Cần tiếp tục đi sâu hơn vào câu chuyện cải cách thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tình thế khó khăn, những bất cập tích tụ của nền kinh tế đã bộc lộ thông qua diễn biến của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời gian gần đây
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo với chủ đề "Lành mạnh hoá thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững" thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 diễn ra sáng nay (ngày 17/12), ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra những nhận định nhìn lại 2022 - năm mà kinh tế thế giới và trong nước khó khăn hơn rất nhiều so với đánh giá, dự báo tại thời điểm cuối năm 2021.

“Ở thời điểm đó (cuối năm 2021-pv), không tổ chức, cá nhân nào có thể dự báo rằng lạm phát lại tăng nhanh đến như vậy, trở thành xu hướng lan rộng trên toàn cầu, chạm mốc cao nhất trong vòng 40 năm tại một số nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, châu Âu”, ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, xu hướng thắt chặt tiền tệ của Fed mặc dù đã được dự đoán từ trước, nhưng tần suất và mức độ thì cũng không thể dự báo. Các điều kiện thị trường trên toàn cầu biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD tăng giá mạnh nhất trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu.

Diễn biến thực tế cho thấy, bối cảnh tài chính thắt chặt, cùng với những biến động mạnh của thị trường tài chính thế giới tạo ra những áp lực lớn lên tỷ giá, lãi suất các đồng tiền, đặc biệt là các nền kinh tế nhỏ có độ mở lớn như Việt Nam.

Ông Hà nói: “Trong tình thế khó khăn, những bất cập tích tụ của nền kinh tế đã bộc lộ và chúng ta đã thấy điều đó thông qua diễn biến của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời gian gần đây”.

Chia sẻ thêm thông tin tại Hội thảo, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trước ảnh hưởng của các biến động về kinh tế - chính trị trên thế giới cũng như các bước điều chỉnh chính sách trong nước, TTCK Việt Nam trong năm 2022 cũng đã trải qua nhiều biến động, với xu hướng giảm điểm bắt đầu từ tháng 4, trong đó có những nhịp phục hồi vào tháng 5 và tháng 8 và cuối tháng 11 đến nay.

Tính đến ngày 30/11/2022, chỉ số VN-Index đạt 1048,42 điểm, giảm 30% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 208,79 điểm, giảm 56% so với cuối năm trước. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 30/11/2022 ước đạt 5.383 nghìn tỷ đồng, giảm 30,7% so với cuối năm 2021, tương đương 63,5% GDP.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), khối lượng phát hành có xu hướng giảm trong thời gian qua.

Tính đến ngày 25/11/2022, khối lượng phát hành TPDN là 331.811 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các Quý 1. Về cơ cấu phát hành, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng phát hành.

Tính đến ngày 25/11/2022, các NHTM phát hành chiếm 41%, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm lần lượt 28,59 % và 7,73% tổng khối lượng phát hành, doanh nghiệp sản xuất chiếm 6,72% tổng khối lượng phát hành.

Đối với thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phát biểu tại sự kiện

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nói: “Nếu như nền tài chính tốt, tăng trưởng kinh tế tốt và kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường tài chính sẽ ổn định”.

Còn theo ông Hà, sau hơn một thập kỷ tạo dựng nền tảng vĩ mô ổn định thông qua kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, những biến động vừa qua tại các thị trường cho thấy chúng ta cần tiếp tục đi sâu hơn vào câu chuyện cải cách các thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Có thể thấy đây là những thị trường có sự liên hệ mật thiết với nhau bởi tính chất và đặc thù nguồn vốn trung dài hạn.

“Phát triển lành mạnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu sẽ tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản. Ngành bất động sản tăng trưởng lành mạnh không chỉ có lợi cho ngành mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế qua nhiều ngành nghề khác nhau, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lớn lao động, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đảm bảo nơi ăn, chỗ ở cho người dân."

"Nói tóm lại, sự phát triển bền vững của các thị trường này sẽ hỗ trợ động lực phát triển trung, dài hạn của nền kinh tế, củng cố vững chắc nền tảng vĩ mô ổn định đã được thiết lập trong những năm qua”, ông Hà nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục