Căng thẳng vì tăng trưởng huy động chậm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu hết các ngân hàng thương mại niêm yết đều ghi nhận tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) tính đến cuối quý III/2022 tăng vọt so với cuối năm 2021.
Nhiều ngân hàng đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng để thu hút dòng tiền Nhiều ngân hàng đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng để thu hút dòng tiền

Tỷ lệ LDR gần chạm trần

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10/2022 đạt 11,5% so với cuối năm 2021.

Trước đó, tính đến cuối tháng 9, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 11,05%, còn tốc độ tăng trưởng huy động là 4,6%.

Tình trạng tốc độ tăng trưởng huy động chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng đã diễn ra từ giữa năm 2021, khi dòng vốn dân cư chảy vào hai kênh đầu tư có mức sinh lời hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm là thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Thậm chí, dư nợ huy động từ dân cư của các ngân hàng thương mại có thời điểm tăng trưởng âm.

“Khi tín dụng lấy lại đà tăng trưởng từ cuối năm 2021 đến giữa năm 2022 do các doanh nghiệp tái khởi động các hoạt động mở rộng sản xuất - kinh doanh, nguồn vốn huy động từ dân cư lập tức thiếu hụt, gây ra căng thẳng thanh khoản. Điều này cũng phần nào lý giải nguyên nhân của việc lãi suất huy động tăng mạnh trong thời gian vừa qua”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định.

Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới chia sẻ, tăng trưởng tín dụng trong tháng 10/2022 so với cùng kỳ năm ngoái là 16,5%, hạ nhiệt sau khi đạt mức tăng kỷ lục 16,9% trong tháng 9 (so với cùng kỳ). Tốc độ tăng giảm xuống là do tác động của việc Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10, mỗi lần 1%, dẫn tới lãi suất huy động và cho vay tăng lên.

“Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đạt kỷ lục mới ở mức bình quân 5,8%/năm trong tháng 10 so với 4,9%/năm trong tháng 9/2022, cao hơn nhiều so với mức 0,65%/năm trong năm trước đó. Lãi suất cũng biến động mạnh hơn, dao động từ mức đáy 3,1%/năm lên mức đỉnh 8,4%/năm trong tháng 10”, Ngân hàng Thế giới cho biết.

Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo tỷ lệ LDR không quá 85%, trong đó, tổng tiền gửi bao gồm huy động trên thị trường 1 (giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và dân cư) và một phần trên thị trường 2 (liên ngân hàng, tức giao dịch giữa các định chế tài chính hoặc giữa Ngân hàng Nhà nước với các định chế tài chính). Do đó, một số ngân hàng có thế mạnh trên thị trường liên ngân hàng (đặc biệt là có các nguồn vốn từ ngân hàng nước ngoài) có tỷ lệ LDR theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN thấp hơn tỷ lệ LDR chỉ tính riêng thị trường 1 (còn gọi là LDR thông lệ).

Một chuyên gia kinh tế cho hay, tỷ lệ LDR trong báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết đạt trung bình 93,8% tính đến cuối quý III/2022. Tỷ lệ này tăng liên tục từ đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt từ đầu năm 2022 đạt trên 90%. Do đó, những căng thẳng về huy động vốn để hạ tỷ lệ LDR ở các ngân hàng thương mại là có cơ sở.

Vị chuyên gia kinh tế nhận xét, tỷ lệ LDR của các ngân hàng tính theo thông lệ là cao (đa phần vượt mức 85%), đặc biệt ở Techcombank và VPBank. Tuy nhiên, 2 ngân hàng này nhận được các khoản vay từ ngân hàng nước ngoài, sẽ được tính vào LDR theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, trong khi gần đây có động thái tăng lãi suất huy động để làm giảm tỷ lệ LDR theo thông lệ.

Một báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố nhận định, diễn biến lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại cổ phần còn phức tạp khi thanh khoản dài hạn trên hệ thống chưa có nhiều cải thiện. Bên cạnh việc đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng để thu hút dòng tiền, không ít ngân hàng lớn tiếp tục tăng lãi suất cho tiền gửi không kỳ hạn lên mức trần quy định 1%/năm như Techcombank hay VPBank. Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã cao hơn vùng trước dịch Covid-19 và cao hơn 3 - 4%/năm so với cuối năm 2021.

Căng mình quản trị rủi ro

Tình trạng tốc độ tăng trưởng huy động chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng kéo dài từ giữa năm 2021 đến nay.

Theo bà Hiền, hầu hết các ngân hàng thương mại niêm yết đều ghi nhận tỷ lệ LDR cuối quý III/2022 tăng vọt so với cuối năm 2021. Nếu chỉ xét LDR theo thông lệ quốc tế (khác với cách tính theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, bao gồm một phần của tiền gửi liên ngân hàng), thì chỉ số này ở 13/15 ngân hàng niêm yết lớn nhất đều ghi nhận trên 100%, cao hơn mức trung bình 95% cuối năm 2021.

Bà Hiền chia sẻ, nếu ước tính của VNDIRECT (không hoàn toàn chính xác, vì một vài số liệu không được ngân hàng công bố chi tiết) thì hiện tại, tỷ lệ LDR theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN đa phần ở dưới mức trần quy định là 85%. Tuy nhiên, các ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao trong 9 tháng đầu năm 2022 đều đang có LDR xấp xỉ ngưỡng này, từ 83 - 84%. Có nghĩa là, dù hạn mức tăng trưởng tín dụng có được nới trong thời gian tới, thì các ngân hàng cũng khó cho vay thêm, nếu như không đẩy mạnh huy động, nhằm đảm bảo tỷ lệ thanh khoản.

“Tất nhiên, đẩy mạnh huy động thì lãi suất sẽ khó lòng bình ổn”, bà Hiền nhấn mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định: “Trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng sẽ không tập trung vào tăng trưởng dư nợ, mà tập trung vào quản trị rủi ro và cho vay các lĩnh vực ưu tiên”.

Được biết, SeABank vừa huy động thành công vốn từ Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) với khoản vay trị giá 200 triệu USD.

Trước đó, VPBank ký kết thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD từ 5 định chế tài chính lớn bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. - thành viên của Tập đoàn Ngân hàng đầu tư Maybank.

Khoản vay quốc tế nói trên là nguồn vốn được VPBank huy động thành công thứ 2 trong năm 2022, sau khi được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD vào tháng 4 từ các định chế tài chính lớn của châu Á như SMBC, Maybank, Ngân hàng Cathay United Bank, Ngân hàng CTBC, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.

“Nhờ chủ động đa dạng hóa nguồn vốn cả trong và ngoài nước, VPBank luôn không ngừng củng cố tiềm lực tài chính vững mạnh, đáp ứng được nhu cầu tín dụng gia tăng của khách hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư và phát triển”, một lãnh đạo cao cấp VPBank cho biết.

Tương tự, VIB đã nhận khoản vay trị giá 150 triệu USD từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC).

“Việc IFC tiếp tục giải ngân một khoản vay với kỳ hạn lên đến 5 năm cho VIB cho thấy sự tín nhiệm của đối tác dành cho Ngân hàng. Nguồn vốn từ khoản vay mới sẽ được bổ sung vào cơ cấu vốn của Ngân hàng, được sử dụng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tăng cường sự ổn định trước biến động của thị trường”, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB nói.

VIB vừa lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên 30%. Hiện tại, Commonwealth Bank of Australia là cổ đông chiến lược nước ngoài lớn nhất, nắm giữ khoảng 20% vốn của VIB kể từ năm 2010.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục