Nguồn vốn không thiếu
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ Tư (2017) diễn ra sáng nay tại Buôn Ma Thuột do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Uỷ ban nhân dân 05 tỉnh Tây Nguyên tổ chức, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, để chủ động tạo điều kiện cho DN, người dân dễ dàng tiếp cận với vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, từ năm 2011 đến nay, mặc dù chủ trương kiểm soát chặt chẽ và hạn chế mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD trên phạm vi cả nước để tập trung cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu nhưng NHNN đã cho phép thành lập mới 30 chi nhánh TCTD, 8 phòng giao dịch và 7 QTDND trên địa bàn Tây Nguyên.
Chi tiết hơn, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, tính đến 31/12/2016, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt khoảng 120,6 ngàn tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 222,1 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1%.
Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 49,3%; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng 12,3%.
Tính chung từ năm 2011 đến nay, mặc dù đạt mức tăng trưởng khá, nhưng nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được trên 50% tổng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn (số còn thiếu được các TCTD điều chuyển từ nơi khác đến). Dư nợ tín dụng luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Chất lượng tín dụng được đảm bảo. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng.
Đặc biệt, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp được triển khai trên địa bàn Tây Nguyên từ năm 2014 đến nay đã giúp hơn 3.800 khách hàng được các ngân hàng cam kết cho vay mới gần 48.000 tỷ đồng; gần 260 DN được cơ cấu lại nợ, điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ với dư nợ hơn 1.900 tỷ đồng.
Tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao cam kết tín dụng đầu tư của các ngân hàng cho các dự án đầu tư với tổng vốn trên 29 nghìn tỷ đồng, bên cạnh đó, trao chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, thỏa thuận đầu tư cho các dự án với tổng vốn khoảng 80 nghìn tỷ đồng.
“Dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đến cuối năm 2016 đạt 13,7 ngàn tỷ đồng. Trong 5 năm gần đây, đã có hơn 856 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách, trong đó có hơn 104 ngàn hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo”, Thống đốc NHNN nói.
Tây Nguyên: Cần có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “mái nhà Đông Dương”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thời gian qua, 5 tỉnh Tây nguyên đã có sự khởi sắc, cơ sở hạ tầng phát triển tốt hơn, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh trật tự và an toàn xã hội đảm bảo.
“Tuy vậy, Tây Nguyên vẫn có nhiều vấn đề tồn tại, như tình trạng mất rừng, mất nguồn nước, nhất là tầng nước ngầm sụt giảm sâu; môi trường sống xuất hiện nhiều vấn đề, mất đi cơ hội đầu tư phát triển; tiềm năng chưa được khai thác tốt để phục vụ phát triển”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị (ảnh: vietnamnet)
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Tây Nguyên khá khiêm tốn; hầu như chưa tiếp cận, thu hút được đối tác chiến lược.
Tính đến nay, thu hút đầu tư nước ngoài ở khu vực này chỉ chiếm 0,65% về số dự án, khoảng 0,25% về số vốn đăng ký trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam...
Đánh giá về tiềm năng đầu tư, Thủ tướng cho biết, có ý kiến cho rằng Tây Nguyên hiện như một bữa tiệc đã tàn canh, không còn là môi trường đầu tư hấp dẫn, không còn chỗ dành cho nhà đầu tư mới đến. Thủ tướng cho rằng nhận xét đó chưa thể hiện được bức tranh khách quan và toàn diện về tiềm năng lớn chưa được khai thác của Tây Nguyên.
Thủ tướng đánh giá: “Tây Nguyên vẫn như một cô gái đẹp không những ngủ quên mà còn chưa chuyển mình kịp với đất nước và thời đại. Cần tầm nhìn và cũng là chiến lược bao quát để phát triển khu vực này”.
Gợi ý một số giải pháp đối với Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến việc cần đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư. Hội nghị xúc tiến đầu tư không chỉ trình bày cho nhà đầu tư biết tiềm năng và lợi thế của vùng mà cần tìm hiểu xem nhà đầu tư cần gì, muốn gì? Hội nghị phải trở thành diễn đàn nhiều đối tượng tham gia, bên cạnh nhà đầu tư phải là luật sư, chuyên gia tư vấn, đặc biệt là ngân hàng, quỹ đầu tư tham gia góp vốn nhằm tiêp cận theo từng nhóm nhà đầu tư để đáp ứng từng yêu cầu cụ thể
“Cần có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế cấp vùng theo cơ chế thích hợp tạo ra sự liên kết vùng ngành, nâng cao năng lực canh tranh mỗi tỉnh cũng như toàn vùng. Và luật quy hoạch sẽ là một căn cứ để các tỉnh vùng xây dựng quy hoạch bài bản, không chồng lấn… nhằm thực hiện mục tiêu phát triển để ổn định. Cần tăng khả năng kết nối của vùng với các vùng khác. Bộ cam kết đề xuất chính phủ các chính sách hỗ trợ, cùng các tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù, tạo tính liên kết vùng để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Đại diện JICA tại Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị: “Tôi tin tưởng Tây Nguyên vẫn có tiềm năng lớn và tác động vào tiềm năng phát triển của các quốc gia khu vực biên giới”.
Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, yên tâm làm ăn lâu dài tại Tây Nguyên và Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ giá trị đồng tiền Việt Nam; bảo vệ quyền tài sản, quyền con người, quyền công dân theo hiến pháp và luật pháp đã quy định. Chính phủ cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn nữa, đưa Việt Nam vào tốp 4 nước đứng đầu ASEAN.
Hoan nghênh các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, bỏ vốn đầu tư vào Tây Nguyên, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư thực hiện các cam kết đầu tư với vùng và địa phương, đẩy nhanh các tiến độ dự án. Trong triển khai phải đảm bảo giữ gìn môi trường, quan tâm chăm lo đến đời sống người lao động.