Sức hút từ dự án xã hội hóa đầu tư cảng biển

0:00 / 0:00
0:00
Tiếp sau thành công của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực cảng biển, Bộ Giao thông - Vận tải đang đặt nhiều kỳ vọng vào danh mục gọi vốn xã hội hóa đầu tư dự án cảng biển giai đoạn 2021-2030.
Phối cảnh cảng Cần Giờ. Phối cảnh cảng Cần Giờ.

Hấp lực đặc biệt

Mặc dù vẫn phải đợi Bộ GTVT xem xét bổ sung vào Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhưng ngay từ lúc này, “siêu dự án” Cảng trung chuyển cửa ngõ quốc tế Cần Giờ - TP.HCM gần như xác định xong nhà đầu tư.

Trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuối tháng 10/2022, Bộ GTVT, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) một lần nữa tái khẳng định việc doanh nghiệp này mong muốn cùng với Mediterranean Shipping Company (MSC) - hãng tàu container lớn nhất thế giới và công ty thành viên là Terminal Investment Limited (TIL) phát triển cảng Cần Giờ.

Dự án Cảng trung chuyển cửa ngõ quốc tế Cần Giờ có tổng mức đầu tư lên tới 4,426 tỷ USD. Đây sẽ là công trình hạ tầng giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn FDI lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho biết, ngoài vốn góp, kinh nghiệm quản trị khai thác cảng biển lâu năm, MSC sẽ mang theo khối lượng hàng trung chuyển quốc tế từ các quốc gia trong khu vực về cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng đảm bảo cho Dự án được triển khai thành công.

Cần phải nói thêm rằng, Cảng trung chuyển cửa ngõ quốc tế Cần Giờ không phải là dự án cảng biển duy nhất dự kiến gọi vốn xã hội hóa trong vòng 10 năm tới.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, cuối tuần trước, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 11493/TTr-BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất tại tờ trình này là việc Bộ GTVT công bố 3 danh mục dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, gồm Danh mục 18 dự án sử dụng đầu tư công trong lĩnh vực hàng hải sử dụng vốn đầu tư công trị giá 23.783 tỷ đồng; Danh mục cụm 4 công trình cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng giai đoạn 2019 - 2021 và dự kiến giai đoạn 2022 - 2025; Danh mục 7 dự án/cụm dự án kêu gọi vốn ngoài ngân sách với nhu cầu vốn lên tới 299.526 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, từ trước đến nay, kết cấu hạ tầng luồng hàng hải do Nhà nước đầu tư, còn kết cấu hạ tầng bến cảng do doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư kết cấu hạ tầng luồng hàng hải. Điều này tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI vào các dự án cảng biển trong những năm tới.

Cơ chế đặc thù cho từng dự án

Có nhiều lý do khiến Bộ GTVT tự tin trong việc kêu gọi vốn đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng cảng biển, trong đó có điểm tựa quan trọng đến từ những dự án được triển khai thành công trong giai đoạn 2011 - 2020.

Theo ông Nguyễn Đình Việt, quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, trong giai đoạn 2011-2020, tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển đạt 202.000 tỷ đồng, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông.

Đáng chú ý, nguồn vốn đầu tư huy động cho ngành hàng hải ngoài ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, đạt hơn 173.000 tỷ đồng, xấp xỉ 86% tổng vốn đầu tư. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển.

Có thể kể đến các tập đoàn nổi tiếng như DP World của Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (nhà khai thác cảng số 5 thế giới) tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SPCT- TP.HCM; SSA Marine của Mỹ (nhà khai thác cảng thứ 9 thế giới) đầu tư khai thác bến cảng SSIT tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; APMT của Đan Mạch (nhà khai thác cảng số 2 thế giới) đầu tư khai thác Cảng CMIT tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; các hãng tàu MOL, NYK đầu tư bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)…

Nhờ thu hút được nguồn vốn đầu tư, hệ thống cảng biển Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Ngay trong 10 tháng đầu năm 2022, dù kinh tế toàn cầu suy thoái, nhưng sản lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam vẫn đạt 608 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ sự góp mặt của các hãng tàu nước ngoài trong vai trò nhà đầu tư cảng biển, khu vực phía Bắc đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ; phía Nam hình thành 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và châu Âu.

“Với một đồng ngân sách bỏ ra làm vốn mồi, chúng ta đã huy động được 6 đồng ngoài ngân sách. Đây là nền tảng rất thuận lợi để cảng biển Việt Nam trở thành ‘mắt xích’ trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.

Liên quan việc kêu gọi vốn đầu tư cho danh mục 7 dự án/cụm dự án kêu gọi vốn ngoài ngân sách giai đoạn 2021 - 2030, Bộ GTVT cho biết sẽ kiên định chủ trương dùng vốn ngân sách để đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải; đề xuất miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển cho doanh nghiệp để phát triển cảng biển.

“Bộ GTVT sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu chính sách hỗ trợ áp dụng cho mỗi dự án cụ thể tùy theo điều kiện đặc thù của mỗi dự án, trong đó ưu tiên các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực cho các dự án trọng điểm, tránh việc áp dụng đồng loạt, dàn trải”, ông Sang cho biết.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục