Cạnh tranh giành “miếng bánh” thị phần camera giám sát: Doanh nghiệp nội cần liên minh, liên kết

0:00 / 0:00
0:00
Với quy mô dân số hơn 100 triệu người, thị trường camera giám sát tại Việt Nam là “miếng bánh” vô cùng hấp dẫn, nhưng hơn 90% đang ở trong tay doanh nghiệp ngoại. Để giành lại thị phần, doanh nghiệp Việt phải có hướng đi khác biệt và liên minh, liên kết với nhau.
Công ty Lumi Việt Nam xác định dựa vào công nghệ smarthome để cạnh tranh tại thị trường camera trong nước. Công ty Lumi Việt Nam xác định dựa vào công nghệ smarthome để cạnh tranh tại thị trường camera trong nước.

Tiềm năng từ thị trường 100 triệu dân

Báo cáo của Globe News Wire cho thấy, giá trị thị trường camera an ninh toàn cầu năm 2023 đạt khoảng 12,83 tỷ USD, dự báo năm 2032 đạt khoảng 41,32 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 13,9%.

Tại Việt Nam, nhu cầu camera rất lớn, ước đạt hơn 150 triệu chiếc, trong đó chiếm 40% là camera hạ tầng, 30% là camera thương mại, 20% là camera gia đình, còn lại là các loại khác. Tổng dung lượng thị trường có thể đạt được 100 - 150 triệu camera/năm, song Việt Nam hiện mới có khoảng 10 - 15 triệu camera. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 5 - 6 triệu camera, chủ yếu là camera gia đình và doanh nghiệp.

“Thị trường camera tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, với tốc độ khoảng 13 - 14%, trong đó camera gia đình tăng trưởng cao hơn, ở mức 17%. Hiện nay, năng lực của các nhà máy ước tính sản xuất được 2 - 2,5 triệu camera/năm... Thị trường thiết bị camera giám sát dành cho hạ tầng, doanh nghiệp và tổ chức chính phủ tại Việt Nam tương đối sơ khai, còn nhiều dư địa phát triển”, ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Pavana đánh giá.

Cũng theo ông Kiên, tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, năm 2023, quy mô thị trường camera Việt Nam đạt khoảng 175 triệu USD doanh thu. Trong đó, hai thương hiệu lớn nhất của Trung Quốc là Dahua, HikVision cùng các công ty con chiếm gần 90% thị phần; số còn lại chủ yếu là những tên tuổi nhỏ của Trung Quốc.

Trong bức tranh thị trường camera tại Việt Nam, thị phần camera gia đình chiếm đến 48% về doanh thu và khoảng 60% về số lượng sản phẩm lưu hành. Đại đa số camera được các hộ gia đình sử dụng là thiết bị giá rẻ, từ 200.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng/chiếc, được bán trôi nổi, trực tuyến.

Liên minh, liên kết để cạnh tranh

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, camera sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh về giá với camera nhập ngoại giá rẻ đang được bán tràn lan trên thị trường. Với lợi thế sản xuất số lượng lớn, có sự hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất camera Trung Quốc đã và đang đánh bại các nhà sản xuất nội địa tại nhiều quốc gia.

Ông Võ Đức Thọ, Tổng giám đốc Hanet Technology phân tích, sản phẩm của các doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc có giá rẻ vì họ sản xuất hàng triệu chiếc. Vì vậy, doanh nghiệp Việt phải có hướng đi khác biệt, như tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào camera, làm các nghiệp vụ mà các hãng nước ngoài chưa làm..., chứ không nên tìm cách cạnh tranh về giá với các nhà sản xuất Trung Quốc.

Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Lumi Việt Nam chia sẻ, Lumi dựa vào lợi thế cạnh tranh là công nghệ smarthome, đồng bộ giải pháp, còn việc cung cấp sản phẩm độc lập như camera cloud là rất khó.

“Khi làm giải pháp lớn, chi phí không thể rẻ. Nhưng nếu 10 công ty dùng chung, thì chi phí sẽ giảm nhiều. Thị trường Việt Nam còn rất lớn, làm sao để tối ưu chi phí, làm chủ công nghệ, cải thiện trải nghiệm cho người dùng? Các nhà sản xuất camera có thể thành lập liên minh để chiếm lĩnh thị trường”, ông Tuấn Anh khuyến nghị.

Viettel Telecom cũng chủ trương không cạnh tranh theo hướng bán camera đơn lẻ. Ông Nguyễn Đăng Triển, Giám đốc Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ số, Viettel Telecom cho biết, doanh nghiệp đã ban hành bộ chỉ tiêu kỹ thuật phần cứng camera để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Viettel cũng đã tích hợp cả phần cứng, ứng dụng phần mềm, lớp mạng và dịch vụ, bao gồm cả việc lưu trữ dữ liệu camera tại Việt Nam để bảo vệ người dùng…

“Với cách tiếp cận này, chi phí và giá thành sẽ cao hơn so với một số nền tảng toàn cầu mà họ quản lý số lượng camera lên tới hàng trăm triệu chiếc. Tôi cho rằng, để Viettel và các doanh nghiệp nội cạnh tranh được trên thị trường, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin, rất cần phải có bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản, thậm chí phải có quy chuẩn kỹ thuật để tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam”, ông Triển đề xuất

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Quý, Tổng giám đốc Vconnex chia sẻ, các doanh nghiệp nội địa tự chủ thường gặp nhiều thách thức trong cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên “sân nhà” nếu người tiêu dùng vẫn lựa chọn camera trôi nổi trên thị trường vì lý do giá rẻ. Do đó, theo ông Quý, cần phải có các chính sách hỗ trợ đủ mạnh để doanh nghiệp trong nước có thể tồn tại, trước khi tính đến chuyện “vươn ra biển lớn”.

“Trên thị trường Việt Nam và quốc tế, có những đơn vị rất mạnh về phần cứng hoặc nền tảng. Để hạ giá thành, chúng ta cần tạo liên minh và tận dụng, phát huy thế mạnh của nhau. Nếu mỗi đơn vị chỉ tập trung vào một mảng, thì nguồn lực rất hạn chế”, ông Quý phân tích.

Liên quan vấn đề này, đầu tháng 5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát.

Có thể thấy, cuộc cạnh tranh với sản phẩm camera ngoại nhập còn nhiều cam go với doanh nghiệp Việt Nam, kể cả khi có bộ tiêu chí, bộ tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho camera giám sát. Các doanh nghiệp Việt muốn đứng vững, ngoài liên minh, liên kết với nhau, sẽ phải hành động quyết liệt hơn nữa, đặc biệt, cần chú trọng yếu tố an ninh bảo mật và ứng dụng tính năng, công nghệ mới cho người dùng Việt Nam.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục