Chẳng hạn, tại doanh nghiệp nọ, tổng giám đốc là thành viên hội đồng quản trị đã ký các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu qua công ty do con dâu vị này góp vốn thành lập. Công ty không công bố thông tin về giao dịch này.
Hay tại một doanh nghiệp khác, công ty có vốn góp của người nhà vợ chủ tịch hội đồng quản trị là công ty liên kết của doanh nghiệp, triển khai một số dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp. Cổ đông lớn sau khi yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị giải thích và cung cấp thông tin về giao dịch này, nhưng không được đáp ứng đã gây sức ép buộc doanh nghiệp phải mua lại công ty liên kết nói trên để tránh phát sinh các giao dịch chuyển giá. Mâu thuẫn đã phát sinh gay gắt.
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp cổ đông nghi ngờ lợi nhuận của doanh nghiệp đã bị chuyển sang túi cá nhân thông qua các giao dịch với bên có liên quan. Cơ quan thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thường xuyên nhận được các đơn thư phản ánh về vấn đề trên.
Trong những trường hợp như vậy, doanh nghiệp thường được yêu cầu phải giải trình làm rõ mối quan tâm của nhà đầu tư, cơ quan quản lý cũng vào cuộc làm rõ các thông tin liên quan. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu doanh nghiệp không vi phạm, cơ quan quản lý cũng sẽ có công văn trả lời nhà đầu tư để làm rõ vấn đề.
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư lo ngại rằng, hậu quả của việc ém nhẹm các thông tin phải công bố về giao dịch với bên có liên quan lớn, nhưng mức độ xử phạt vi phạm hiện nay thấp, chưa đủ sức răn đe và buộc các doanh nghiệp phải thực thi nghiêm túc quy định này.
Đơn cử, tổng giám đốc một doanh nghiệp nọ đại diện cho doanh nghiệp ký các hợp đồng vay vốn và chuyển tiền cho vay đối với tổ chức có liên quan với Công ty. Gần 1 năm sau, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện vi phạm và ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng.
Tầm quan trọng của giao dịch với các bên liên quan đã được đề cập rất rõ trong các bộ nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại. Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về “Quản trị công ty trong doanh nghiệp nhà nước” có nêu, thông lệ tốt yêu cầu các công ty niêm yết hoặc doanh nghiệp nhà nước phải thông báo về các vấn đề với bên có quyền lợi liên quan. Bằng cách này, doanh nghiệp sẽ chứng tỏ thiện chí hoạt động minh bạch hơn và cam kết hợp tác với các bên có quyền lợi liên quan, nuôi dưỡng lòng tin và nâng cao uy tín của doanh nghiệp.
Vì thế, các doanh nghiệp cần thông báo với nhà đầu tư về các bên có quyền lợi liên quan, chính sách đối với các bên có quyền lợi liên quan và cung cấp thông tin về việc thực thi hiệu quả chính sách đó. Báo cáo về các bên có quyền lợi liên quan của doanh nghiệp nên được rà soát độc lập để tăng cường độ tín nhiệm của doanh nghiệp.
Các chuyên gia của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và PwC trong dự án xây dựng Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp dành cho các công ty có vốn góp của SCIC đã nhấn mạnh, giao dịch với bên liên quan nên được phê duyệt và thực hiện một cách thích hợp nhằm đảm bảo việc quản lý hiệu quả các xung đột lợi ích và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và cổ đông. Pháp luật và quy định hiện hành, bao gồm chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS 26) có các định nghĩa khác về “các bên liên quan” hoặc “người có liên quan”.
Doanh nghiệp nên tự nguyện công khai giao dịch với bên liên quan hơn mức quy định của pháp luật và chuẩn mực kế toán trong một số trường hợp cụ thể. Ví dụ, doanh nghiệp có thể cân nhắc công khai các quy chế nội bộ về việc chấp thuận và công bố giao dịch với bên liên quan. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể xem xét công khai việc tuyển dụng lao động là thành viên gia đình của các cán bộ quản lý chủ chốt.
Bộ quy tắc dành cho các công ty có vốn góp của SCIC khuyến nghị: “Xung đột lợi ích trong các giao dịch với bên có liên quan nên được xử lý và thành viên hội đồng quản trị và/hoặc kiểm soát viên và cán bộ quản lý cấp cao thuộc đối tượng bổ nhiệm của hội đồng quản trị phải công khai cho hội đồng quản trị và/hoặc ban kiểm soát biết khi thành viên đó có hay không có lợi ích đáng kể nào trong bất kỳ giao dịch hoặc vấn đề gì ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, cho dù là trực tiếp, gián tiếp hay thay mặt cho bên thứ ba”.
Xung đột lợi ích có thể được giải quyết bằng cách giải thích rõ ràng các điều khoản và điều kiện trong giao dịch giữa doanh nghiệp và các bên liên quan cụ thể. Việc giải thích này phải được thực hiện tương tự cách thức trong giao dịch với các bên không liên quan khác.
Vì nhà đầu tư quan tâm đến những xung đột lợi ích tiềm ẩn có khả năng tác động tiêu cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp hoặc hoạt động kinh doanh công bằng và hiệu quả, mỗi doanh nghiệp có trách nhiệm công bố thông tin về các giao dịch với bên liên quan, bao gồm thông tin về chính sách chấp thuận trước và cách nhà đầu tư có thể tiếp cận được danh sách đầy đủ các giao dịch với bên liên quan.
Để doanh nghiệp đạt điểm cao về quản trị, nhất định phải chú ý đến giao dịch với các bên có liên quan. Khi những thông lệ quản trị tốt được thực thi, không chỉ uy tín, thương hiệu doanh nghiệp được cải thiện mà chắn chắn hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng được cải thiện đáng kể.
Điều 4, Luật Doanh nghiệp quy định, người có liên quan là tổ chức cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
- Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó đối với công ty con trong nhóm công ty;
- Công ty con đối với công ty mẹ trong nhóm công ty;
- Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua cơ quan quản lý doanh nghiệp;
- Người quản lý doanh nghiệp;
- Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối
- Cá nhân được ủy quyền đại diện cho những người, công ty quy định tại các Điểm 1 đến 5 của khoản này.
- Doanh nghiệp, trong đó những người, công ty quy định tại các điểm 1 đến 8 khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của các cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó.
- Nhóm người thỏa thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty.
Điều 159, Luật Doanh nghiệp - Công khai các lợi ích liên quan - quy định: Công ty phải tập hợp và cập nhật đầy đủ danh sách những người có liên quan của công ty và thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai các lợi ích liên quan của họ với công ty. Việc kê khai này phải được thực hiện trong 7 ngày làm việc, kể từ ngày phát sinh lợi ích liên quan.
Các bên liên quan được định nghĩa trong chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS 26
Các bên được coi là liên quan nếu một bên có khả năng kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể đối với bên kia trong việc ra quyết định các chính sách tài chính và hoạt động.
Giao dịch giữa các bên liên quan là việc chuyển giao các nguồn lực hay các nghĩa vụ giữa các bên liên quan, không xét đến việc có tính giá hay không.
Kiểm soát là quyền sở hữu trực tiếp hay gián tiếp thông quan các công ty con, đối với hơn nửa quyền biểu quyết của một doanh nghiệp hoặc có vai trò đáng kể trong quyền biểu quyết và quyền quyết định các chính sách tài chính và hoặc động của ban quản lý doanh nghiệp (theo luật hoặc theo thỏa thuận).
Ảnh hưởng đáng kể là quyền được tham gia vào việc đưa ra các quyết định về chính sách tài chính và hoạt động của một doanh nghiệp, nhưng không kiểm soát các chính sách đó. Ảnh hưởng đáng kể có thể được thực hiện thông qua một số cách như: có đại diện trong Hội đồng quản trị, tham gia trong quá trình tạo lập chính sách, tham gia vào các giao dịch quan trọng giữa các công ty cùng tập đoàn, trao đổi nội bộ các nhân viên quản lý, hoặc phụ thuộc về các thông tin kỹ thuật. Ảnh hưởng đáng kể có thể có được qua việc sở hữu cổ phần, ảnh hưởng đáng kể được hiểu theo định nghĩa trong Chuẩn mực kế toán số 07 “Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết”.