Doanh nghiệp niêm yết tỏa sáng tại Sao Vàng Đất Việt
Ngày 4/10/2015, Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình ngập tràn trong hoa chúc mừng cho các doanh nghiệp đạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, giải thưởng vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam trong hội nhập. Tiêu chí xem xét lựa chọn doanh nghiệp đạt giải về phát triển bền vững, có trách nhiệm cao đối với cộng đồng dựa trên các tiêu chí như: thành tích của doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh và hoạt động xã hội, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng, giá cả cạnh tranh có thể so sánh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế; công nghệ môi trường phù hợp với các yêu cầu trong nước và quốc tế…
Theo đó, ngoài việc xem xét các yếu tố liên quan đến sự cải thiện về các chỉ số doanh thu, lợi nhuận, các doanh nghiệp có thương hiệu đoạt giải đều được xem xét các yếu tố khác như: tầm nhìn, chiến lược kinh doanh; chiến lược sản phẩm và kế hoạch phát triển thương hiệu phù hợp với bối cảnh mới khi Việt Nam gia nhập các cộng đồng kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Tại Lễ trao giải, những số liệu được ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cung cấp cũng cho thấy sức vóc của các doanh nghiệp nhận giải thưởng năm nay. Theo đó, 200 doanh nghiệp nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2015 đã tạo ra trên 839.000 tỷ đồng doanh thu, nộp ngân sách trên 91.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 252.000 lao động. Trong số này, riêng Top 10 thương hiệu tiêu biểu có tổng doanh thu đạt 232.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 26.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 65.000 lao động.
Điểm ấn tượng đối với công chúng đầu tư là gần 1/3 trong tổng số 200 doanh nghiệp đạt giải thưởng năm nay là các doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, trong số 10 doanh nghiệp nhận giải cao nhất, có sự góp mặt của 7 doanh nghiệp niêm yết, đều là những cái tên quen thuộc với thị trường như: Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI), CTCP FPT, Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG), Tập đoàn Vingroup (VIC).
Ngoài các doanh nghiệp thuộc Top 10, rất nhiều cái tên quen thuộc trên TTCK cũng được vinh danh trong lần này. Ở hầu hết các lĩnh vực được vinh danh, các doanh nghiệp niêm yết đều có những đại diện, trong đó, lĩnh vực dược có CTCP Dược phẩm OPC (OPC); ngành đường có CTCP Đường Biên Hòa (BHS), CTCP Đường Ninh Hòa (NHS), CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT); lĩnh vực xây dựng bất động sản có CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC), CTCP Công trình ngầm Fecon (FCN), CTCP Sông Đà 6 (SD6), CTCP Tập đoàn FLC, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR), CTCP Địa ốc Đất Xanh (DXG), CTCP CEO, CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH)…; lĩnh vực ngân hàng - tài chính – bảo hiểm - đầu tư có Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI), CTCP FIT (F.I.T), CTCK Bảo Việt (BVSC)…
Xem xét trong mối tương quan với số lượng doanh nghiệp niêm yết trên 2 sở GDCK hiện là hơn 700 doanh nghiệp, chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước thì việc chiếm tới gần 1/3 số doanh nghiệp đạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt cho thấy quy mô, sức vóc và cả sự minh bạch của các DN niêm yết trong nền kinh tế.
Càng minh bạch, DN càng tỏa sáng
Phát biểu tại Lễ trao giải thưởng Sao Vàng Đất Việt năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các doanh nghiệp đoạt giải thưởng các năm qua đều đã có những kết quả kinh doanh đáng tự hào và thương hiệu mạnh không ngừng vươn ra thế giới.
Thế nhưng, Sao Vàng Đất Việt lại vắng bóng nhiều thương hiệu có tên tuổi lớn của Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân của sự vắng mặt này, trong đó có thể có nguyên nhân từ việc các doanh nghiệp này không nộp hồ sơ tham gia dự thi, nhưng trong một số tình huống, lại đến từ việc doanh nghiệp không đủ minh bạch thông tin.
Trao đổi bên lề, một thành viên của đoàn thẩm định giải thưởng Sao Vàng Đất Việt cho biết, có một số doanh nghiệp mấy năm nay vẫn đều đặn nộp hồ sơ cho Ban tổ chức, nhưng đều bị loại ngay từ vòng đầu vì số liệu doanh thu, lợi nhuận quá nhỏ, trong khi thương hiệu được biết đến khắp trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp nói trên đều có đặc điểm chung là… chưa niêm yết.
“Dường như khi chưa niêm yết, doanh nghiệp dù hoạt động khá mạnh nhưng hạch toán doanh thu và lợi nhuận thấp. Nói họ trốn thuế thì có vẻ quy kết, nhưng rõ ràng, rất khó để tin tưởng vào kết quả kinh doanh các doanh nghiệp này, khi đi đâu cũng thấy sản phẩm của họ được bày bán và một số thị trường nước ngoài còn rất ưa chuộng nữa”, vị này nói.
Theo vị này, có sự khác biệt khá lớn trong quá trình thẩm định thông tin các doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết. Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đều công khai mọi thông tin về hoạt động, chiến lược phát triển, sổ sách giấy tờ về tài chính cũng khá rõ ràng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết thậm chí đến hệ thống sổ sách kế toán cũng không được cung cấp đầy đủ. Các tài liệu liên quan đến tình hình hoạt động của công ty thậm chí còn tệ hơn nữa.
Có lẽ, đây là lý do khiến tình trạng một số “ông lớn” trên thị trường vắng bóng trên sân khấu trao giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, nhưng không ít doanh nghiệp niêm yết có quy mô hoạt động còn khá nhỏ, hoạt động trong khu vực với sức lan tỏa không quá lớn vẫn được vinh danh.
Dữ liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2014, tăng trưởng bình quân GDP Việt Nam đạt 5,48%/năm, nhưng trên 600 doanh nghiệp niêm yết đạt mức tăng trưởng bình quân gần 10%/năm về doanh thu, hơn 20% về lợi nhuận. Đặc biệt, trong quý II/2015, số liệu thống kê của CTCK Đệ Nhất lại cho thấy một bức tranh tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm công ty niêm yết, khi 581 ghi nhận mức tăng 9% về doanh thu so với cùng kỳ, tăng 63% về lợi nhuận so với cùng kỳ quý 2/2014.
Niêm yết trên thị trường chứng khoán không chỉ là câu chuyện đưa cổ phiếu lên sàn để phục vụ cho thanh khoản đồng vốn nhà đầu tư, hay mục tiêu huy động vốn của doanh nghiệp, mà đang góp phần mạnh mẽ vào công cuộc minh bạch hóa tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Và với việc thực hiện quản trị và công bố thông tin minh bạch, doanh nghiệp không chỉ thuận lợi hơn trong việc đạt được mục tiêu của mình khi niêm yết, mà quay trở lại, đó còn là động lực để doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ hơn, để cộng đồng vinh danh những thành tựu mà họ đóng góp vào nền kinh tế.