Cần sớm khơi thông thị trường vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), đồng thời là cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonasia, Thái Lan và Việt Nam cho rằng, giá vàng còn biến động, việc khơi thông thị trường vàng trong nước là cần thiết, tránh nhiễu loạn giá như vừa qua.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA)

Vàng thế giới vượt qua ngưỡng 2.000 USD/ounce trong những ngày gần đây. Liệu giá kim loại quý này có tiếp tục đi lên trong thời gian tới?

Căng thẳng ở Trung Đông gần đây đã đẩy giá vàng vượt mức 2.000 USD/ounce. Đáng chú ý, ngày 4/12/2023, giá kim loại quý này đã tăng lên mức cao kỷ lục chưa từng có 2.152,3 USD/ounce, dĩ nhiên trong chuỗi tăng giá sẽ có lúc điều chỉnh. Vàng đã ghi nhận mức đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, chỉ số USD-Index chạm đáy 5 tháng và sắp ghi nhận năm giảm đầu tiên kể từ năm 2020, xuống sát mức 100 điểm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2023 đến nay. Điều này khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.

Giá vàng thế giới còn dư địa tăng bởi các nguyên nhân: Dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dừng tăng lãi suất và khả năng cao sẽ bắt đầu xu hướng giảm với lộ trình giảm lãi suất khoảng 3 lần trong năm 2024, mức giảm mỗi lần khoảng 0,25-0,5%/năm. Lãi suất USD giảm sẽ kéo theo lợi suất trái phiếu của Mỹ, chỉ số USD-Index trên đà giảm và lúc này vàng càng hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Thứ hai là những phức tạp địa chính trị khi cuộc chiến Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, đồng thời căng thẳng ở Trung Đông thêm gay gắt, ảnh hưởng tới giá dầu, kéo theo lạm phát. Địa chính trị bất ổn kéo theo kinh tế toàn cầu đi xuống, lạm phát tăng... nên vàng được xem là “hầm trú ẩn” an toàn cho các nhà đầu tư. Thêm vào đó, dịp cuối và đầu năm mỗi năm, nhu cầu vàng vật chất, trang sức của các nước cũng gia tăng. Đồng thời, lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương thế giới trong năm 2023 cũng được dự báo tương đương như 2022 là 1.100 tấn. Tóm lại, quý I/2024 giá vàng còn triển vọng tăng.

Nhu cầu vàng tại Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước

Nhu cầu vàng tại Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước

Vậy theo ông, khả năng giá vàng quốc tế sẽ đạt mốc bao nhiêu thời gian tới?

Mặt hàng kim loại quý này đang dần tiến tới mốc 2.100 USD/ounce, nếu vượt qua mốc này sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới và dĩ nhiên trong giai đoạn tăng sẽ có những lúc điều chỉnh, nhưng trong xu hướng sắp tới vàng vẫn có triển vọng tăng cao hơn mức trên. Thậm chí, giá vàng còn được dự báo lên mức 2.300 USD/ounce.

Vốn được coi là kênh trú ẩn an toàn, vàng được đánh giá cao trong thời kỳ khủng hoảng khi chống chịu tốt trước bất ổn địa chính trị, kinh tế suy thoái và thị trường chứng khoán chao đảo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, quỹ đạo của vàng dường như không còn dễ đoán như trước. Theo truyền thống, vàng thường lên ngôi trong môi trường lãi suất thực thấp hoặc thậm chí âm và kim loại quý này sẽ mất đi sức hấp dẫn trong thời kỳ lãi suất tăng. Dù hiện nay mối tương quan giữa giá vàng và lãi suất thực không còn rõ ràng như trước, nhưng với các yếu tố trên, khả năng giá vàng sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới đây.

Vàng thế giới đi lên, kéo theo giá vàng SJC trong nước tăng chóng mặt, song do nguồn cung khan hiếm nên chênh lệch giữa vàng quốc tế và nội địa lên quá cao, thưa ông?

Nhu cầu vàng trong nước lớn, kể cả những thời điểm giá vàng tăng cao gần đây, nhưng nguồn cung lại khan hiếm, nhất là với vàng thương hiệu SJC vì hiện Ngân hàng Nhà nước không còn cấp quota dập vàng miếng SJC. Trong khi đó, những người đang có vàng cũng chưa muốn bán ra nên cung - cầu trong nước lệch pha, khiến giá vàng nội địa tăng nhanh và khó giảm theo đà của vàng quốc tế trong những thời điểm đi xuống.

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới những ngày gần đây lên gần 19 - 20 triệu đồng/lượng do cung vàng miếng trên thị trường nội địa khan hiếm nhưng không được nhập vàng, kể cả với vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang bằng vàng. Theo tôi, đó cũng là lý do để Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Công điện gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua, ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô.

Được biết, trước đây, VGTA đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng?

Chúng tôi kỳ vọng, với công điện của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái cho quota nhập khẩu vàng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu về vàng cũng như nữ trang trong nước. Theo tôi, cần thiết khơi thông thị trường vàng trong nước bằng cách trước mắt cho nhập thêm vàng nguyên liệu đối với các doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang. VGTA đã có kiến nghị nhiều lần và mong muốn có quota cho các doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu trong vòng 3-6 tháng (hiện chỉ 3 doanh nghiệp lớn là SJC, PNJ, DOJI và mỗi đơn vị được nhập khoảng 500 kg, tương đương hơn 30 triệu USD/mỗi đơn vị).

Theo tôi, các quy định của Nghị định 24 phù hợp với thị trường những năm về trước, nhưng sau 10 năm cần sửa đổi, vì không còn phù hợp với diễn biến của thị trường thời điểm hiện tại. Vì thế, VGTA cho rằng, cần cấp thiết sửa đổi quy định quản lý thị trường vàng theo hướng sửa đổi không còn độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Có thể thấy, chính việc độc quyền đã đẩy vàng thương hiệu SJC trong nước luôn cao hơn thế giới đến hàng chục triệu đồng/lượng do nguồn cung vàng miếng SJC không được sản xuất thêm.

Thực tế cho thấy, nếu không cho mở cửa nhập khẩu và cởi bỏ độc quyền thì nguồn vàng không chính ngạch vẫn vào thị trường khi cung vàng trong nước khan hiếm và giá cao hơn quốc tế. Vả lại, hiện tất cả các nước trong khu vực đều có thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế. Trong khi đó, giá vàng ở Việt Nam luôn cao hơn quốc tế 15-17 triệu đồng/lượng và có thời điểm lên đến 19-20 triệu đồng/lượng khiến người mua vàng trong nước chịu thiệt.

Theo tôi, đến nay, khi thị trường vàng đã được kiểm soát ổn định, cần thiết sửa đổi Nghị định 24, trong đó có việc Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân và khai thác tiềm lực nguồn vốn này cho nền kinh tế. Số liệu Hội đồng Vàng thế giới (WGC) đưa ra cũng cho thấy, sức tiêu thụ vàng của người dân Việt Nam năm sau luôn tăng so với năm trước.

Thùy Vinh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục