Cổ phần hóa mới là bước đầu
Tình trạng chậm chuyển biến về chất lượng quản trị của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức chưa đúng, thậm chí sai lệch về quản trị doanh nghiệp.
Lẽ ra phải áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại theo thông lệ kinh tế thị trường như các quy tắc của OECD thì không ít doanh nghiệp đánh đồng cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp với cải thiện quản lý điều hành sản xuất - kinh doanh như cải thiện quản lý về tài chính, nhân sự, tiền lương, sản xuất, thương mại...
Nhà nước không nên quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm thoái vốn, vì như vậy là can thiệp sâu vào doanh nghiệp, trái với nguyên tắc thị trường và thể chế kinh tế thị trường mà chúng ta đang xây dựng.
Những nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại đó là tạo điều kiện để cổ đông thực hiện quyền cổ đông và bảo vệ quyền của cổ đông; đối xử bình đẳng với mọi cổ đông, trong đó có cổ đông thiểu số; các bên liên quan được tiếp cận các thông tin phù hợp, đầy đủ, tin cậy, kịp thời và thường xuyên; tăng cường minh bạch hóa và công bố thông tin quan trọng của doanh nghiệp; tăng cường trách nhiệm và tính giải trình của hội đồng quản trị, đảm bảo để hội đồng quản trị hoạt động vì lợi ích cao nhất của doanh nghiệp và của cổ đông.
Thứ hai, Nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến các doanh nghiệp sau cổ phần hóa và quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp này. Mọi nỗ lực đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp trong hơn 20 năm qua gần như chỉ tập trung vào doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và thông qua giải pháp cổ phần hóa là chính.
Có rất nhiều văn bản được ban hành cùng với những nỗ lực đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng lại có rất ít văn bản hướng dẫn và chỉ đạo triển khai, cũng như rất ít nỗ lực thực hiện nhằm cải thiện quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có cổ phần chi phối hay kiểm soát của Nhà nước ở giai đoạn sau cổ phần hóa.
Nhiệm vụ đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường đã trở thành vấn đề cấp thiết sau khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007) được giao cho các bộ, ngành và doanh nghiệp triển khai thực hiện từ năm 2012.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên, đến nay, chưa có các văn bản hướng dẫn tiếp theo, đồng thời việc triển khai thực hiện rất chậm. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước, thoái vốn nhà nước được coi là vấn đề trọng tâm trong những năm gần đây, mà không phải là cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp.
Ông Trần Tiến Cường
Các biện pháp tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn tập trung vào khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mà chưa được coi trọng đúng mức tại doanh nghiệp sau cổ phần hoá, nhất là doanh nghiệp Nhà nước còn nắm cổ phần chi phối.
Các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và các cơ quan đổi mới doanh nghiệp nhà nước mới chỉ quan tâm đến thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá, giao, bán, khoán, cho thuê, chuyển đổi sang Luật Doanh nghiệp, mà chưa quan tâm quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hoá, quản lý phần vốn nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước.
Cách tiếp cận cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa là chuyển mạnh sang áp dụng các biện pháp tái cấu trúc có tính thị trường, nhưng cũng nên sử dụng quyền lực của chủ sở hữu một cách đúng đắn và minh triết. Đó là, thực hiện các biện pháp tạo lập, kích thích, nuôi dưỡng, phát triển những yếu tố thị trường trong loại bỏ hay tiếp tục duy trì doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, tạo sức ép hành chính đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu, cổ phần hóa.
Cổ phần hóa không phải chỉ để chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, kết thúc ở đăng ký là doanh nghiệp cổ phần, mà là một quá trình. Quá trình đó được tiếp diễn sau khi tiến hành cổ phần hóa, bao gồm cả thoái vốn nhà nước, cải thiện quản trị doanh nghiệp, hiện đại hoá công ty cổ phần. Dựa trên quan điểm phát triển doanh nghiệp, mục tiêu cổ phần hóa là để thực hiện chế độ công ty ở doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.
Không cần và không nên cổ phần hóa ồ ạt
Từ cách tiếp cận cổ phần hóa trên, việc doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn như tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, việc cổ phần hóa cần phải có bước đi phù hợp với điều kiện của đất nước cũng như định hướng phát triển kinh tế của Đảng.
Việc bán vốn Nhà nước không thể thực hiện ồ ạt ngay từ thời điểm cổ phần hóa, mà phải được tiến hành theo nhiều giai đoạn, phù hợp với kế hoạch và lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn nhà nước. Nói cách khác, cần có những hướng dẫn cụ thể và các bước triển khai thận trọng khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, tổng công ty hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng.
Về tìm kiếm cổ đông chiến lược, tiêu chí để chọn cổ đông chiến lược cần nhìn từ hai phía, nhà đầu tư và doanh nghiệp cổ phần hóa. Nhà đầu tư phải có tiềm lực tài chính, thực sự quan tâm đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, họ có khả năng công nghệ, thị trường, có kinh nghiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Từ phía doanh nghiệp cổ phần hóa, quan điểm chung là việc tham gia của nhà đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp sau cổ phần hóa là cần, nhưng vấn đề cần xem xét là nhà đầu tư chiến lược cần ở đâu, ở những doanh nghiệp nào, khi nào. Không phải mọi doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều cần có và cần tìm nhà đầu tư chiến lược. Cổ đông chiến lược cần ở những doanh nghiệp có vấn đề về chiến lược, thị trường, công nghệ, cần cải thiện quản trị doanh nghiệp, cần tạo ra động lực mới và mạnh hơn cho sự phát triển.
Nhìn từ cách tiếp cận thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, những doanh nghiệp đang hoạt động tốt, hoạt động có hiệu quả, nếu không tìm được ngay cổ đông chiến lược vẫn cần tiến hành cổ phần hóa, sau đó sẽ thoái vốn nhà nước tiếp hoặc phát hành thêm cổ phiếu để tìm nhà đầu tư chiến lược.
Cổ phần hóa vẫn hơn không tiến hành cổ phần hóa. Vì cổ phần hóa là chuyển sang chế độ công ty, nhưng phải đi kèm với cải thiện quản trị doanh nghiệp theo thông lệ, theo hướng hiện đại sau cổ phần hóa, tách bạch được doanh nghiệp với chủ sở hữu, chủ sở hữu đứng ngoài doanh nghiệp, tăng cường minh bạch, công khai và đi kèm tăng cường giám sát. Khi đó, doanh nghiệp được quản lý, điều hành bởi hội đồng quản trị độc lập hơn với các chủ sở hữu, thay vì cơ quan nhà nước thường xuyên can thiệp vào doanh nghiệp như trước.
Trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cần xem xét điều chỉnh lại cách thức thoái vốn đầu tư ngoài ngành hiện nay để thực hiện theo một số nguyên tắc sau: Nhà nước chỉ nên đưa ra chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành và đưa ra một số nguyên tắc chung để doanh nghiệp căn cứ vào đó áp dụng.
Nhà nước không nên quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm thoái vốn, vì như vậy là can thiệp sâu vào doanh nghiệp, trái với nguyên tắc thị trường và thể chế kinh tế thị trường mà chúng ta đang xây dựng.
Nhà nước chỉ nên hành xử trên tư cách và với tâm thế của nhà đầu tư, cổ đông nhà nước, thực hiện quyền của nhà đầu tư, cổ đông nhà nước, không phải với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, không nên chuyển tải ý chí Nhà nước bằng các quy định có tính quy phạm pháp luật có hiệu lực chung.
Thoái vốn đầu tư ngoài ngành cần căn cứ vào đặc điểm của từng doanh nghiệp: chủ yếu là hiệu quả đầu tư trong và ngoài ngành; tiềm lực tài chính doanh nghiệp; triển vọng ngành kinh doanh chính. Nếu ở giai đoạn thoái trào thì cần xem lại chính sách thoái vốn ngoài ngành, để chuyển sang đầu tư ngành kinh doanh chính mới triển vọng hơn.
Đối với doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả ở cả ngành kinh doanh chính và ngoài ngành kinh doanh chính thì quyền quyết định thoái vốn đầu tư ngoài ngành cần trao cho bộ máy quản trị, điều hành của doanh nghiệp căn cứ theo tín hiệu thị trường.
Áp dụng những nguyên tắc trên cho cả doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn nhà nước chi phối thông qua quyền lực của cổ đông chi phối tại doanh nghiệp, mà trực tiếp là người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp.