Cạnh tranh thị trường bán lẻ ngày càng khốc liệt

0:00 / 0:00
0:00
Sau 27 năm Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới - WTO (ngày 11/1/2007), doanh nghiệp nội địa đứng vững trên thị trường, nhưng theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cạnh tranh trên thị trường bán lẻ vẫn rất khốc liệt.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ ngay khi gia nhập WTO. Điều này khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, thị trường sẽ vào tay doanh nghiệp nước ngoài, nhưng thực tế lại không như vậy, thưa ông?

Hơn 27 năm trước, khi Việt Nam gia nhập WTO, cùng với việc mở cửa thị trường bán lẻ, không chỉ các chuyên gia kinh tế, mà nhiều nhà hoạch định chính sách cũng lo ngại bị mất thị trường, bởi khi đó, doanh nghiệp nội địa tham gia thị trường này với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại còn rất yếu.

Một khi thị trường bán lẻ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, thì tác hại khôn lường, bởi không chỉ doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực thương mại điêu đứng, mà hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và người nông dân làm ra nông sản cũng bị tác động tiêu cực. Lý do là, một khi chiếm lĩnh được thị trường, cùng với việc hạ thuế quan hàng nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả... từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Campuchia để bán trong hệ thống siêu thị với giá cả cạnh tranh, thì hàng nội địa “khó có cửa”.

Nhưng cuộc cạnh tranh không diễn ra một chiều, mà các doanh nghiệp nội địa đã phản công rất quyết liệt, như Saigon Co.op, Satra vẫn trụ vững và phát triển, bất chấp có sự hiện diện của thương hiệu Big C (nay là Go!, thuộc sở hữu của Tập đoàn Central Retail), Lotte Mart, Metro Cash & Carry, AEON... Không những thế, nhiều doanh nghiệp trước đây xa lạ với thị trường bán lẻ đã nhập cuộc và khẳng định được vị thế như Vinmart/Winmart, Thaco, Kido...

Có thể khẳng định, doanh nghiệp bán lẻ nội địa đã trụ vững, nhưng cuộc chiến giành thị phần vẫn tiếp tục và càng ngày càng khốc liệt hơn.

Với cuộc chiến giành thị phần trong giai đoạn tới, ông có nghĩ, phần thắng sẽ nghiêng về doanh nghiệp nội địa?

Thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Với quy mô dân số trên 100 triệu người đang trong thời kỳ dân số vàng, giới trẻ có nhu cầu mua sắm chiếm tỷ lệ cao, có thể nói, thị trường bán lẻ Việt Nam đang cực kỳ hấp dẫn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2023 đạt 4.858.600 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2022 và tháng 1/2024 đạt 407.500 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường có “doanh thu khủng” và liên tục tăng trưởng (trừ thời gian diễn ra đại dịch Covid-19), nên doanh nghiệp nào cũng muốn tham gia, dẫn đến cạnh tranh càng ngày càng gay gắt.

Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ không chỉ giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại, mà là cuộc chiến giữa doanh nghiệp nội với “đồng hương”, giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với nhau, giữa hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại với thương mại điện tử và giữa siêu thị, trung tâm thương mại, thương mại điện tử với chợ truyền thống. Cuộc “so găng” này khó có thể tiên lượng hồi kết, nhưng dường như, doanh nghiệp ngoại đang dần chiếm thế thượng phong.

Dựa vào đâu, ông nhận định doanh nghiệp ngoại đang dần chiếm thế thượng phong?

Với hệ thống siêu thị khắp cả nước, mỗi siêu thị có mặt bằng 10.000 - 30.000 m2; hệ thống siêu thị mini bao phủ khắp các khu dân cư, thì cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại đang bất phân thắng bại, nhưng doanh nghiệp ngoại đã có hướng đi mới, buộc doanh nghiệp nội phải chạy theo, nếu không sẽ bị mất thị phần.

Cụ thể, quý III/2023, Lotte Mart khai trương đại siêu thị Lotte Mall West Lake Hanoi tại Hà Nội với diện tích lên đến 354.000 m2 để đón đầu mua sắm xu hướng mới của người Việt.

Bình thường, khi cần mua sắm hàng hóa, người tiêu dùng đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hoặc ra chợ truyền thống, còn giới trẻ thì ưa mua sắm trên mạng. Nhưng bây giờ, “đi chợ” không đồng nghĩa với đi mua sắm hàng hóa, vật dụng, mà còn là giải trí cuối tuần và vào ngày nghỉ, nên không ai ra siêu thị, cửa hàng tiện lợi để giải trí vào ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần. Thay vào đó, cả gia đình 3-4 người đến đại siêu thị (mall) để kết hợp mua sắm với thư giãn, xem phim, giải trí, ăn uống, làm đẹp…

Cứ một vài tuần, người ta đến đại siêu thị một lần, thì doanh số bán hàng ở siêu thị và cửa hàng tiện lợi sẽ tụt giảm. Chưa kể, một lượng khách vô cùng lớn từ các địa phương khác đổ về đô thị mỗi cuối tuần và ngày nghỉ và chắc chắn người ta đổ vào đại siêu thị để mua sắm, thư giãn, giải trí, ăn uống nếu có nhu cầu, chứ không vào các siêu thị hay siêu thị mini.

Mỗi đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng chỉ cần 2-3 đại siêu thị cỡ Lotte Mall West Lake Hanoi, còn các đô thị khác thì chỉ cần 1-2 đại siêu thị như vậy là thu hút hết khách hàng có nhu cầu chi tiêu cao. Vì vậy, nếu doanh nghiệp nội không nhanh chân đầu tư đại siêu thị, thì khó có cửa chiến thắng trong cuộc đua tranh chiếm lĩnh thị trường bán lẻ.

Nhưng rất nhiều người tiêu dùng không có nhu cầu đến đại siêu thị, người ta thuần túy đi mua hàng hóa, vật dụng hàng ngày, thưa ông?

Lượng khách hàng vô cùng lớn này thường mua sắm ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống. Tôi đã đi khảo sát rất nhiều lần khắp các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, cũng như nhiều địa phương lân cận và nhận thấy, hàng hóa trong các siêu thị nội và ngoại giá cả tương tự nhau. Ví dụ, mua một chai dầu ăn ở hệ thống siêu thị Go! giá 150.000 đồng, thì ở Winmart và các siêu thị của doanh nghiệp nội cũng quanh quẩn giá đó, nhưng nếu là khách hàng có thẻ ở Go! thì được chiết khấu 10-20%, trong khi ở siêu thị nội, nếu được chiết khấu, giảm giá thì cũng không đáng kể. Là người tiêu dùng, dù không phải “người tiêu dùng thông thái”, thì người ta cũng sẽ đăng ký để trở thành “khách hàng ruột” của Go!

Theo ông, vì sao siêu thị ngoại có thể mạnh tay chiết khấu cho “khách hàng ruột”?

Để đưa hàng hóa vào kệ hàng trong siêu thị, nhà cung cấp phải trả một khoản tiền cho doanh nghiệp chủ siêu thị. Khoản tiền mà nhà cung cấp trả cho siêu thị ngoại gấp 3-5 lần siêu thị nội và người ta lấy khoản tiền này để chiết khấu, giảm giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngoại đổ tiền vào siêu thị và chấp nhận không lãi, thậm chí bán lỗ trong thời gian đầu. Khi doanh số tăng và có một lượng “khách hàng ruột” nhất định, họ được quyền “làm giá” với nhà cung cấp sản phẩm. Còn người sản xuất, cung cấp sản phẩm hàng hóa cho siêu thị đều muốn “ăn mỏng” nhưng bán được nhiều hàng hóa, hơn là bán với giá cao nhưng doanh thu thấp.

Tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp nội không mạnh tay đầu tư vào siêu thị, đồng thời tính ngay đến việc mở đại siêu thị như Lotte Mall West Lake Hanoi, thì cuộc chiến chiếm lĩnh thị phần bán lẻ từng “hạ đo ván” doanh nghiệp ngoại khó lặp lại, thậm chí còn bị mất thị phần.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục