Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm 43,3 tỷ USD trong tháng 9 vừa qua, xuống còn 3.510 tỷ USD, đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp. Tính chung trong quý III/2015, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm 179,7 tỷ USD, là mức giảm trong quý lớn nhất kể từ khi các số liệu được ghi nhận vào năm 1995 và cao hơn nhiều so với mức giảm 40 tỷ USD của quý II/2015. Theo Reuters, nguyên nhân chủ yếu là do Bắc Kinh bán ra ngoại tệ (đồng USD) để hỗ trợ cho đồng nhân dân tệ, sau giai đoạn phá giá “gây sốc” vào tháng 8/2015.
Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu, song cũng không muốn đồng nội tệ giảm giá sâu, bởi điều này sẽ dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn và gia tăng bất ổn. Tuy nhiên, các động thái can thiệp của Bắc Kinh đã hút một lượng lớn thanh khoản và tạo ra những bất ổn trên các thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương khác tại các quốc gia đang phát triển cũng có thể “theo chân” Trung Quốc, can thiệp vào thị trường tiền tệ trong bối cảnh giá hàng hóa đang có xu hướng biến động và triển vọng Mỹ tăng lãi suất trước cuối năm nay.
Chuyên gia về lãi suất, tiền tệ và hàng hóa Robert Sinche tại Amherst Pierpont Securities LLC nhận định: “Do thanh khoản của ngân hàng trung ương trở nên ít dồi dào hơn, xu hướng bất ổn có thể tăng lên. Bên cạnh đó, các điều kiện thanh khoản sẽ còn bị thắt chặt, một khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất”.
Trong khi những bất ổn như vậy được coi là cơ hội để một số nhà giao dịch tiền tệ kiếm lời, nó lại đặt ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung Quốc.
Chỉ số theo dõi biến động tài chính toàn cầu của JPMorgan Chase & Co đã tăng lên 11,3% giữa tháng 9 vừa qua, cao hơn gấp đôi so với mức thấp chỉ 5,3% được ghi nhận hồi tháng 7 năm ngoái.
Nhà chiến lược tiền tệ tại Westpac Banking Corp., Sean Callow cho rằng: “Sự sụt giảm dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là một dấu hiệu khác cho thấy sự lo ngại đang hiện diện tại chính nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Đó là bước ngoặt khi nhiều ngân hàng trung ương khác có thể khai thác dự trữ ngoại hối của mình để bảo vệ đồng nội tệ”.
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Nga đã “đốt” khoảng 160 tỷ USD, 1/3 số dự trữ ngoại tệ của mình, trong vòng hai năm qua để hỗ trợ đồng ruble. Tại khu vực Nam Mỹ, các quốc gia như Venezuela, Paraguay hay Ecuador cũng giảm lượng ngoại tệ nắm giữ trung bình trên 9% trong vòng 12 tháng qua.
Giới chuyên gia kinh tế dự báo trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào thị trường, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ còn giảm mạnh.