Thế giới hiện tồn tại ba thị trường khí đốt hóa lỏng chủ chốt là châu Âu, Mỹ và châu Á. Mỗi thị trường đều có đặc tính riêng, nhưng sự liên kết giữa chúng là rất chặt chẽ. Khi một thị trường chao đảo thì tác động của nó có thể lan rộng ra quy mô toàn cầu.
Theo phân tích từ Energy Aspects, giá LNG tại thị trường Đông Bắc Á (chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc) đã giảm trung bình trên 50% trong năm nay, xuống chỉ còn 7-8 USD/1 triệu BTU (khoảng 28,6m3), dù mức giá này đã phục hồi phần nào trong quý IV, trong bối cảnh rất nhiều công ty vẫn đang khởi động các dự án LNG mới trên toàn thế giới.
Nhu cầu khí đốt hóa lỏng trên thế giới hiện đang chững lại và tại một số thị trường chủ chốt, trong đó có Nhật Bản, thậm chí đang bắt đầu giảm.
Công nghệ hóa lỏng phức tạp nên đồng nghĩa rằng, mỗi dự án đều rất đắt đỏ, kinh phí ít nhất thường là 5 tỷ USD hoặc hơn thế nữa. Dù hàng chục dự án đã bị hủy bỏ, song vẫn còn rất nhiều kế hoạch phát triển LNG đang được ồ ạt triển khai. Một khi dự án khởi động, sẽ rất khó để các công ty rút lại các quyết định đầu tư. Kết quả là, theo thống kê của Liên minh Khí đốt thế giới, 40% sản lượng khí đốt hóa lỏng (khoảng 128 triệu tấn/năm) sẽ được bổ sung ra thị trường thế giới trong vài năm tới.
Chỉ riêng tại Úc, 7 nhà máy LNG mới dự kiến được xây dựng trong vòng 2 năm tới, sẽ đẩy lượng sản phẩm khí xuất khẩu tăng gấp 4 lần. Bên cạnh đó, lượng khí đốt hóa lỏng mà Mỹ dự tính xuất khẩu, bắt đầu với Nhà máy Sabine tại bang Louisiana được khởi động đầu năm tới, sẽ càng khiến thị trường rơi vào tình trạng dư cung và đe dọa tạo ra những bất ổn mới.
Trên thực tế, nhu cầu khí đốt hóa lỏng trên thế giới hiện đang chững lại và tại một số thị trường chủ chốt, trong đó có Nhật Bản, thậm chí đang bắt đầu giảm. Hàng loạt khách hàng nắm giữ các hợp đồng mua dài hạn đang tìm cách bán bớt số đơn hàng, dẫn đến giá mặt hàng này ngày càng tụt dốc.
Tới năm 2019, nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ cung cấp thêm 55 tỷ foot khối khí đốt (tương đương 1,54 tỷ m3) thông qua hệ thống đường ống dẫn Nordstream 2 tới thị trường châu Âu, nơi nhu cầu tiêu thụ cũng đang có xu hướng giảm dần trong bối cảnh các nguồn năng lượng tái tạo được trợ giá dần tăng thị phần.
Nhìn xa hơn nữa, sau năm 2020, Iran cũng là quốc gia đang tìm kiếm thị phần trên thị trường LNG nhằm khai thác tối đa nguồn lực cơ sở khí đốt tự nhiên chi phí thấp của mình, tương tự như Turkmenistan và Úc.
Trong bối cảnh giá than đá đang giảm và khí đốt đang phải cạnh tranh với các sản phẩm năng lượng khác trên cả phương diện sản xuất điện và khu vực công nghiệp, đặc biệt tại các nước đang phát triển, sẽ không khó để dự đoán giá LNG sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm một vài năm tới.
Khách hàng sẽ là người được hưởng lợi khi giá giảm. Tuy nhiên, ai sẽ là người chịu thua thiệt?
Trước hết, đó sẽ là chủ sở hữu các dự án LNG bị trì hoãn hoặc vẫn trong giai đoạn phát triển. Tiềm năng bùng nổ kinh tế từ sự phát triển khí đốt tại khu vực Đông Phi, đặc biệt là Tanzania và Mozambique vẫn còn xa vời. Một số dự án khác như mỏ khí đốt ngoài khơi Israel thì lại có chi phí phát triển cao và rơi vào tình trạng đình trệ.
Tiếp đó sẽ là đối thủ cạnh tranh với khí đốt hóa lỏng. Trong một thời gian dài, giá than đá và khí đốt hóa lỏng rẻ sẽ khiến năng lượng tái sinh trở nên đắt đỏ hơn. Thị trường mua bán khí thải CO2 qua đó sẽ càng có cơ hội mở rộng và đẩy các nhà phát triển năng lượng sạch vào vị thế cạnh tranh bám đuổi với khí đốt hóa lỏng giá rẻ.
Cuối cùng, đối tượng thua thiệt nhất sẽ là những hãng đầu tư quá nhiều với tham vọng chờ đợi vào sự bùng nổ của kỷ nguyên khí đốt, trong đó đáng chú ý nhất là Tập đoàn Shell, hãng sở hữu thị phần đáng kể và các cơ sở khí đốt sẽ hoạt động trong 5 năm tới.
Bên cạnh đó, Shell còn hoàn tất thương vụ mua lại BG với giá 70 tỷ USD, qua đó trở thành tập đoàn khí đốt đa quốc gia lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trạng thái ảm đạm của thị trường LNG hiện nay đồng nghĩa với việc cổ phiếu của Shell có nguy cơ xuống giá mạnh trong những năm tới.