Theo cập nhật của Bộ Tài chính, đến ngày 15/11/2018, còn 667 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong số này rất nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng, nên con số doanh nghiệp chây ì đưa cổ phiếu lên sàn như công khai là chưa chuẩn xác, thưa ông?
Luật sư Trần Minh Hải
Theo trình tự thông thường trong triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán được coi là một bước trong kế hoạch cổ phần hóa. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào sau cổ phần hóa doanh nghiệp cũng được đưa cổ phiếu lên sàn, bởi cần căn cứ vào tiêu chuẩn mà pháp luật về chứng khoán quy định. Chẳng hạn phải là công ty đại chúng (có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, đã phát hành chứng khoán ra công chúng)…
Trong khi đó, có những doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa không bán được cổ phần theo đúng kế hoạch, số người mua và trở thành cổ đông chưa đủ lượng để trở thành công ty đại chúng. Do vậy, cần xác định chuẩn xác trong 667 doanh nghiệp kể trên có bao nhiêu công ty đã đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng mà vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn. Chỉ khi xác định doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiện đưa cổ phiếu lên sàn, mà vẫn không đăng ký niêm yết, giao dịch, thì mới nên coi đó là tình trạng chây ì, sai phạm pháp luật.
Nhiều doanh nghiệp trong số 667 doanh nghiệp đã đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng, nên lẽ ra đã phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, nhưng vẫn không tuân thủ. Tình trạng chây ì này kéo dài suốt thời gian qua, theo ông vì sao?
Trước tiên là lỗi của doanh nghiệp, cụ thể là những người quản trị điều hành doanh nghiệp trong việc không tuân thủ các quy định về đưa cổ phiếu lên sàn.
Cũng cần nhìn nhận, cơ quan quản lý lĩnh vực này - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thiếu quyết liệt, rõ ràng trong việc ngăn ngừa tình trạng sai phạm bằng cách áp dụng chế tài xử phạt.
Bởi vì, hành lang pháp lý rõ ràng không thiếu, thậm chí chế tài quy định tại Nghị định 145/2016, Nghị định 108/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán có mức phạt cao nhất lên đến 400 triệu đồng/trường hợp vi phạm, nhưng đến nay số lượng các công ty bị xử phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Để khắc phục tình trạng doanh nghiệp chây ì đưa cổ phiếu lên sàn, theo ông cần triển khai những giải pháp nào?
UBCK có thể phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát danh sách 667 doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa lên sàn để xác định xem có bao nhiêu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng. Trên cơ sở số lượng công ty đại chúng này, UBCK toàn quyền thanh, kiểm tra để xác định rõ nguyên nhân, từ đó áp chế tài cho việc chưa tuân thủ quy định đưa cổ phiếu lên sàn.
Tuy nhiên, chế tài xử phạt thôi là chưa đủ, vì dẫu sao đó vẫn là giải pháp mang tính hành chính áp đặt. Điều quan trọng nữa là cần có những giải pháp mang tính thị trường, để khuyến khích doanh nghiệp lên sàn, thậm chí tạo ra sức hút để doanh nghiệp nhận thấy những lợi ích của việc lên sàn.
Do tính minh bạch trên sàn UPCoM còn hạn chế, nên các doanh nghiệp tốt có tâm lý ngại lên sàn này. Họ không tha thiết và không nhìn thấy lợi ích của việc lên sàn ngoài nghĩa vụ. Nếu như có những chính sách gia tăng giá trị cho các cổ phiếu đăng ký tại sàn này, sức hút sẽ tạo động lực thúc đẩy thêm các doanh nghiệp đăng ký giao dịch.
Chẳng hạn, với sàn UPCoM, bên cạnh việc phân loại thành nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, minh bạch, chất lượng quản trị tốt nên cho phép những chính sách nới lỏng trong giao dịch như các công ty chứng khoán được cấp khoản vay cho giao dịch margin, được mở rộng hoạt động tự doanh… Việc này sẽ hỗ trợ cải thiện thanh khoản cho thị trường, tạo sức hút để các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn.