần, nắm giữ 50,55% vốn điều lệ, đề cử ứng viên HĐQT gồm ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Huy Hiếu, ông Nguyễn Thanh Bình, ông Hà Phước Lộc và ông Lê Hoàng Khánh Nhựt. Những ứng viên này hiện đều đang công tác tại DRC, giữ các vị trí chủ chốt trong HĐQT, Ban điều hành.

Một nhóm cổ đông khác, sở hữu hơn 8 triệu cổ phiếu, nắm giữ 6,84% vốn điều lệ, đề cử ứng viên là ông Nguyễn Văn Hiệu, từng làm Thành viên HĐQT Vinachem, hiện đã nghỉ hưu.

Kết quả, cả 7 ứng viên đều trúng cử HĐQT nhiệm kỳ mới.

2019, lo áp lực cạnh tranh lớn từ lốp ô tô Trung Quốc

Năm 2019, DRC đặt mục tiêu giá trị sản xuất 3.910 tỷ đồng, tăng 5%, doanh thu thuần 3.875 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 157,4 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.

Về sản lượng, dự kiến tiêu thụ 4 triệu chiếc lốp xe đạp; 4,5 triệu săm xe đạp. Với xe máy là 2,9 triệu lốp, săm xe máy 6 triệu chiếc. Còn với lốp ô tô, máy kéo, dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ săm lốp ô tô ước đạt 1,13 triệu chiếc, trong đó có 680.000 chiếc lốp Bias và 430.000 chiếc lốp radial, nhưng tỷ trọng doanh thu của 2 dòng lốp ô tô này xấp xỉ 50-50. Bởi trong số lượng lốp bias trên, có đến 60% lốp tải nhẹ, còn radial hoàn toàn tải nặng nên giá cao hơn.

Điều đáng quan tâm tại doanh nghiệp này là sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng, doanh thu tăng nhưng chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch lợi nhuận lại giảm. 

Theo Ban lãnh đạo DRC, trong danh mục sản phẩm tiêu thụ có 9 nhóm sản phẩm, trong đó nhóm có tốc độ tăng trưởng cao và quyết định con số doanh thu là lốp radial. Dự án cuối 2018 đã hoàn thành và đi vào khai thác, công suất sản xuất 600.000 lốp/năm giai đoạn 2, nhưng sản lượng tiêu thụ mới đạt 450.000. Do vậy, trong tính toán, sản lượng tiêu thụ chưa đạt công suất dự án thì hiệu quả chưa cao.

Khi xây dựng kế hoạch, DRC đã căn cứ bức tranh chung của thị trường, lốp radial tỷ trọng tiêu thụ nội địa năm 2019 là 30% và xuất khẩu 70%. Trong khi đó, sản phẩm tiêu thụ nội địa thì có lãi, nhưng thị trường xuất khẩu mới bù đắp được biến phí vì sức ép cạnh tranh với lốp Trung Quốc. Từ tháng 2/2019, lốp radial Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ, (trước đó là châu Âu - PV).

Với sản lượng tiêu thụ của lốp Trung Quốc đưa vào thị trường Mỹ là hơn 9 triệu lốp, thì nay họ sẽ quay  sang các thị trường khác, trong đó có các thị trường truyền thống của DRC. Do vậy, sắp tới, sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt ở các thị trường xuất khẩu truyền thống (châu Á) của DRC.

Chưa kể, đối với thị trường nội địa, DRC còn phải cạnh tranh với lốp ô tô nội địa, lốp ô tô Trung Quốc và đặc biệt là lốp ô tô Trung Quốc xuất xứ Đông Nam Á có thuế suất xuất khẩu 0% do các tập đoàn sản xuất lốp ô tô của Trung Quốc chuyển nhà máy qua Đông Nam Á.

Chia sẻ của lãnh đạo DRC cho rằng, vừa qua, chi phí đầu vào (điện) tăng, làm giá thành tăng lên, nhưng bán xuất khẩu thì không lý nào mà giải thích được với khách hàng. Bởi theo họ, đây là yếu tố nội tại của Việt Nam, khi ra sân chơi toàn cầu thì không thể thuyết phục được việc nâng giá bán sản phẩm. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang giảm chi phí đầu vào khoảng 10% để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, DRC cũng đang tận dụng cơ hội thị trường để định vị thị trường xuất khẩu, đồng thời tiếp cận, tăng sản lượng bán vào thị trường Mỹ. Đây là tiền đề phát triển các dự án trong tương lai của DRC.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục