Nhà đầu tư chú ý đến nhóm bán lẻ và nhựa, nhưng thị trường vẫn ghi nhận ba phiên giảm liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục bị kéo xuống, nhà đầu tư ngập ngừng trong khi áp lực bán có phần gia tăng khiến VN-Index có phiên giảm thứ ba liên tiếp. Điểm nhấn hiếm hoi đến vào cuối phiên khi nhóm cổ phiếu bán lẻ được kéo mạnh lên, trong khi các mã ngành nhựa duy trì sức hút.
Nhà đầu tư chú ý đến nhóm bán lẻ và nhựa, nhưng thị trường vẫn ghi nhận ba phiên giảm liên tiếp

Sau phiên sáng giao dịch ảm đạm với thanh khoản thấp, thị trường tiếp diễn xu hướng này. Chỉ số VN-Index có thêm nhịp đảo chiều lên trên tham chiếu, nhưng sắc xanh chỉ le lói trong ít phút trước khi áp lực cung gia tăng khiến chỉ số một lần nữa thủng mốc 1.170 điểm.

Mặc dù vậy, ngưỡng điểm này trở thành hỗ trợ ngắn khi đã bật trở lại, nhưng đóng cửa vẫn trong sắc đỏ, ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp.

Điều đáng chú ý trong phiên hôm nay là điểm số giảm ít và thanh khoản xuống thấp, về mặt tích cực thì đây là dấu hiệu lực bán đã suy giảm đáng kể, các phiên tới có thể có những nhịp phục hồi. Về mặt kỹ thuật RSI sau khi lên vùng quá mua, sau 3 phiên vừa qua đã giảm trở lại, VN-Index hôm nay về sát đường trung bình 9 ngày, và các chỉ số khác chưa phát ra nhiều cảnh báo về việc đảo chiều xu hướng mạnh có thể xảy ra.

Chốt phiên, sàn HOSE có 140 mã tăng và 301 mã giảm, VN-Index giảm 2,60 điểm (-0,22%), xuống 1.170,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 540,5 triệu đơn vị, giá trị gần 11.361,9 tỷ đồng, giảm hơn 26% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 59,8 triệu đơn vị, giá trị 1.350 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa rất mạnh, với 7 mã tăng, 7 mã đứng tham chiếu và 16 mã giảm. Tuy nhiên, đa số chỉ tăng, giảm với biên độ hẹp, với MWG là cổ phiếu tăng tốt nhất cũng chỉ +1,8% lên 45.200 đồng, còn lại FPT, VJC, SHB, MSN, CTG tăng chỉ từ 0,1% đến 0,9%.

Ở chiều ngược lại, SAB -2,5% xuống 58.800 đồng, trong khi VIB và BID là hai cổ phiếu còn lại giảm hơn 1%, các cổ phiếu lớn khác như TCB, VHM, VIC, VNM, GAS, VCB, PLX chỉ giảm nhẹ.

Thanh khoản phiên này SHB, STB, HPG, MBB, vẫn cao nhất nhóm và dẫn đầu thị trường với khối lượng khớp lệnh từ 14,6 triệu đến 17,4 triệu đơn vị, riêng SHB khớp 27,2 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ, công nghệ với đà tăng được kéo mạnh ở những phút cuối, ngoài MWG nêu trên thì FRT là điểm sáng lớn nhất khi đã chạm giá trần +6,94% lên 106.300 đồng, khớp hơn 1,64 triệu đơn vị. Một cổ phiếu khác là DGW cũng có mức tăng khá +2,6% lên 55.000 đồng, PET nhích gần 1,8% lên 25.850 đồng.

Ở những nơi khác, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu, ngành nhựa đã có sự đồng thuận cao, với TPC +5,4% lên 5.900 đồng; AAA +5% lên 10.100 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị; APH +4,1% lên 8.060 đồng, khớp hơn 1,2 triệu đơn vị; HII +4,1% lên 5.580 đồng, khớp 0,25 triệu đơn vị; NHH +2,6% lên 19.700 đồng, khớp 1,4 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu đơn lẻ khác cũng hút lực mua khá và tăng tốt như D2D tăng trần +6,9% lên 27.950 đồng, khớp 0,54 triệu đơn vị; NTL +5,7% lên 31.800 đồng, khớp 2,84 triệu đơn vị; HAG +3,2% lên 14.750 đồng, khớp 11,2 triệu đơn vị.

Trái lại, các mã giảm sâu không xuất hiện nhiều khi nhà đầu tư tiết cung giá thấp, với chỉ ST8 giảm sâu -5,5% xuống 18.900 đồng, khớp 3,56 triệu đơn vị; HNG -3,2% xuống 4.910 đồng, khớp 6,74 triệu đơn vị, FIR -2,8% xuống 10.400 đồng, khớp 4,48 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đuối sức trong phiên chiều và đã thủng tham chiếu, trước khi bật hồi trở lại, đóng cửa gần như không đổi.

Chốt phiên, sàn HNX có 81 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index giảm 0,01 điểm xuống 228,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,55 triệu đơn vị, giá trị 713 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,46 triệu đơn vị, giá trị 76,3 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhỏ hoạt động mạnh, với TTH và DVG tăng kịch trần lên 4.200 đồng và 3.400 đồng, khớp lần lượt 2,52 triệu và 1,12 triệu đơn vị.

Trong khi đó, TKG bị bán mạnh và giảm sàn -9,5% xuống 11.500 đồng, khớp hơn 0,89 triệu đơn vị.

Phần còn lại ở nhóm cổ phiếu thanh khoản cao đã phân hóa mạnh với mức giá thay đổi ở mức thấp, với CEO, PVS, MBG, TIG, VFS, TNG giảm nhẹ, trong khi MBS, GKM, NRC, IDC tăng nhẹ, cùng với đó là SHS, HUT, MST đứng tham chiếu, khớp từ 0,61 triệu đến gần 6 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index có nhịp hồi nhẹ lên trên tham chiếu và cũng đảo chiều giảm sau đó, nhưng đóng cửa trở lại mức giá xanh.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,04%), lên 87,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,7 triệu đơn vị, giá trị 328,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,57 triệu đơn vị, giá trị 163,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu VHG phiên này bất ngờ vượt lên là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất UpCoM với 4,52 triệu đơn vị, giá cổ phiếu cũng tăng khá mạnh +7,4% lên 2.900 đồng, các mã mới gần đây đăng ký giao dịch như HSV +6,3% lên 8.500 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị và BCR +3,1% lên 6.700 đồng, khớp 2,03 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2402 giảm nhẹ 0,2 điểm, tương đương -0,02% xuống 1.180,5 điểm, khớp lệnh hơn 182.700 đơn vị, khối lượng mở hơn 46.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ lấn át, với hầu hết các mã khớp lệnh cao đều giảm, với CHPG2326 khớp tới hơn 5,1 triệu đơn vị và giảm 1,3% xuống 750 đồng/cq, theo sau là CVPB2314 giảm 2,4% xuống 410 đồng/cq, CHPG2325 giảm 8% xuống 230 đồng/cq, CSTB2310 giảm 9,5% xuống 380 đồng/cq, khớp từ 1,84 triệu đến 2,78 triệu đơn vị.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục