Cơ hội từ chương trình “Make in Vietnam”

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát động Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020. Đây được đánh giá là cơ hội cho doanh nghiệp Việt vươn lên chiếm lĩnh thị trường.
Chiến lược “Make in Viet Nam” được phát động năm 2019 với các giải pháp để Việt Nam chuyển từ gia công, lắp ráp sang phát triển các sản phẩm, dịch vụ, làm chủ công nghệ.
Chiến lược “Make in Viet Nam” được phát động năm 2019 với các giải pháp để Việt Nam chuyển từ gia công, lắp ráp sang phát triển các sản phẩm, dịch vụ, làm chủ công nghệ.

Cơ hội trong thị trường 100 triệu dân

“Nếu không có Make in Vietnam, thì Việt Nam khó có thể trở thành một nước phát triển. Nếu không Make in Vietnam, chúng ta sẽ không thể đi ra nước ngoài, không thể có những đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Điều thuận lợi của Make in Vietnam là chúng ta đã có đủ thời gian làm gia công cho nước ngoài, thậm chí có cả những công ty đã từng thiết kế thuê modul hay các sản phẩm trọn vẹn. Điều cần nhất để Make in Vietnam là có vấn đề cần giải quyết. Vấn đề có thể do Chính phủ, doanh nghiệp hoặc xã hội đặt ra. Bởi vậy, đưa vấn đề của mình, bài toán của mình ra khỏi nhà của mình chính là cách tốt nhất để thúc đẩy Make in Vietnam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam chính là thị trường gần 100 triệu dân với nhu cầu vô cùng lớn.

“Thị trường gần 100 triệu dân là thế mạnh cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số cần chủ động, không trông chờ vào các chính sách, cơ chế, mà quan trọng nhất là tập trung nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm, giải pháp đáp ứng được nhu cầu của thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Không chỉ có một thị trường đủ lớn, thời cơ cho Make in Vietnam càng thuận lợi hơn, khi Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số nền kinh tế. Trong quá trình đó, các nền tảng như học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng… của doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được sự trưởng thành của mình, hoàn toàn có thể cạnh tranh với các sản phẩm của nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt đủ năng lực dẫn dắt Make in Vietnam

Đánh giá về cơ hội của các doanh nghiệp công nghệ, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT NextTech Group cho rằng: “Đây là cơ hội trăm năm có một cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới, là thời cơ để các doanh nghiệp công nghệ nước nhà phát triển các sản phẩm, giải pháp giải quyết các vấn đề, bài toán không chỉ của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế đang diễn ra sự xoay trục từ Tây sang Đông và thương chiến Mỹ - Trung là cơ hội rất lớn để xuất khẩu sản phẩm Make in VietNam”.

Ông Đậu Ngọc Huy, CEO của doanh nghiệp khởi nghiệp về nền tảng Stringee chia sẻ, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng làm chủ công nghệ và cạnh tranh với các nền tảng quốc tế tương tự với các ưu thế gia tăng các tính năng bảo mật, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam có sự hiểu biết văn hoá Việt Nam và sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số.

Đồng quan điểm, CEO Viettel Post Trần Trung Hưng nhận định, thời điểm này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thực sự lớn. Theo ông Hưng, nếu như trước đây, Việt Nam gặp nhiều bất lợi do công nghiệp điện tử và cơ khí chưa phát triển, nên công nghệ thông tin cũng phát triển chậm theo. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, khi thị trường công nghệ đã mở hơn, có thể mua mọi thứ phần cứng, chúng ta phải đứng trên vai những người khổng lồ để phát triển. Việt Nam yếu về công nghệ điện tử và cơ khí, nhưng lại giỏi về công nghệ phần mềm. Vì vậy, chúng ta phải tập trung vào thế mạnh của mình là sáng tạo sản phẩm, giải pháp.

Chiến lược “Make in Viet Nam” được phát động năm 2019 với các giải pháp để Việt Nam chuyển từ gia công, lắp ráp sang phát triển các sản phẩm, dịch vụ, làm chủ công nghệ. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã công bố định hướng để phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, nhằm đưa Việt Nam nằm trong top 30 cường quốc về công nghệ thông tin. Một trong các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu này là chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tiến hành cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo ở quy mô toàn dân, thúc đẩy khởi nghiệp, phổ cập công nghệ số, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường.

Tiếp nối sự kiện đó, Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2020” do Bộ Thông tin và Truyền thông và VCCI tổ chức nhằm thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm công nghệ số, tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, có giá trị thực tế, góp phần phát triển chính phủ số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số.

Phần thưởng lớn nhất của giải thưởng là Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc quảng bá, hỗ trợ kết nối thị trường, xây dựng khung pháp lý thuận lợi, kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước để các sản phẩm công nghệ số có thị trường rộng lớn hơn và đi xa hơn.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục