Grab, Gojek, Now, BaeMin cám dỗ giới trẻ... ở nhà cũng có ăn

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam đang phát triển đến độ “hái trái ngọt”, nên các tay chơi không ngần ngại dốc tiền đầu tư, dù cạnh tranh khốc liệt khiến một số tên tuổi phải chia tay.
Ứng dụng giao đồ ăn đã trở nên quen thuộc với cuộc sống hiện đại, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Ứng dụng giao đồ ăn đã trở nên quen thuộc với cuộc sống hiện đại, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Rẻ, nhanh, lợi nhuận tăng

Giới trẻ Việt Nam giờ không còn mặn mà với việc tới nhà hàng. Thay vào đó, họ gọi đồ ăn qua mạng với mức giá rẻ hơn và chỉ cần ngồi nhà đợi thức ăn tới.

Lê Linh San, 20 tuổi, sinh viên Trường đại học Công Đoàn (Hà Nội) thường xuyên sử dụng smartphone để đặt món bánh mỳ Bmore Quạc Quạc ở cửa hàng gần nhà với giá 25.000 đồng/chiếc qua ứng dụng NowFood. Vì đây là một trong những địa điểm hợp tác với Now, nên San mất ít phí dịch vụ hơn (hoặc được miễn phí) và được hưởng nhiều ưu đãi khi đặt hàng.

“Đó là cách để tôi sống khá thoải mái với số tiền bố mẹ cho chi tiêu hàng tháng, mà vẫn được thưởng thức món ăn đang ‘hot’ đối với giới trẻ”, San nói. Cô khẳng định, mình khó có thể cưỡng lại sự cám dỗ của dịch vụ gọi đồ ăn, ngay cả khi có thể chạy ra ngay đầu ngõ để mua một chiếc bánh mỳ pate truyền thống.

Cũng nhờ có ứng dụng Now, việc đảm bảo duy trì kinh doanh trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp không còn là nỗi lo của các chủ quán.

“Doanh thu chúng tôi nhận được từ việc giao nhận thức ăn qua Now tăng trưởng hơn 20% và lượng đơn hàng tăng gần 30% so với trước Tết”, chủ tiệm Bánh mì Minh Nhật (Hà Nội) cho hay.

Tương tự, việc phối hợp cùng dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến và giao nhận như Now giúp một start-up non trẻ trong ngành dịch vụ ăn uống là Long Kee Cha tiếp cận nguồn khách hàng ẩm thực tiềm năng tại TP.HCM một cách nhanh chóng… Nhờ đó, doanh thu của Long Kee Cha tăng trưởng hơn 30% so với thời điểm chỉ tập trung bán tại cửa hàng.

Giờ đây, ứng dụng giao đồ ăn đã trở nên quen thuộc với nhiều người, từ giới trẻ, học sinh, sinh viên, tới dân văn phòng hay các bà nội trợ.

Trước khi Covid-19 bùng phát, dịch vụ giao đồ ăn qua ứng dụng thứ ba là một khái niệm chưa phổ biến với người Việt. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng. Trong năm 2020, lượng người sử dụng dịch vụ này thường xuyên đạt tới 80%, trong khi năm 2016 chỉ có 20%.

Đặc biệt, sự xuất hiện dày đặc của các ứng dụng đặt đồ ăn trên smartphone đã khiến cách sử dụng dịch vụ này có sự thay đổi. Trong khảo sát của QandMe (năm 2020), tỷ lệ đặt đồ ăn qua bên ứng dụng thứ ba đạt 82% (năm 2018 chỉ là 58%). Hình thức gọi điện trực tiếp để đặt hàng đã không còn phổ biến, khi sụt giảm từ 71% xuống còn 23%.

Mảng giao đồ ăn trực tuyến ở Việt Nam chủ yếu phát triển tại Hà Nội và TP.HCM (với tổng dân số khoảng 17 triệu người). Thị trường đang rất sôi động với sự cạnh tranh của nhiều đối thủ lớn, như: Now.vn, LoShip, BaeMin.... Cả 2 “ông lớn” trong mảng đặt xe trực tuyến như Grab, Gojek năm 2020 cũng mở rộng mảng dịch vụ sang giao nhận đồ ăn với tiện ích GrabFood và GoFood.

Người hào hứng gia nhập, kẻ ngậm ngùi chia tay

Có mặt tại 16 tỉnh, thành phố và kết nối hàng trăm ngàn địa điểm, NowFood (thuộc Foody) đã trở thành ứng dụng giao thức ăn theo yêu cầu khá phổ biến ở thị trường Việt Nam. Đầu tháng 4 vừa qua, tên tuổi này đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong năm 2021. Thông qua các đơn đặt hàng của người dùng, chỉ trong vòng 24 giờ, NowFood đã có gần 1 triệu món ăn và thức uống được đặt qua ứng dụng Now và Shopee. Cũng có thể, sức hút của NowFood đến từ chương trình siêu giảm giá 50% của hơn 500 nhà hàng, quán ăn góp mặt trên ứng dụng.

NowFood là một trong những tên tuổi đầu tiên của Việt Nam gia nhập thị trường gọi đồ ăn trực tuyến, nên khá tự tin về độ am hiểu nhu cầu và thói quen của khách hàng.

Nhìn lại hành trình của ứng dụng này, có thể thấy, để có được kết quả hiện tại không hề đơn giản.

Khi Grab và Gojek tham gia thị trường Đông Nam Á với tham vọng trở thành siêu ứng dụng, Foody cũng có tầm nhìn tương tự. Trải qua nhiều lần gọi vốn thành công triệu USD, Foody lọt vào “tầm ngắm” của Tập đoàn Sea Limited (Singapore) - một trong những start-up kỳ lân đầu tiên của Đông Nam Á. Sau đó, Sea trở thành nhà đầu tư của Foody ở vòng Series B, với mức giá 64 triệu USD cho 82% cổ phần.

Mặc dù hai bên không lên tiếng xác nhận với giới truyền thông, nhưng trong hồ sơ IPO của Sea ghi rõ, Tập đoàn hướng tới việc theo đuổi những khoản đầu tư chiến lược và cơ hội thâu tóm để tăng lượng người dùng, tăng cường sự thâm nhập thị trường và mở rộng mạng lưới cung cấp, bao gồm dịch vụ và sản phẩm bổ sung.

Tháng 7/2017, Sea đã hoàn tất thương vụ mua lại cổ phần kiểm soát tại một công ty cung cấp nền tảng trực tuyến cung cấp dịch vụ đánh giá, đặt và vận chuyển đồ ăn tại Việt Nam.

Những người trong ngành đều biết, Sea gia nhập lĩnh vực đồ ăn tại Việt Nam với mục đích mở rộng đối tượng người dùng cho mảng thanh toán AirPay của mình. Hơn thế, Now có thể có tiềm năng mở rộng sự cung cấp của Sea và cơ sở người dùng ở Đông Nam Á.

Song, Grab và Gojek đã nhanh chóng thống trị mảng gọi đồ ăn ở Đông Nam Á cũng như ở Việt Nam. Không chỉ đối đầu với hai tên tuổi sừng sỏ là Grab và Gojek, Now còn vấp phải sự cạnh tranh của đối thủ đến từ Hàn Quốc đã và đang đầu tư rất mạnh.

Woowa Brothers Corp - start-up kỳ lân tại Hàn Quốc (cung cấp dịch vụ giao thức ăn hàng đầu tại Hàn Quốc có tên là Baedal Minjok) đã tham gia thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam bằng việc mua lại công ty giao đồ ăn Vietnammm.

Sau khi về tay Woowa Brothers Corp, giữa năm 2019, Vietnammm khoác lên mình “chiếc áo mới” mang tên BaeMin. Với tiềm lực tài chính lớn từ việc kêu gọi đầu tư, nền tảng công nghệ và kinh nghiệm hơn 8 năm trong lĩnh vực giao đồ ăn của Woowa Brothers, BaeMin được đánh giá là một ứng dụng tiềm năng mà các đối thủ tại thị trường Việt Nam như GrabFood, Now... phải dè chừng và lo lắng, bởi dịch vụ này kể từ khi ra mắt đã có sẵn tệp khách hàng lớn từ Vietnammm.

Trong khi rất nhiều tên tuổi bằng mọi cách “nhảy” vào thị trường giao đồ ăn trực tuyến để giành miếng bánh thị phần, thì ở chiều ngược lại, cũng đã có một số ứng dụng phải chủ động rút lui, như LalaFood của Lalamove.

Lalamove được hình thành từ một công ty tại Hồng Kông sau khi nhận gói đầu tư có giá trị khoảng 100 triệu USD và đã có mặt tại Trung Quốc cũng như các nước Đông Nam Á. Đi vào hoạt động tại Việt Nam từ cuối tháng 10/2017, ứng dụng này cũng từng thu hút được đông đảo tài xế tham gia.

Tuy nhiên, chỉ hơn 1 năm sau, không thể cạnh tranh lại các đối thủ lớn, Lalamove biến mất khỏi thị trường và không có bất kỳ thông báo nào về việc gián đoạn dịch vụ, bảo trì hệ thống hay tạm ngưng dịch vụ...

Chi đậm cho khuyến mại để giành thị phần

Việt Nam đang là nước có tốc độ tăng trưởng mảng dịch vụ gọi xe (bao gồm cả giao đồ ăn) đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á và dự kiến, quy mô thị trường này sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào năm 2025.

“Miếng bánh rất hấp dẫn, nhưng không hề dễ xơi. Yêu cầu đặt ra cho các ứng dụng là phải tăng lượng đặt hàng và giảm chi phí. Đơn vị nào giao hàng nhanh nhất, có nhiều khuyến mãi nhất và nhiều thực đơn phong phú nhất sẽ thắng trong cuộc đua giành thị phần này”, một chuyên gia trong ngành nhấn mạnh.

Các tay chơi trên thị trường có thể đều đang chi đậm trong cuộc chiến khuyến mại để giành thị phần, thậm chí để triệt hạ đối thủ.

Bài học về “ông lớn” Meituan của Trung Quốc vẫn còn đó. Nền tảng trực tuyến cung cấp đa dịch vụ theo yêu cầu và cũng là ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất nước này đang đối mặt với nhiều rắc rối.

Chẳng hạn, Cơ quan Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Meituan. Động thái này là một phần của chiến dịch kiểm soát sức ảnh hưởng ngày càng mạnh của các “ông lớn” công nghệ như Alibaba, Tencent, Meituan ở mọi khía cạnh đời sống hàng ngày cũng như sự bóp nghẹt cạnh tranh mà họ tạo ra, khiến các đối thủ nhỏ hơn và người tiêu dùng bị thiệt hại. Các tên tuổi này đang sở hữu khối lượng dữ liệu khổng lồ mà họ tích lũy được thông qua việc cung cấp các dịch vụ như mua sắm, chat, gọi xe trực tuyến, giao đồ ăn, thanh toán…

Trong đó, Meituan bị các đối thủ, bên bán hàng và bên cung cấp dịch vụ thứ 3 chỉ trích về những hành vi o ép thái quá, như ép ký thỏa thuận độc quyền, thu phí hoa hồng quá cao đối với các nhà hàng trong đại dịch Covid-19, các tài xế có thể nguy hiểm tính mạng khi họ phải chạy đua đáp ứng thời hạn giao đồ ăn nghiêm ngặt của Meituan. Thậm chí, Meituan cũng bị phạt tiền vì giảm giá bán quá mức để mở rộng mảng kinh doanh mua chung trực tuyến.

Vậy nên, giới chuyên môn cho rằng, các tay chơi trên thị trường Việt Nam dù có “hốt bạc” trong thời điểm này, hay được “chống lưng” bởi ông lớn ngoại, cũng phải tính đến màn “hạ cánh” an toàn.

Be quyết định đứng ngoài “cuộc chơi”

Trong khi không ít tên tuổi tìm đường vào thị trường giao đồ ăn, thì Be - ứng dụng của doanh nghiệp trong nước đang đứng top 3 trên thị trường gọi xe công nghệ - lại quyết định đứng ngoài “cuộc chơi”, vì nhìn thấy mức độ cạnh tranh trong mảng này quá khốc liệt. Năm 2019, sau 6 tháng rục rịch chuẩn bị cho ra mắt ứng dụng beFood, Be quyết định dừng lại, tập trung toàn lực vào mảng vận tải để “đấu” với Grab và Gojek.

Hành động này của Be được đánh giá là khá sáng suốt.

Mặc dù đại diện Công ty khẳng định, Be có nhiều cơ hội trong mảng giao thực phẩm, nhưng có thể thấy, nếu dàn nguồn lực cho mảng này, rủi ro đánh mất vị thế ở mảng gọi xe cao hơn và Be sẽ không thể nhận về kết quả tốt ở cả 2 lĩnh vực.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục