Cảng biển phía Nam tiếp tục hút vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
Với việc hàng loạt dự án hạ tầng đến cảng biển được triển khai tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian tới, lĩnh vực cảng biển hứa hẹn tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Cảng quốc tế Long An sẽ khánh thành toàn bộ vào tháng 6/2024. Ảnh: Lê Toàn. Cảng quốc tế Long An sẽ khánh thành toàn bộ vào tháng 6/2024. Ảnh: Lê Toàn.

Nhiều nhà đầu tư lớn

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” vốn vào xây dựng cảng biển tại Việt Nam. Ở khu vực phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư ngoại đến xây cảng nhất, trong đó có các tập đoàn lớn như PSA (Singapore) đầu tư Cảng SP-PSA; APMT (Đan Mạch) đầu tư Cảng CMIT; Hutchison Port Holding (Hồng Kông) đầu tư Cảng SITV; các hãng tàu Mitsui O.S.K line (Nhật Bản), Wanhai Lines (Đài Loan) đầu tư, khai thác bến cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép.

Theo số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), giai đoạn 2011 - 2020, trong tổng số 202.000 tỷ đồng đầu tư vào cảng biển, thì nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp đạt tới 173.000 tỷ đồng (chiếm 86%), ngân sách nhà nước đầu tư hơn 28.000 tỷ đồng (chiếm 14%). Điều đó cho thấy sức hấp dẫn trong đầu tư cảng biển.

Thời gian tới, lĩnh vực cảng biển phía Nam được dự báo tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, Cảng quốc tế Cần Giờ với tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỷ USD đang trong quá trình nghiên cứu khả thi. Dự án được coi là “khủng” nhất này do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và hãng tàu container lớn nhất thế giới Mediterranean Shipping Company (MSC) đề xuất. MSC cam kết rót vốn đầu tư xây dựng cảng theo mô hình cảng xanh và đưa hàng về cảng.

Một địa phương giáp TP.HCM là Long An cũng đang đẩy mạnh phát triển cảng biển để thực hiện mục tiêu đưa tỉnh trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM. Từ năm 2015, Đồng Tâm Group đã khởi công Cảng quốc tế Long An, tháng 9/2020 khánh thành giai đoạn I, quý II/2023 bắt đầu khai thác container.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group cho biết, Cảng quốc tế Long An sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại để khánh thành toàn bộ vào tháng 6/2024. Khi đó, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long không phải vận chuyển hàng lên các cảng ở TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều này giúp giảm đáng kể chi phí logistics, thu hút doanh nghiệp về Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư.

Cùng với các dự án cảng biển, dự án cảng sông cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Tháng 6/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương đã thông báo mời gọi đầu tư Dự án cảng sông An Tây với quy mô 100 ha, vốn đầu tư 2.279 tỷ đồng. Bình Dương đặt mục tiêu xây dựng cảng sông An Tây thành cảng trung chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp khu vực Tây Nguyên để vận chuyển đi TP.HCM.

Ngay khi Bình Dương công bố xây dựng cảng sông An Tây, nhiều tập đoàn nước ngoài đã xem xét đầu tư các trung tâm logistics tại đây. Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn A.P Moller Maersk (Đan Mạch) đã gặp lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư kho bãi, trung tâm logistics quy mô lớn.

Tăng tốc đầu tư hạ tầng đến cảng

Một trong những vấn đề được nhiều nhà đầu tư nước ngoài phàn nàn nhiều nhất trong nhiều năm qua là hạ tầng giao thông đến cảng chậm được đầu tư, dẫn đến kẹt xe, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Hiểu được điều này, các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang tăng tốc đầu tư hạ tầng đến cảng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, hàng loạt tuyến đường nối các khu công nghiệp đến cảng đã được các địa phương khởi công. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều dự án kết nối đến cảng biển đã được khởi công như cầu Phước An kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường 991B, đường ĐT992, đường ven biển ĐT994…

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á cho biết, trong 2 năm tới, khi các tuyến đường kết nối từ các tuyến cao tốc đến các cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải hoàn thành, sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí logistics và thu hút được các tập đoàn lớn đến Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư, bởi họ sẽ tận dụng lợi thế, đặt “đại bản doanh” tại đây, nhằm xuất khẩu hàng hóa đi Mỹ.

Long An cũng đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nối các khu công nghiệp với Cảng quốc tế Long An. Trong đó, tỉnh xác định, có 6 tuyến đường tạo động lực phát triển và đang tiến hành xây dựng như đường ĐT830E, đường ĐT823D. Các dự án này khi hoàn thành sẽ kết nối các khu, cụm công nghiệp từ Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đến cảng Long An và cảng Hiệp Phước (TP.HCM).

Đặc biệt, khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thiện vào năm 2025, sẽ kết nối trực tiếp Long An đến Sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải. Khi đó, thời gian di chuyển từ Long An đến Sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ, rút ngắn được rất nhiều thời gian so với hiện nay phải di chuyển qua TP.HCM.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục