Cần thị trường nội địa nuôi dưỡng sản phẩm Make in Vietnam

0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2021 đầy khó khăn, sản phẩm Make in Vietnam đã trở thành chỗ dựa, điểm tựa để các doanh nghiệp Việt chống chọi với dịch bệnh, phát triển sản xuất.
Ảnh minh họa (Vietnamnet) Ảnh minh họa (Vietnamnet)

Điểm tựa Make in Vietnam

Trong năm 2021, hai sàn thương mại điện tử Make in Vietnam là Vỏ sò (Viettel Post) và Postmart (Vietnam Post) đã đưa hơn 5 triệu hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử, thực hiện các chương trình bán nông sản tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Long An… Nhờ đó, hàng trăm ngàn tấn nông sản đã được tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, vận chuyển khó khăn.

Hay như Azota, một ứng dụng giao và chấm bài tập online được phát hành năm 2021, trong bối cảnh nhiều trường phải chuyển sang học trực tuyến, đã góp phần giải bài toán cho giáo dục cả nước. Ứng dụng này giúp thầy cô có thể giao bài tập và học sinh trực tiếp trả lời, phụ huynh có thể hướng dẫn con mình làm bài dựa trên gợi ý của hệ thống. Thống kê đến tháng 12/2021, nền tảng này có 6 triệu người dùng hàng tháng, tương đương 25% tổng số giáo viên và học sinh trên cả nước. Có tới 120 triệu lượt nộp bài của học sinh đã được thực hiện qua hệ thống.

Hoặc như Wifi Mesh của VNPT là thiết bị giúp tạo lập mạng Wi-Fi, tăng tính kết nối liền mạch có thể chạy trên 2 băng tần 2.4 GHz và 5 GHz. Sản phẩm thu hút người dùng trong đại dịch do nhu cầu kết nối lớn, nhiều người cùng học và làm việc trên mạng cùng lúc. Một bộ từ 2-3 Wifi Mesh có thể tạo lập vùng phủ sóng lên đến 600 m2…

Năm 2021 là năm mà sản phẩm Make in Vietnam bùng nổ cả về số lượng và chất lượng. Đã có hơn 250 sản phẩm đi vào cuộc sống, giải quyết những bài toán khó trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo đánh giá của ông Hà Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group, đang có sự dịch chuyển từ nền tảng số nước ngoài sang Make in Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp lớn đã và đang trong quá trình chuyển đổi số. Các sản phẩm Make in Việt Nam có sự linh động, có đội ngũ hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sản phẩm có chi phí thấp hơn. Nền tảng nước ngoài khó khăn trong việc hỗ trợ khách hàng tại Việt Nam về rào cản ngôn ngữ, văn hóa, thời gian...

“Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh, nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Năm 2021, đã có nhiều hơn sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.

Tuy nhiên, các sản phẩm Make in Vietnam đều còn rất non trẻ, cần có thị trường tiêu thụ để tồn tại và phát triển. Mà thị trường lớn nhất là thị trường Việt Nam, khách hàng là các doanh nghiệp Việt Nam.

Tìm đầu ra cho sản phẩm Make in Vietnam

Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel nhận định, hạ tầng viễn thông công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi số quốc gia. Nhưng nếu Việt Nam tiếp diễn tình trạng đi mua của nước ngoài sẽ không làm chủ được công nghệ và không đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.

Chính vì vậy, Viettel quyết tâm thực hiện chiến lược "Make in Vietnam", tự nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông và hạ tầng số. Lãnh đạo Viettel cũng kiến nghị chính sách đặc thù cho các sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam" tại thị trường nội địa. “Chúng tôi rất muốn bán các sản phẩm ra thị trường Việt Nam, nhưng vướng rất nhiều cơ chế nên doanh nghiệp Việt chưa thể mua được các sản phẩm công nghệ cao của Viettel", ông Dũng nói.

Tương tự, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng, thế mạnh lớn nhất của các giải pháp ứng dụng "Make in Vietnam" là đáp ứng trực tiếp các yêu cầu của người sử dụng. Các nền tảng giải pháp của nước ngoài thường rất đồ sộ, phức tạp, đầu tư tốn kém, nhưng hiệu quả khai thác sử dụng chưa chắc đã cao. Còn các giải pháp của doanh nghiệp Việt có ưu điểm đơn giản và trả lời trực tiếp các câu hỏi, giải quyết các bài toán đang đặt ra của thị trường.

Theo ông Tiến, Chính phủ cần đưa ra các cơ chế chính sách, định hướng, đặt hàng bài toán cụ thể về phát triển chính phủ số, kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới các quy trình làm việc trên không gian mạng và sẵn sàng sử dụng các ứng dụng phần mềm trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp làm "bà đỡ", đứng ra giới thiệu, bảo trợ cho các ứng dụng này. Điều quan trọng hơn cả là các cơ quan quản lý đặt hàng và tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các ứng dụng mới nhanh chóng đi vào đời sống.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục