Nở rộ công nghệ livestream bán hàng

0:00 / 0:00
0:00
Ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang bước vào chu kỳ phát triển mạnh mẽ, với sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhãn hàng lớn.
Nở rộ công nghệ livestream bán hàng

Tới 2,5 triệu phiên livestream bán hàng mỗi tháng

Phiên livestream bán hàng của Tiktoker Quyền Leo Daily (vợ chồng Lã Quốc Quyền và Nguyễn Lan Anh) kéo dài từ 10 giờ sáng ngày 5/5 đến 24 giờ cùng ngày. Sau hơn 15 tiếng livestream bán hàng liên tục, cặp vợ chồng tuyên bố cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng. Với con số này, Quyền Leo Daily chính thức phá vỡ kỷ lục phiên livestream bán hàng 75 tỷ đồng thiết lập ngày 4/3 vừa qua cũng của cặp đôi này sau 13 tiếng. Đây là con số doanh thu lớn nhất một phiên livestream bán hàng ghi nhận được trên thương mại điện tử ở Việt Nam.

Trước đó, tháng 3/2024, “chiến thần livestream” Võ Hà có phiên bán hàng thu hút đến 80.000 lượt xem trực tuyến ở thời điểm cao nhất. Ước doanh số trong phiên này đạt hơn 20 tỷ đồng.

Hay như “chúa tể vạn đơn” Phạm Thoại livestream đã bán được gần 18.000 đơn hàng chỉ trong 6 tiếng…

Tại các sự kiện thương mại lớn từ đầu năm 2024 đến nay, livestream bán hàng cũng được áp dụng và thu được kết quả khả quan. Ví dụ như chương trình livestream bán hàng của chợ Bến Thành đạt doanh thu 4 tỷ đồng chỉ trong 5 ngày. Chương trình livestream bán hàng của sự kiện Xuân nghĩa tình đạt doanh thu 1,6 tỷ đồng chỉ trong 3 ngày. Hay cuối tháng 1/2024, Ngày hội mua sắm Tết TP.HCM - chợ Thủ Đức trực tuyến chốt được 17.000 đơn qua bán hàng livestream…

Năm 2023, trung bình người Việt dành đến 13 tiếng mỗi tuần để mua sắm qua các phiên livestream. Con số này cho thấy phương thức livestream đang dần trở nên quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt Nam. Hình thức bán hàng livestream được ưa chuộng nhờ mức độ dễ dàng tương tác với khách hàng. Người xem có thể biết thêm thông tin về chất liệu, tính năng, cũng như quan sát chi tiết về sản phẩm.

Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024, bà Lê Minh Trang, bộ phận nghiên cứu bán lẻ NielsenIQ cho biết, qua khảo sát của NielsenIQ Việt Nam, 64% người xem livestream được thúc đẩy mua hàng ngẫu hứng nhiều hơn bình thường, 78% khách hàng biết đến sản phẩm khi xem các buổi livestream bán hàng.

Thông tin từ AccessTrade Việt Nam cũng cho thấy, 3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.

Theo báo cáo Những xu hướng mới của người tiêu dùng Việt, do Cốc Cốc phát hành, có 77% người từng xem livestream bán hàng, 71% trong số đó đã mua hàng trong livestream. 67% người được hỏi thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981 - 1996) và 51% thuộc thế hệ Gen Z (1997 - 2012) cho biết, đã từng xem và mua hàng qua livestream. Đây cũng là lực lượng chính của xu hướng mua sắm này.

Doanh nghiệp, nhãn hàng ngày càng ưa chuộng livestream

Theo dự đoán của Nielsen, đến năm 2025, thế hệ Gen Z tại Việt Nam sẽ đạt gần 15 triệu người, chiếm 21% lực lượng lao động và hơn 30% lượng khán giả trực tuyến. Đây chính là đối tượng người dùng chủ đạo nhằm đẩy mạnh tiềm năng của các nền tảng livestream nói riêng, xu hướng thương mại giải trí nói chung có cơ hội bùng nổ hơn nữa. Các doanh nghiệp, nhãn hàng lớn đã nhận thấy tiềm năng, vai trò to lớn của kênh bán hàng này.

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), thương mại điện tử Việt Nam trong 10 năm qua đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ 16-30%/năm. Doanh thu bán lẻ năm 2023 tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD.

Ông Trần Lệ Nguyên, CEO Tập đoàn KIDO cho biết, trước đây KIDO chỉ bán trên kênh truyền thống, nhưng nay bắt đầu tập trung bán hàng livestream và lượng hàng bán trực tuyến đang tăng đáng kể, giảm bớt được những chi phí trung gian cũng như các chi phí logistics, marketing, sale… Các trang bán hàng điện tử thường tung ra rất nhiều voucher, có lợi cho người tiêu dùng. Tất cả những điều đó thu hút người tiêu dùng mua sắm qua kênh này.

“Gần đây, chúng tôi đã chuyển mạnh sang kinh doanh trực tuyến và hiện tại, doanh số bán hàng trực tuyến chiếm gần 70%. Trên nền tảng Shopee, doanh nghiệp của tôi đang đứng trong top 3. Hiện nay, dù tình hình kinh tế thế giới đang có những bất lợi, nhưng kênh thương mại điện tử vẫn tăng trưởng hàng năm 20-30%. Đây là xu thế không thể đảo ngược để tiếp cận người tiêu dùng, bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để bắt kịp nếu không muốn bị tụt hậu”, ông Nguyên chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Meet More Coffee, hiện livestream đã chiếm hơn 50% tổng doanh số Meet More. Qua kênh bán hàng livestream, doanh nghiệp còn giới thiệu được thương hiệu và chi tiết sản phẩm đến người dùng một cách gần gũi hơn mà lại ít tốn kém.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, thương mại điện tử đã phát triển sang giai đoạn mới, không chỉ khẳng định vai trò là kênh song song với các hoạt động thương mại truyền thống, mà ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn là kênh đầu tiên để đưa các sản phẩm ra thị trường, trước khi phát triển các kênh truyền thống. Nhiều doanh nghiệp đã coi các hoạt động kinh doanh online quan trọng hàng đầu để giao thương.

“Ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm thấy ở thương mại điện tử sự ưu việt và lựa chọn đây là kênh mua sắm thường xuyên. Người tiêu dùng có thể mua hàng một cách dễ dàng, thậm chí việc tương tác xem livestream và mua hàng với nhiều người như thời gian giải trí. Số người mua hàng trực tuyến là các bà mẹ bỉm sữa, bà nội trợ ngày càng tăng. Chính họ là những người quyết định chi tiêu chính trong gia đình, giúp doanh thu thương mại điện tử không ngừng tăng”, ông Dũng nói.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục