“Cắn răng” buông đất vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ trong khoảng thời gian ngắn vừa qua chứng kiến nhiều cuộc chuyển giao quỹ đất lớn giữa các doanh nghiệp ở cả 3 miền, đồng thời nhiều doanh nghiệp cũng đang rục rịch thanh lý các khoản tài sản là dự án bất động sản dở dang "chết dí" sau nhiều năm.

Nếu ở miền Nam là thương vụ ồn ào khi Quốc Cường Gia Lai chính thức nhượng lại dự án có thâm niên "ngủ đông" Sông Đà Riverside thì ở miền Bắc, theo thông tin từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ chào bán cạnh tranh cả lô gần 4,6 triệu cổ phần đang sở hữu tại CTCP Vĩnh Sơn (Vĩnh Sơn), tương đương 39,9% vốn điều lệ. Vĩnh Sơn chính là chủ đầu tư siêu dự án Rose Valley tại huyện Mê Linh.

Còn tại miền Trung, Danh Khôi Group lên sóng với loạt thương vụ "thâu tóm" cùng lúc nhiều khu "đất vàng" bất động nhiều năm như Sun Frontier tại Đà Nẵng và 3 lô đất thuộc Khu dân cư Cồn Tân Lập, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Đó là chưa kể cũng tại Đà Nẵng, Danh Khôi cũng đã nhanh chân thâu tóm dự án từng có lịch sử bị “xếp xó” khá lâu là Hotel And Resort Đà Nẵng từ CTCP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước.

Ngoài ra, còn rất nhiều thương vụ chuyển nhượng quy mô lớn khác, theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, cũng đang rục rịch được các doanh nghiệp tiến hành làm các thủ tục đàm phán cũng như rà soát lại pháp lý để chuẩn bị tiến hành chuyển nhượng.

Có khá nhiều lý do dẫn đến xu hướng này trong thời gian vừa qua!

Trong đó, đầu tiên phải kể đến tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19 khi cú sốc này khiến hoạt động của cả nền kinh tế bị trì trệ. Hoạt động kinh doanh bị ngừng trệ, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, đòi hỏi các doanh nghiệp buộc phải thay đổi tiêu chí đánh giá lại các khoản đầu tư của mình có thực sự đáng giữ lại hay không.

Đó là chưa kể với những vướng mắc về thủ tục đất đai vẫn chưa được giải quyết như hiện nay thì quan điểm truyền thống "có đất là có tiền" đã được nhiều doanh nghiệp nhận thức là không còn phù hợp trong một tương lai "bình thường mới".

Theo phân tích gần đây của PwC, những hoạt động M&A diễn ra trong cuộc suy thoái kinh tế trước đây cho thấy, các doanh nghiệp có khả năng thực hiện thương vụ trong bối cảnh đầy biến động có thể phát triển vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Hay nói cách khác, đại dịch Covid-19 bùng phát tuy chưa phải là lý do duy nhất, thế nhưng lại là chất xúc tác vừa đủ để buộc nhiều doanh nghiệp biết nhìn lại mình sau nhiều năm đắm đuối theo đuổi những thứ "có giữ cũng không làm gì được".

Tất nhiên, ở chiều ngược lại, đây cũng là cơ hội lý tưởng cho các nhà đầu tư có nguồn vốn vững chắc với khả năng nhanh nhạy nắm bắt thị trường. Bởi lẽ mua lại dự án từ các chủ đầu tư đang khó khăn là con đường ngắn nhất để các chủ doanh nghiệp đẩy nhanh việc phát triển quỹ đất sạch với giá rẻ.

Thông qua các thương vụ chuyển nhượng này, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng.

Đó là chưa kể, sự chuyển giao này là vô cùng cần thiết, góp phần biến những dự án “trùm mền” thành những khu dân cư hiện đại, làm tăng tính thanh khoản thị trường, giúp giảm hàng tồn kho và phục hồi niềm tin của thị trường.

Tất nhiên, lưu ý rằng trong bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng chưa từng có tiền lệ như đại dịch Covid-19, với các thương vụ M&A bất động sản, dễ nhận thấy, từ phía bán và đặc biệt là phía mua đều đang có sự thận trọng nhất định.

Đặc biệt, những yếu tố bất ngờ có thể xảy ra với dự án như các căn cứ pháp lý không thực sự đầy đủ hoặc dù sử dụng các phương pháp giả định cũng không thể tính toán được sát với mong muốn. Điều này thường diễn ra với những dự án theo mô hình liên danh chia sẻ lợi ích giữa các nhà đầu tư.

Ngoài ra, còn có những tranh chấp, kiện tụng của các cổ đông sáng lập khi tham gia góp vốn vào liên doanh thành lập công ty mới để triển khai dự án cũng là những rủi ro khiến cho nhiều thương vụ chuyển nhượng hiện nay theo ghi nhận chưa thể tìm được tiếng nói chung ở thời điểm hiện tại.

Dẫu vậy, nhìn chung theo xu hướng dài hạn, việc đại dịch Covid-19 vẫn còn chưa thể chấm dứt hoàn toàn và những dư âm sẽ còn cần thời gian để thẩm thấu và trôi đi, hoạt động M&A chuyển nhượng dự án bất động sản dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục