Theo đó, tuyến cao tốc phía Đông sẽ chạy song song với Quốc lộ 1, dài 1.814km, điểm đầu tại Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối tại TP Cần Thơ, trong đó, đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dài 1.624km. Hiện tại, một số đoạn đã được đưa vào khai thác với tổng chiều dài 171km, gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư với quy mô cao tốc 4 làn xe, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật đường ô tô cao tốc, tốc độ thiết kế 100-120km/h; các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn, tốc độ thiết kế 60-80km/h.
Quy mô các đoạn tuyến nghiên cứu theo 3 phương án. Phương án 1, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô tối thiểu 4 làn, nhưng đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây do nhu cầu vận tải lớn nên đầu tư theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn. Các đoạn còn lại đầu tư theo quy mô 4 làn hạn chế. Kinh phí đầu tư cho phương án này khoảng 229.829 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD)
Phương án 2, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô tối thiểu 4 làn, đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đầu tư theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn. Kinh phí đầu tư khoảng 223.286 tỷ đồng.
Phương án 3 đầu tư theo quy mô quy hoạch, đoạn Pháp Vân - Nghi Sơn đầu tư quy mô 6 làn xe cao tốc, đoạn Nghi Sơn - Dầu Giây đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc. Kinh phí đầu tư khoảng 280.918 tỷ đồng.
Trong 3 phương án nói trên, Bộ GT-VT kiến nghị đầu tư theo quy mô phương án 1 nhằm bảo đảm phù hợp về nhu cầu vận tải và nguồn vốn.