Hai cam kết mạnh mẽ của Chính phủ
Trước khi đi vào gợi mở những đường hướng cụ thể cho phát triển TTCK, liên quan đến tiếp sức cho TTCK ở góc độ nền tảng vĩ mô trong năm 2019 cũng như giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Chính phủ cam kết mạnh mẽ hai việc.
Thứ nhất, là củng cố và tăng cường hơn nữa ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, gia tăng sức chống chịu, va đập của các chủ thể thị trường trước các biến động của tình hình trong và ngoài nước, trong đó có thị trường vốn, chứng khoán…
“Làm việc này không phải theo kiểu ăn đong, mà cả giai đoạn 2017-2020, Chính phủ đều đã có kịch bản với chiến lược cụ thể, làm âm thầm, nhưng quyết liệt…”, Phó Thủ tướng cho hay.
Thứ hai, Chính phủ cam kết duy trì, khơi thông các động lực tăng trưởng, muốn TTCK, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã niêm yết hay chưa niêm yết chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu này.
“Để thực hiện được hai cam kết đó là không đơn giản, nhất là trong bối cảnh thế giới bất định...”, Phó Thủ tướng nói.
Đưa thị trường cổ phiếu đạt quy mô 120% GDP vào năm 2025
Liên quan đến đường hướng phát triển TTCK, Phó Thủ tướng cho biết, cần tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ thị trường đến 2020, định hướng đến 2025 với mục tiêu là tái cơ cấu toàn diện thị trường để thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn, với cơ cấu hợp lý hơn giữa TTCK và thị trường tiền tệ, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu…
Phấn đấu đưa thị trường cổ phiếu đạt quy mô 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu bằng 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng nhà đầu tư đạt 3% dân số vào 2020 và 5% vào 2025 (hiện nay là 2,2%).
Trong năm 2019 tiếp tục tập trung vào tái cơ cấu đồng bộ hàng hóa, nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, phát triển thị trường minh bạch, chuyên nghiệp, bền vững, sớm nâng hạng thị trường.
Việc tái cơ cấu hàng hóa được thúc đẩy theo hướng đa dạng cơ sở hàng hóa thông qua việc Chính phủ tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo danh mục đã được phê duyệt. Đến năm 2020, toàn bộ ngân hàng phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Trong năm nay triển khai sản phẩm Chứng quyền có đảm bảo và Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ…
“Để nâng cao chất lượng hàng hóa, phải tăng cường kiểm tra hoạt động huy động và sử dụng vốn, xử lý nghiêm các trường hợp tăng vốn ảo, nhất là với các trường hợp trước khi trở thành công ty đại chúng và đưa cổ phiếu lên sàn. Tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán, trường hợp công ty kiểm toán vi phạm thì cần phải công khai để chịu sự trừng phạt của thị trường…”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Liên quan đến tái cơ cấu cơ sở nhà đầu tư, lãnh đạo Chính phủ gợi ý cần ban hành tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, trong đó bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nhỏ, nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường thông qua nghiệp vụ công ty chứng khoán cho phép họ mở tài khoản và xác thực khách hàng trực tuyến.
Việc cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán cần tập trung yêu cầu các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tự xây dựng và triển khai hoạt động tái cơ cấu theo hướng đổi mới chất lượng quản trị rủi ro, quản trị công ty.
Phân chia các tổ chức này thành 4 nhóm gồm: hoạt động lành mạnh, bình thường, kém, không còn khả năng phục hồi để ứng xử phù hợp. Tới đây khi ban hành được Luật Chứng khoán sửa đổi, sẽ rút giấy phép hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán không còn điều kiện hoạt động nhưng hiện chưa xử lý được.
Liên quan đến hướng cơ cấu lại tổ chức thị trường, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, UBCK sớm thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam như đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo mô hình 1 sở 2 sàn, nhằm tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư…
Về hướng hoàn thiện khung pháp lý, lãnh đạo Chính phủ cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 là Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi).
“Tôi đã làm việc với Ban soạn thảo 5 tiếng đồng hồ để soát xét các nội dung của dự án luật. Đề nghị các các bộ, ngành tiếp tục góp ý, rà soát để tạo khung khổ pháp lý cho TTCK phát triển trở thành kênh huy động vốn trung- dài hạn cho nền kinh tế. Cùng với khắc phục các bất cập đang tồn tại, khung pháp lý mới cần hỗ trợ cho TTCK phát triển minh bạch, an toàn, bền vững và chuyên nghiệp, tiếp cận thông lệ quốc tế, góp phần nâng hạng thị trường…”, Phó Thủ tướng gợi mở.
“Cần có có chế tài với hành vi thao túng, làm giá chứng khoán thế nào? Tăng phạt hành chính là đúng, nhưng nếu vi phạm mà kiếm lợi 100 tỷ đồng, nhưng chỉ phải nộp phạt 1-2 tỷ đồng thì không đủ sức răn đe. Phải có chế tài bổ sung như rút giấy phép…”, Phó Thủ tướng lưu ý.