Dứt khoát phải xử lý các sai phạm
Chiều 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023". Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều thời gian phân tích tình hình, nguyên nhân và định hướng lớn trong xử lý những vấn đề tồn tại, bất cập cần tiếp tục giải quyết liên quan tới TTCK, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản, cung ứng tín dụng, thị trường lao động...
Thủ tướng lấy ví dụ về câu chuyện TTCK dễ bị "thổi" lên hay nhiều TPDN phát hành không có tài sản bảo đảm, lãi suất cao đi kèm rủi ro nhưng không tư vấn cho khách hàng... Trong lĩnh vực ngân hàng là tình trạng sở hữu chéo và thị trường bất động sản tập trung vào phân khúc cho người giàu. Đây là những vấn đề xuất hiện trong quá trình vận động và phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau.
"Đã có bệnh thì phải chữa, nhưng chúng ta cùng lúc xử lý nhiều vấn đề trong điều kiện khó khăn nên càng khó khăn. Song dứt khoát phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, giữ ổn định hệ thống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan. Chữa bệnh thì phải mất thuốc, mất thời gian, mất công sức và phải chờ thời gian để ngấm thuốc", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường, Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết. Các cơ quan chức năng phải phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn; doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải chia sẻ; tất cả cùng suy nghĩ, cùng làm.
“Hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, tránh tình trạng lúc thuận lợi thì không sao, lúc khó khăn lại kêu Nhà nước", Thủ tướng nói
Đối với hệ thống ngân hàng, Thủ tướng đề nghị tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. Về các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp phát hành, theo đúng quy định pháp luật. Liên quan đến thị trường bất động sản, phải cơ cấu lại các phân khúc, giá, sản phẩm, hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp...
"Nhà nước có chính sách nhưng các doanh nghiệp bất động sản cũng phải thay đổi, không thể neo giá cao mãi, chỉ làm phân khúc cho người giàu thì người nghèo, thu nhập thấp không thể tiếp cận được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuyệt đối không chuyển trạng thái đột ngột, "giật cục"
Hướng tới năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh đây là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 với dự báo khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 đòi hỏi phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức.
"Chúng ta không hoang mang, lo sợ, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp. Tất nhiên, không có giải pháp hoàn hảo, cũng không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có giải pháp, lựa chọn tốt nhất và phải có ưu tiên phù hợp", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, thích ứng với tình hình. Theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động, linh hoạt, có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, dứt khoát, lựa chọn ưu tiên phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh nguồn lực có hạn, công việc nhiều; trong điều hành tuyệt đối không chuyển trạng thái đột ngột, "giật cục".
Việt Nam cần cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng. Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, Việt Nam có thể đối đầu những cơn gió ngược trong năm 2023, triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, chính sách tài khóa tập trung, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tiết kiệm chi tối đa, nghiên cứu tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí. Bên cạnh đó, các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, không triệt tiêu mà bổ sung cho nhau, bảo đảm hiệu quả tổng thể.
“Giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 4 công điện của Thủ tướng Chính phủ về các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, phát triển thị trường lao động, chăm lo đời sống người lao động. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm làm, nhưng phải đôn đốc các bộ, ngành làm tích cực hơn", Thủ tướng phát biểu.
Cùng với đó, cũng theo Thủ tướng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội qua hợp tác công tư. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo kỹ năng nghề...
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ chính sách tương đối ổn định để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh hội nhập và đối ngoại, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quan tâm vấn đề lương thực, thực phẩm, giá năng lượng, nhà ở...
Thủ tướng nói: “Tôi đã lắng nghe và thu hoạch được rất nhiều nội dung rất đúng, rất trúng tại Diễn đàn. Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp, "tất cả đều phải vào cuộc", càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”.
Cùng chủ trì Diễn đàn là ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Tham dự Diễn đàn còn có các Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.