Cuộc đua phát triển xanh
Căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng là một trong 10 rủi ro hàng đầu vừa được Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group công bố trong báo cáo thường niên 2021.
Leon Levy, chuyên gia phân tích cao cấp tại Eurasia Group dự đoán, cạnh tranh Mỹ - Trung rất có thể leo thang trên mặt trận công nghệ xanh. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden, người dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới, luôn coi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên lớn.
"Chúng ta có thể chứng kiến cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trong lĩnh vực năng lượng xanh. Điều này mở ra một mặt trận hoàn toàn mới mà chúng ta chưa từng thấy dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump trong những năm qua", ông Levy nói thêm.
Báo cáo rủi ro thường niên được Eurasia Group công bố đầu tuần này đánh giá Trung Quốc nổi lên là quốc gia dẫn dắt trong cuộc đua phát triển năng lượng và công nghệ sạch, bao gồm pin, năng lượng mặt trời và gió. Bắc Kinh đã "ghi điểm ngoại giao nhân dân" và tìm cách vượt Mỹ ở lĩnh vực phát triển xanh bằng cam kết mục tiêu trung lập carbon vào năm 2060.
Trái lại, các vấn đề biến đổi khí hậu lại bị Mỹ gạt sang một bên dưới thời Tổng thống Donald Trump, rõ nhất là qua hành động rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, chính quyền Trump cũng thường xuyên phớt lờ những lo ngại về biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden lại cho thấy điều ngược lại khi dành ưu tiên cho những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
Eurasia Group dự đoán, Mỹ sẽ dành những khoản đầu tư lớn nhằm kéo các chuỗi cung ứng năng lượng về nước; tìm cách "làm xấu mặt" Trung Quốc vì những khoản đầu tư vào than đá ở nước ngoài; và tập hợp các đồng minh để gây áp lực lên Trung Quốc trong các vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng sạch.
Sẽ có "cuộc chiến ngoại giao"
Ngoài công nghệ xanh, việc ông Biden hướng đến mặt trận đa phương đối phó với Trung Quốc có thể làm tăng nhiệt căng thẳng Mỹ - Trung. Tổng thống đắc cử Biden cho biết ông sẽ tham vấn các đồng minh truyền thống của Mỹ tại châu Âu và châu Á để thúc đẩy "chiến lược nhất quán" về Trung Quốc. Điều này đối lập với nỗ lực đơn phương của Tổng thống Donald Trump khi theo đuổi quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Đổi lại, chiến lược của ông Biden sẽ tạo ra "những rạn nứt lớn hơn giữa Bắc Kinh và các đồng minh của Mỹ" và dẫn tới "cuộc chiến ngoại giao" giữa Mỹ va Trung Quốc, theo Eurasia Group.
Việc Mỹ tranh thủ các đồng minh cùng với cuộc cạnh tranh về công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu với Trung Quốc sẽ càng khiến căng thẳng dài hạn gia tăng, đồng thời làm phức tạp thêm quan hệ Mỹ - Trung.
Các chuyên gia Eurasia Group cho rằng, căng thẳng Mỹ - Trung vốn tăng nhiệt từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức năm 2017, vẫn sẽ "dữ dội" như năm 2020, cho dù Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức có thể giúp hai bên có thêm "khoảng thở".
Nhưng, nỗ lực của Mỹ để tranh thủ các đồng minh, ngoại giao vaccine và cạnh tranh công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ càng làm gia tăng căng thẳng dài hạn và làm phức tạp thêm quan hệ Mỹ - Trung.
"Bất động về thương mại song phương và công nghệ, vấn đề đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, vấn đề Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2021. Trong những bất đồng đó, rất có thể xuất hiện những tính toán sai lầm và leo thang", Eurasia Group cảnh báo.