Cạnh tranh gay gắt giữa các siêu ứng dụng

0:00 / 0:00
0:00
Cuộc chiến giữa các siêu ứng dụng ngày càng khốc liệt khi Gojek lên kế hoạch ra mắt dịch vụ gọi xe 4 bánh và ví điện tử tại Việt Nam trong năm 2021.
Gojek sẽ ra mắt GoCar trong vài tháng tới Gojek sẽ ra mắt GoCar trong vài tháng tới

Gojek ra mắt dịch vụ mới tại Việt Nam

Đại diện của Gojek Việt Nam chia sẻ, hoạt động kinh doanh của Gojek tại Việt Nam hiện xoay quanh 3 trụ cột chính là vận tải, thực phẩm và thanh toán. Dịch vụ gọi xe 4 bánh và thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được bổ sung vào 3 trụ cột này trong năm 2021.

“Gojek đã có giấy phép kinh doanh dịch vụ gọi xe 4 bánh (GoCar) tại TP.HCM. Chúng tôi sẽ ra mắt GoCar trong vài tháng tới, đầu tiên là tại TP.HCM, tiếp đó là Hà Nội. Sau khi đã xây dựng nền tảng vững chắc ở hai thành phố này, chúng tôi sẽ mở rộng sang các thành phố khác. Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng sẽ được ra mắt trong năm nay”, vị đại diện này nói.

Theo ông Filippo Bortoletti, Giám đốc cấp cao Bộ phận Kinh doanh quốc tế tại Công ty Tư vấn đầu tư đa quốc gia Dezan Shira & Associates, việc Gojek ra mắt tính năng mới sẽ khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường Việt Nam gay gắt hơn. Cuộc cạnh tranh này có thể mang lại lợi ích cho người dùng trong ngắn hạn, khi các hãng giảm giá để thu hút khách hàng.

Cạnh tranh giành thị phần trong thị trường nhiều tiềm năng

Đối với các siêu ứng dụng, quy mô đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, các ứng dụng đang nỗ lực xây dựng nền tảng khách hàng để có thể cung cấp thêm nhiều dịch vụ trong tương lai. Trong trường hợp này, Gojek và Grab sẽ cố gắng giành giật khách hàng với các chương trình khuyến mãi, cũng như nỗ lực thu hút tài xế với chính sách hoa hồng hấp dẫn.

“Việc hợp tác với các công ty công nghệ khác có thể phá vỡ sự cân bằng giữa hai siêu ứng dụng, nhưng điều này khó xảy ra, vì Gojek và Grab đã cạnh tranh với nhau nhiều năm ở Đông Nam Á mà chưa đạt được lợi thế rõ ràng nào. Bên cạnh đó, thị trường ví điện tử cũng đã thay đổi. Hiện nay, Momo, Moca và ZaloPay chiếm 90% thị phần trong nước. Việc Gojek thâu tóm ví điện tử WePay có thể thay đổi thị phần dịch vụ gọi xe và giao thức ăn”, ông Bortoletti nói.

Ngành dịch vụ gọi xe của Việt Nam có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025 và là một trong những thị trường đặt xe phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Báo cáo Người tiêu dùng kết nối của Decision Lab cho thấy, ngành dịch vụ gọi xe của Việt Nam có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025 và là một trong những thị trường đặt xe phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Grab đang thống trị thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam, được sử dụng phổ biến tại các thành phố lớn. Gojek hiện là ứng dụng đặt xe phổ biến thứ hai tại TP.HCM, trong khi tại Hà Nội, vị trí này thuộc về Be.

Trong khi đó, báo cáo Ứng dụng di động 2021 của Appota cho thấy, các ứng dụng giao đồ ăn ngày càng phổ biến và tạo thành thói quen mới của người Việt, thay thế các hình thức đặt đồ ăn truyền thống. Theo báo cáo của Appota, năm 2020, tỷ lệ đặt đồ ăn qua ứng dụng di động bên thứ 3 đã đạt 82% so với con số 58% của năm 2018. Các ứng dụng giao hàng ăn đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại để thu hút người dùng với sự cạnh tranh tranh sôi động giữa các đối thủ như GrabFood, Now.vn, GoFood…

Một lĩnh vực mà các nền tảng này đang tập trung mở rộng là dịch vụ ví điện tử. Tuy nhiên, thị trường này đã khá đông đúc, với 37 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 34 ví điện tử. Tuy nhiên, theo Appota, tiềm năng của thị trường còn rất lớn, bởi tổng giá trị giao dịch qua thanh toán kỹ thuật số dự kiến đạt 26,37 triệu USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng 15,02%/năm.

Đại diện của Gojek Việt Nam cho biết, mọi người đã quen với cuộc sống trong thời đại dịch với dịch vụ trực tuyến ngày càng phổ biến. Cụ thể, đại dịch đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số Đông Nam Á, với khoảng 36% người tiêu dùng mới sử dụng dịch vụ trực tuyến trong đại dịch Covid-19 (báo cáo của Google, Temasek e-Conomy, tháng 11/2020), trong đó, 94% có ý định tiếp tục gắn bó với dịch vụ trực tuyến sau đại dịch. Trong số các nước Đông Nam Á, nền kinh tế số của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số.

“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng rất lớn ở Việt Nam, với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh trên 60% ở cả Hà Nội và TP.HCM, trong khi tỷ lệ sử dụng dịch vụ xe 4 bánh chỉ trên 30% ở TP.HCM và 10% ở Hà Nội. Đặc biệt, sau Covid-19, thị trường gọi xe 4 bánh sẽ được thúc đẩy vì Việt Nam có dân số đông, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng và khách hàng đang có xu hướng dịch chuyển từ gọi xe 2 bánh sang 4 bánh”, đại diện của Gojek nói.

Rõ ràng, việc ra mắt các dịch vụ mới không quá bất ngờ đối với các nền tảng ứng dụng. Trong tháng 1/2021, Be Group phối hợp cùng VPBank ra mắt ngân hàng số Cake, tích hợp trên ứng dụng Be.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO của Be Group chia sẻ, một trong những điểm phân biệt Be Group với các siêu ứng dụng khác là việc định vị công ty là một nền tảng mở. Be Group muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ di động (MaaS) và đang tích cực xây dựng quan hệ hợp tác với các công ty khác nhau để cùng phát triển hệ sinh thái của Be.

Đến nay, Be Group cung cấp hơn 10 dịch vụ, như gọi xe, giao hàng, giao thức ăn…

Theo chuyên gia của Dezan Shira & Associates, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của các siêu ứng dụng. Việt Nam có thể đang trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng thanh toán số. Là một quốc gia ứng dụng smartphone nhanh nhất khu vực, 51 triệu người dân không còn xa lạ với công nghệ số và có thể sử dụng dịch vụ của các nền tảng này bất kỳ lúc nào.

Thành Vân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục