Ðàm phán thương mại Mỹ - Trung đang đi đến điểm quan trọng
Trong tuần này, một số diễn biến trên thế giới và trong nước thu hút sự chú ý lớn của các thành viên thị trường. Thứ nhất, đàm phán Mỹ - Trung lần 2 đang có những bước chuyển biến tích cực. Nhiều nguồn tin cho biết, các nhà đàm phán Mỹ -Trung đang vạch ra 6 biên bản ghi nhớ về các vấn đề căng thẳng nhất của mâu thuẫn thương mại song phương.
Nguồn tin cảnh báo thận trọng rằng, cuộc đàm phán, dù đã đi đến giai đoạn này, vẫn có khả năng rơi vào đổ vỡ. Ngày 1/3 là hạn chót mà Mỹ dự định sau đó sẽ áp thêm thuế quan lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, từ 10% lên 25%, nếu hai bên không đạt thỏa thuận.
Thứ hai, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội sẽ là tâm điểm. Thực tế, sẽ là rất chủ quan nếu chúng ta đánh giá hội nghị Mỹ - Triều có tác động tích cực đến TTCK Việt Nam. Hội nghị này ở một góc độ tích cực chỉ có thể xem là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá hình ảnh của mình với bạn bè quốc, đặc biệt là ngành du lịch.
Thứ ba, dòng tiền khối ngoại vẫn tiếp tục bơm ròng vào TTCK Việt Nam. Dòng vốn nước ngoài tiếp tục được bơm qua các con đường trực tiếp nhờ khớp lệnh trên sàn hay thông qua các quỹ ETFs. Ðặc biệt, quỹ VFMVN30 được bơm thêm với giá trị gấp đôi so với con số của tuần trước đó. Tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại bơm thêm gần 450 tỷ đồng qua kênh này, riêng tuần qua được bơm thêm hơn 220 tỷ đồng.
Sự điều chỉnh là cần thiết trong ngắn hạn
Các chỉ số bứt phá rất mạnh trong tuần vừa qua và gần như không có nhịp điều chỉnh nào đáng kể, liên tục thiết lập đỉnh sau cao hơn đỉnh ngày hôm trước. Tuy nhiên, hiện tại, các chỉ số đang tiến đến vùng cản khá quan trọng là 930 điểm với VN30 và 925 điểm với VN30F1903.
Chỉ số phái sinh liên tục bị chiết khấu thấp hơn so với cơ sở, diễn biến này cho thấy sự thận trọng của bên mua trong suốt tuần vừa qua. Nhìn chung, các tín hiệu kỹ thuật đang nghiêng về trạng thái các chỉ số sẽ gặp phải những “va vấp” nhất định quanh các vùng kháng cự.
Ở chiều hướng tích cực, dòng tiền chung vẫn đang duy trì ở mức cao, tức thị trường đang có được thanh khoản rất dồi dào, đây là tiền đề quan trọng giúp chỉ số khó có những cú đổ vỡ mạnh ở giai đoạn này.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những tín hiệu cảnh báo rủi ro cũng đã xuất hiện. Sự chững lại của bên cầu là điểm đáng chú ý vì tâm lý chung của bên đi mua đang không mạnh dạn mua đuổi theo đà tăng. Ngoài ra, bên bán cũng bắt đầu có sự chủ động hơn trong việc cơ cấu danh mục trong những nhịp tăng mạnh trong tuần qua.
Với trạng thái cung - cầu hiện tại, những thông tin bất lợi từ bên ngoài rất dễ khiến thị trường có những sự điều chỉnh. Bởi tâm lý của dòng tiền đang sẵn sàng cho sự điều chỉnh xảy ra, vấn đề là chưa có “cớ” mà thôi.
Mặc dù xét về mặt điểm số thì các chỉ số đều tăng rất mạnh trong tuần qua, tuy nhiên xét về độ rộng hay sự lan tỏa của các cổ phiếu thì nền giá của toàn thị trường đang là giảm, trạng thái này đã xuất hiện rõ nhất trong khoảng 2 - 3 phiên gần đây. Ðà lan tỏa trung bình 10 phiên cũng lao tới khu vực đỉnh, tức nền giá của các cổ phiếu đang đạt ngưỡng tính cả theo trung bình, đây là tín hiệu khá nguy hiểm nếu xét tầm nhìn theo tuần.
Ở chiều hướng tích cực, đà lan tỏa mặc dù đang ở vùng quá mua nhưng chưa giảm xuống khỏi ngưỡng này (mức 70%), do đó xu hướng tăng của thị trường vẫn được duy trì.
Thị trường tuần qua liên tục rơi vào tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc các cổ phiếu trụ liên tục kéo chỉ số đi lên và sự xoay vòng liên tục của dòng tiền đầu cơ ở các cổ phiếu trụ giúp các chỉ số dường như không có nhịp điều chỉnh đáng kể nào cả. Tất nhiên, với việc các cổ phiếu trụ hút dòng tiền, VN30 cũng sẽ tăng tích cực khi hầu hết các trụ chính của thị trường đều góp mặt trong rổ VN30.
Hiện tại, dòng tiền đang lan tỏa mạnh nhất ở nhóm Ngân hàng (VCB, TCB, CTG) sau những phiên chững lại làm nền cho 2 nhóm Bất động sản và Thực phẩm và đồ uống. Tuy nhiên, 2 nhóm này đang chứng kiến sự phân kỳ giữa giá và dòng tiền, với trạng thái dòng tiền giảm nhưng giá vẫn tăng.
Trong tuần này, nhóm Ngân hàng được kỳ vọng sẽ nhóm dẫn chính cho xu hướng thị trường theo chiều hướng tích cực. Còn ở chiều hướng tiêu cực, nhóm Bất động sản và Thực phẩm và đồ uống sẽ là những nhóm gây khó khăn cho sự tiếp diễn đà tăng của chỉ số.
Khuyến nghị: Chiến lược “Long” vẫn là ưu tiên chủ đạo trong những nhịp điều chỉnh
Những yếu tố tác động từ bên ngoài hay những diễn biến tiêu cực từ thị trường quốc tế sẽ ảnh hướng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư trong tuần tới, khi những tín hiệu rủi ro đang bắt đầu xuất hiện càng ngày nhiều hơn và nhất là khi chỉ số đang tiệm cận lại khu vực đỉnh của nhịp tăng giữa tháng 12/2018. Trong đó, tiến trình thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được dự báo sẽ là chủ đề nóng trong tuần.
Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm về sự tích cực của thị trường hiện tại khi dòng tiền trong và ngoài nước đều chảy vào rất mạnh và sự xoay vòng tốt của các cổ phiếu giúp củng cố hơn xu hướng tăng hiện tại.
Trong ngắn hạn, sự điều chỉnh là tín hiệu cần thiết để thay máu dòng tiền mới và những điều chỉnh nếu có xảy ra thì mức độ cũng không lớn như những giai đoạn trước, vì mặt bằng dòng tiền hiện tại đã được nâng lên một mức cao hơn.
Chiến lược chung là chờ những nhịp điều chỉnh để tham gia canh Long (Mua) và hạn chế tham gia Long (Mua) đuổi, trạng thái Short (Bán) chỉ được ưu tiên nếu giá thủng hỗ trợ mạnh.
Ðây là quan điểm trong suốt tuần vừa qua và vẫn không đổi trong tuần này, sự khác nhau có chăng là các vùng hỗ trợ và kháng cự để tham chiếu. VN30F1903 có kháng cự là 925 - 930 điểm và hỗ trợ là 900 - 905 điểm. Trạng thái canh Long (Mua) sẽ mở ra nếu giá bật tăng lại từ vùng hỗ trợ, trong trường hợp giá thủng luôn hỗ trợ thì vị thế Short (Bán) mới nên được cân nhắc.